Ngày 26/9, các ngân hàng thương mại nhà nước (gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank) “cùng hẹn” giảm mạnh lãi suất huy động VND.
Giảm mạnh, vì mức 0,3-0,5%/năm ở hầu hết các kỳ hạn dưới 12 tháng là lớn so với nền lãi suất huy động khá thấp hiện nay. Diễn biến này rất đáng chú ý, vì khối ngân hàng thương mại nhà nước đang chiếm tới trên dưới 50% thị phần huy động và cho vay.
Quyết định trên khá bất ngờ, có thể khiến nhiều con mắt theo dõi trên thị trường sực tỉnh, sau một thời gian khá dài lãi suất chỉ có nhúc nhích tăng, hoặc trơ trên biểu niêm yết.
Khác biệt… có lý do
Những năm gần đây, như một thông lệ, lãi suất thường giảm đầu năm. Sau mùa cao điểm chi trả Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, dòng tiền trở lại ngân hàng và họ thường có điều chỉnh.
Năm nay, trước mùa cao điểm sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thời điểm tín dụng thường bứt phá ở những năm trước, lãi suất “lẽ ra” tăng để các nhà băng chủ động thêm về nguồn để tăng giải ngân, nhưng nó lại bất ngờ giảm.
Chỉ vừa mới tuần trước, nhiều thông tin còn phản ánh lãi suất huy động VND có biểu hiện tăng ở một vài ngân hàng thương mại. Nhưng chính tuần lại là thời điểm có tính chất bản lề để lãi suất giảm.
Đó là tuần Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu dày nhất, nhiều nhất từ đầu năm đến nay, để hút bớt tiền về. Lý do, họ không còn phải cài răng lược với Bộ Tài chính ở kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ. Tuần qua, khác biệt trọng yếu so với những năm qua là, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành kế hoạch huy động vốn qua trái phiếu Chính phủ của cả năm chỉ sau chưa đầy 9 tháng.
Chi phí của hơn 5 triệu tỷ đồng các khoản vay, dù đã ký rồi, tới đây có thêm hy vọng được giảm bớt. Đây là kỳ vọng lợi ích cụ thể cho doanh nghiệp và người dân vay vốn. |
Khác biệt trọng yếu đó một phần giải thích cho quyết định cùng giảm lãi suất của 4 “ông lớn” nói trên. Kênh đầu tư vốn qua đấu thầu trái phiếu Chính phủ đã tạm ngừng. Tiền có trạng thái dư thừa thời gian qua, nay bớt một đầu ra lớn đó, có thể càng thừa.
Thế nhưng, vì sao 4 ngân hàng thương mại nhà nước “cùng hẹn” giảm mạnh lãi suất như vậy? Câu trả lời cũng có phần khác biệt ở riêng khối này.
Trước hết, hiện chưa có dữ liệu cập nhật về tăng trưởng tín dụng đến tháng 9/2016. Tuy nhiên, ở kênh đầu ra chủ yếu này, tốc độ đã có dấu hiệu chậm đi trong tháng 8 vừa qua. Cả hệ thống, tăng trưởng chung sau 8 tháng mới chỉ đạt nửa mức độ chỉ tiêu đề ra cho cả năm. Đẩy mạnh cho vay hiện nay không dễ dàng.
Riêng khối 4 ngân hàng trên, hệ số an toàn vốn hạn chế vẫn còn treo ở BIDV và VietinBank (do vướng mắc kế hoạch cổ tức và tăng vốn). Chính BIDV cũng từng công bố lượng định chi tiết về hạn chế này đối với khả năng tăng tín dụng.
Và định hướng chung, dự kiến họ có muốn tăng trưởng mạnh thì cũng không thể, khi định hướng chỉ tiêu của khối được biết tối đa chỉ khoảng 17% cả năm mà thôi.
Có thực sự khỏe để ra gió?
Một lý do đặc thù khác. Khối ngân hàng thương mại nhà nước có lượng tiền gửi thanh toán rất lớn, từ ngân sách nhàn rỗi, các quỹ bảo hiểm xã hội, y tế… Nguồn này gần như kém nhạy so với thay đổi lãi suất.
Nhưng, tiền gửi của dân cư sẽ nhạy. Nhất là hiện nay lãi suất đã về mức thấp nhất trong hơn chục năm trở lại đây. Sức dư vốn của khối này có thực sự đủ khỏe để đỡ độ nhạy của phản ứng tiền gửi dân cư hay không. Dĩ nhiên là họ đã tính toán, cũng như có thể có những yếu tố mà bên ngoài hiện thời không nắm được (mức độ được tái tạo nguồn từ trái phiếu đặc biệt VAMC như thế nào).
Họ đã tính toán. Trong các tính toán vẫn có tình huống: khi đầu ra tín dụng hạn chế, cách để giảm chi phí và hỗ trợ lợi nhuận là tiết giảm đầu vào, lãi suất huy động là đầu vào. Thực tế, 6 tháng đầu năm nay đã có trường hợp phải chọn cách này, khi tỷ lệ sử dụng vốn quá thấp, tín dụng tăng trưởng chậm và buộc phải huy động chậm lại qua chính sách lãi suất kém cạnh tranh.
Có những lý do như trên để các ngân hàng thương mại nhà nước lượng sức khỏe của mình để giảm lãi suất huy động. Song, yếu tố song hành ở đây vẫn là vai trò của Ngân hàng Nhà nước.
Thoạt tiên, khi trao đổi với VnEconomy, đã có ý kiến cho rằng quyết định giảm lãi suất của khối ngân hàng trên là một biểu hiện nới lỏng chính sách. Tuy nhiên, đây là lãi suất chủ động của các thành viên, khác với các lãi suất chủ chốt của nhà điều hành mà một khi thay đổi dễ phát đi tín hiệu nới lỏng hay thắt lại.
Song, hướng nới lỏng gián tiếp có thể nhìn nhận ở tốc độ tăng trưởng cung tiền (điểm còn thiếu trong dữ liệu báo cáo tháng 8 vừa qua, và chưa có cập nhật đến tháng 9). Hay Ngân hàng Nhà nước để một trạng thái dư thừa vốn trong hệ thống nhất định, như tạo điều kiện để giảm được lãi suất.
Và như trên, một yếu tố khác sẽ cấu thành sức khỏe của các ngân hàng hiện nay trước gió ngược lãi suất đối với sức hấp dẫn huy động, xét về nguồn vốn, là mức độ hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước qua tái cấp vốn bằng kênh trái phiếu đặc biệt VAMC. Hoạt động này được nhắc đến nhiều lần trong các định hướng chính sách gần đây, dĩ nhiên là với mức độ và kỳ hạn được kiểm soát chặt chẽ trong mối quan hệ với lạm phát.
Trong các thành viên trên, ngoại trừ Vietcombank có lượng nợ xấu bán lại cho VAMC khá ít, thì còn lại quy mô lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Nếu mức độ được tái tạo đáng kể, lãi suất tái cấp vốn dễ chịu ở kỳ hạn tốt hơn, thì họ sẽ bớt áp lực cạnh tranh lãi suất trên thị trường.
Và sau quyết định điều chỉnh ngày 26/9, chênh lệch lãi suất huy động giữa khối ngân hàng thương mại nhà nước với khối cổ phần đã doãng rộng. Có thể các thành viên khối cổ phần sẽ xem xét nhập cuộc theo thời gian tới.
Riêng tại BIDV và VietinBank, lãi suất các kỳ hạn ngắn đã không còn cạnh tranh ngang ngửa với một số thành viên khác như Eximbank, Sacombank, ACB… như vừa qua, thậm chí đã kéo về gần ngang với Vietcombank (thành viên luôn áp thấp nhất trong suốt năm qua).
Sẵn sàng trách nhiệm?
Như trên, vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong tạo điều kiện giảm lãi suất là không thể phủ nhận.
Dù các công cụ thường phát đi tín hiệu nới lỏng hoặc thắt chặt là dự trữ bắt buộc và các lãi suất điều hành vẫn giữ nguyên, nhưng hoạt động điều tiết vốn qua thị trường mở, qua tiền cung ứng mua ngoại tệ rất lớn, qua tái cấp vốn trái phiếu VAMC, hay gần đây được chú ý ở tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán…, đều có thể phản ánh một sự nới lỏng nhất định.
Nếu thực sự có nới lỏng, và đến nay lãi suất đã thực sự giảm rõ rệt và khá mạnh ở khối chiếm trên dưới 50% thị phần như trên, Ngân hàng Nhà nước đang cụ thể hóa mục tiêu mà Chính phủ liên tục đề cập từ tháng 4/2016 đến nay.
Và cũng đáng chú ý, nếu có sự nới lỏng để tạo điều kiện giảm lãi suất đó, thì Ngân hàng Nhà nước đã cho thấy mức độ sẵn sàng về trách nhiệm đối với lạm phát trong tương lai. Bởi quá khứ từng cho thấy, một khi có lạm phát tăng cao, sự nới lỏng của chính sách tiền tệ thường là nguyên nhân đầu tiên bị truy xét.
Ở áp lực đó, việc điều hành chính sách tiền tệ cũng cần đủ khỏe, bản lĩnh để có thể phải “ra gió” trong tương lai, nếu có tình huống lạm phát tăng cao về sau. Tất nhiên, nếu có sự nới lỏng đó, hẳn Ngân hàng Nhà nước cũng đã trù tính kỹ khả năng tác động và tầm kiểm soát đối với lạm phát với độ trễ của nó; và lạm phát còn tùy thuộc vào nhiều tác động khác nữa.
Ít nhất, cơ quan này đã có quá trình hành động thực sự để lãi suất giảm được. Chi phí của hơn 5 triệu tỷ đồng các khoản vay, dù đã ký rồi, tới đây có thêm hy vọng được giảm bớt. Đây là kỳ vọng lợi ích cụ thể cho doanh nghiệp và người dân vay vốn.