Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Kinh tế Nhật Bản đối mặt nhiều khó khăn

Kinhtedothi - Với tỷ lệ nợ công so với GDP cao ngất ngưởng, sự suy giảm kinh tế trong quý đầu năm 2025, và áp lực từ các chính sách thương mại của Mỹ, Nhật Bản đang đối mặt với một tương lai kinh tế đầy bất ổn.

Áp lực từ thuế quan và nợ công

Dữ liệu mới nhất từ Văn phòng Nội các Nhật Bản cho thấy nền kinh tế nước này đã suy giảm đáng kể trong quý đầu tiên của năm 2025, đánh dấu lần co hẹp đầu tiên trong vòng một năm. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Nhật Bản đã giảm 0,2% so với quý trước, tương đương mức giảm 0,7% trên cơ sở hằng năm. Con số này vượt xa dự báo của các nhà kinh tế về mức giảm chỉ 0,1% đến 0,3% của nền kinh tế lớn thứ tư thế giới.

Nguyên nhân chính của sự suy giảm này đến từ hai yếu tố: nhu cầu tiêu dùng trong nước đình trệ và xuất khẩu sụt giảm nghiêm trọng. Trong đó, tiêu dùng cá nhân, chiếm hơn một nửa sản lượng kinh tế của Nhật Bản, gần như không tăng trưởng trong quý I/2025, trái ngược với kỳ vọng tăng 0,1% của thị trường.

Xuất khẩu, động lực chính của nền kinh tế nước này, cũng giảm 0,6% so với quý trước, làm giảm 0,8 điểm phần trăm của GDP. Đặc biệt, xuất khẩu sang Mỹ, thị trường lớn nhất của Nhật Bản, giảm 1,8% trong tháng 4/2025, chủ yếu do nhu cầu về ô tô, thép và tàu thuyền sụt giảm. Các nhà phân tích cho rằng, sự suy thoái này diễn ra ngay cả trước khi các chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức có hiệu lực, báo hiệu những khó khăn lớn hơn trong tương lai.

Dù có một số điểm sáng, như chi tiêu vốn tăng 1,4% - vượt dự báo và đóng góp 0,7 điểm phần trăm vào GDP - hay tăng trưởng GDP hàng năm đạt 1,7%, cao nhất kể từ quý I/2023, các nhà kinh tế vẫn tỏ ra thận trọng. Sự suy yếu trong nhu cầu bên ngoài, kết hợp với áp lực từ lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao, đang khiến triển vọng kinh tế Nhật Bản trở nên mờ mịt.

Kinh tế Nhật Bản có sự suy giảm đáng kể trong quý đầu tiên của năm 2025, đánh dấu lần co hẹp đầu tiên trong vòng một năm. Ảnh: Getty

Ryutaro Kono, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng BNP Paribas, cảnh báo xu hướng suy giảm kinh tế có thể trở nên rõ rệt hơn từ quý II/2025, khi các biện pháp thuế quan của Mỹ bắt đầu tác động mạnh mẽ.

Một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với kinh tế Nhật Bản hiện nay là các chính sách thương mại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ngày 2/4, Mỹ áp đặt mức thuế 24% đối với tất cả hàng hóa Nhật Bản và thêm 25% thuế đối với ô tô, thép và nhôm nhập khẩu từ nước này. Các mức thuế dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2025, trừ khi Nhật Bản đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Một số nhà kinh tế như Takahide Kiuchi từ Viện Nghiên cứu Nomura nhận định, Mỹ không có nhiều động lực để nhượng bộ Nhật Bản, đặc biệt khi so sánh với Trung Quốc, một đối thủ thương mại lớn hơn. Điều này khiến triển vọng đạt được thỏa thuận trước tháng 7 trở nên mong manh. Các công ty ô tô lớn của Nhật như Toyota và Mazda đã bắt đầu cảm nhận được tác động, với Toyota dự báo lợi nhuận giảm 20% trong năm tài chính hiện tại, còn Mazda thậm chí không dám công bố dự báo thu nhập do sự bất ổn từ chính sách thương mại của Mỹ.

Bên cạnh đó, nợ công khổng lồ của Nhật Bản, ước tính đạt 234,9% GDP vào năm 2025 theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), là một mối lo ngại khác. Con số này cao hơn nhiều so với tỷ lệ 142,2% của Hy Lạp, quốc gia từng rơi vào khủng hoảng nợ nghiêm trọng.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba từng thẳng thắn thừa nhận tình hình tài chính “vô cùng tồi tệ”, và nhấn mạnh đất nước đang phải đối mặt với một thế giới có lãi suất dương, trái ngược với thời kỳ lãi suất bằng 0 hoặc âm kéo dài hàng thập kỷ.

Tuy nhiên, Nhật Bản khác Hy Lạp ở một điểm quan trọng: phần lớn nợ công của nước này do công dân trong nước nắm giữ, thay vì các trái chủ nước ngoài như trường hợp của Hy Lạp, nơi 80% nợ thuộc về các nhà đầu tư ngoại. Ngoài ra, việc sở hữu lượng lớn trái phiếu kho bạc Mỹ, trị giá 1,13 nghìn tỷ USD tính đến tháng 3/2025, khiến Nhật Bản trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Mỹ. Đây là một lá bài chiến lược mà Tokyo có thể sử dụng trong các cuộc đàm phán thương mại hoặc để ổn định tài chính.

Những thách thức nội tại

Ngoài áp lực từ bên ngoài, Nhật Bản còn phải đối mặt với những vấn đề nội tại kéo dài. Dân số già hóa nhanh chóng đang làm gia tăng chi phí phúc lợi xã hội, trong khi lực lượng lao động và nhu cầu trong nước suy giảm.

Lạm phát, hiện ở mức 3,6% vào tháng 4/2025, vượt mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) trong 3 năm liên tiếp, đã làm xói mòn sức mua của người tiêu dùng trong nước. Giá gạo, một mặt hàng nông sản chủ lực của nước này, tăng 92% so với cùng kỳ năm trước, buộc Chính phủ phải mở kho dự trữ khẩn cấp và một số trường học phải cắt giảm khẩu phần ăn trưa có gạo từ 3 xuống 2 lần mỗi tuần.

BOJ, sau nhiều năm duy trì lãi suất âm để kích thích kinh tế, đã bắt đầu tăng lãi suất từ năm ngoái, hiện ở mức 0,5%. Tuy nhiên, sự suy giảm kinh tế gần đây và bất ổn từ thuế quan của Mỹ khiến các nhà phân tích dự đoán ngân hàng này sẽ tạm dừng kế hoạch tăng lãi suất, ít nhất cho đến khi có thêm thông tin rõ ràng về tác động của các chính sách thương mại.

Một số ý kiến trong BOJ cho rằng mục tiêu lạm phát 2% có thể đạt được, nhưng những ý kiến khác cảnh báo về sự bất ổn trong triển vọng kinh tế, đồng thời kêu gọi chính sách tiền tệ linh hoạt hơn.

Những vấn đề trên đặt Thủ tướng Ishiba vào áp lực lớn trước cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 7/2025. Một số đảng đối lập kêu gọi giảm thuế tiêu dùng 10% hoặc đưa ra các gói kích thích kinh tế mới, nhưng nhà lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) tỏ ra thận trọng, khi nhấn mạnh tình hình tài chính quốc gia không cho phép chi tiêu phóng khoáng.

Thay vào đó, ông Ishiba tập trung vào việc bảo vệ các ngành nhạy cảm như nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất gạo, trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ. Điều này phản ánh sự nhạy cảm chính trị trong nước, khi nông thôn là khu vực cử tri quan trọng đối với liên minh cầm quyền do LDP dẫn đầu.

Lối thoát nào cho Nhật Bản?

Nguy cơ suy giảm kinh tế, áp lực từ thuế quan Mỹ, và gánh nặng nợ công đòi hỏi Chính phủ Tokyo phải đưa ra các giải pháp đồng bộ và dài hạn. Một số nhà đầu tư, như Vanguard và RBC BlueBay, đã bắt đầu mua vào trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 30 năm, cho thấy vẫn còn niềm tin vào khả năng ổn định tài chính của nước này. Tuy nhiên, với cuộc đấu giá trái phiếu 40 năm sắp tới và tâm lý thị trường đang dao động, Nhật Bản cần hành động nhanh chóng để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư.

Trong ngắn hạn, Chính phủ Tokyo có thể xem xét các biện pháp như giảm thuế xăng dầu hoặc sử dụng quỹ dự trữ để hỗ trợ người dân, song những giải pháp này khó đáp ứng được kỳ vọng của công chúng, như nhận định của nhà kinh tế Takuji Aida từ tập đoàn ngân hàng Credit Agricole.

Về dài hạn, Nhật Bản cần giải quyết vấn đề dân số già hóa, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào Mỹ. Đồng thời, việc củng cố tài chính công và cải cách cơ cấu sẽ là chìa khóa để tránh một cuộc khủng hoảng tương tự Hy Lạp.

Giải thưởng Âm nhạc Nhật Bản 2025 lần đầu tiên “gọi tên” nghệ sĩ Việt Nam

Giải thưởng Âm nhạc Nhật Bản 2025 lần đầu tiên “gọi tên” nghệ sĩ Việt Nam

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Hơn 2.200 hộ kinh doanh Ninh Hiệp vào tầm kiểm soát thuế

Hà Nội: Hơn 2.200 hộ kinh doanh Ninh Hiệp vào tầm kiểm soát thuế

21 May, 04:58 PM

KInhtedothi - Đội thuế huyện Gia Lâm (Hà Nội) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 8 và UBND xã Ninh Hiệp vừa tổ chức đợt ra quân tuyên truyền về công tác quản lý thuế đối với các hộ, cá nhân kinh doanh và hộ có hoạt động cho thuê tài sản trên địa bàn.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ