Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giám sát an toàn nợ công

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến hết ngày 31/12/2020, dư nợ công bằng khoảng 55,3% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 49,1% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,3% GDP. Đây là mức thấp hơn trần quy định. Tuy vậy, câu chuyện giám sát an toàn nợ công vẫn được đặt ra hàng đầu.

Đã "nhẹ gánh" nợ công
Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020, tình hình triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2021 của Chính phủ trình Quốc hội cho biết. Ở thời điểm đầu nhiệm kỳ 2016 - 2020, gánh nặng nợ công lên đến 63,7% GDP. Tuy nhiên, sau 5 năm, bội chi ngân sách, nợ công đã được “ghìm cương”, dư địa tài khóa được củng cố đủ để ứng phó và vượt qua rủi ro bất ngờ như dịch Covid-19. Tính chung 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, bội chi NSNN bình quân khoảng 3,45% GDP, bảo đảm mục tiêu không quá 3,9% GDP
 Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Ảnh: Hoàng Hà
Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2020, Chính phủ đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) để bù đắp bội chi và trả nợ gốc phù hợp với khả năng ngân quỹ Nhà nước (đã phát hành được 333.000 tỷ đồng cho NSNN, tăng gần 39% so với thực hiện năm 2019), chủ yếu huy động vốn trung và dài hạn, không vay thêm từ các tổ chức tài chính quốc tế như ngân hàng WB, ADB... góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Bên cạnh đó, thực hiện việc tổ chức tái cơ cấu danh mục nợ, hoán đổi TPCP kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài, qua đó kéo dài kỳ hạn còn lại, giảm áp lực trả nợ, cắt đỉnh nợ cho NSNN.

Kỳ hạn phát hành TPCP năm 2020 đã dài gấp trên 3,5 lần năm 2011. Lãi suất huy động bình quân cũng giảm mạnh, từ mức 12,01% bình quân năm 2011, xuống còn khoảng 2,86% năm 2020. Lũy kế từ năm 2016 đến nay, đã thực hiện hoán đổi gần 6.000 tỷ đồng TPCP, trong đó 50% được kéo dài thời hạn từ 5,9 năm lên 25,4 năm (tăng 4,3 lần), 50% còn lại từ 1,17 năm lên 13,09 năm (tăng 11,2 lần).

Nợ công tiềm ẩn

Năm 2021 được dự báo tiếp tục khó khăn khi dịch Covid-19 trên thế giới chưa tiên lượng được điểm dừng. Vì vậy, thu NSNN năm nay dự kiến giảm hơn 11% so với dự toán năm 2020. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm, dự toán thu ngân sách năm sau giảm so với năm trước. Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 sẽ có sự thay đổi nhất định, do hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, ngân sách hụt thu, trong khi phải tăng chi… Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính Võ Hữu Hiển, cả giai đoạn 2016 - 2019, hay năm 2020 và năm 2021 nợ công, bội chi được kiểm soát chặt chẽ, không hề tăng, nhưng do tốc độ tăng trưởng GDP không đạt dự kiến, nên mọi chỉ số liên quan đến tài chính quốc gia như nợ công, bội chi, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, so với GDP đều khá cao.

Năm 2021, Chính phủ dự kiến tổng thu ngân sách là 1.343,33 nghìn tỷ đồng, chi ngân sách là 1.687 nghìn tỷ đồng, bội chi là 343,67 nghìn tỷ đồng. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ dự ước sẽ cao hơn 25% tổng thu ngân sách của năm 2021. "Đó là dấu hiệu nguy hiểm, gây rủi ro và giảm mức an toàn tài chính quốc gia" - Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cảnh báo. Cơ quan này cũng chỉ ra tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách năm 2020 còn cao (63,4%), các chính sách hỗ trợ người dân, DN trong đại dịch còn chưa mang lại hiệu quả, sắp xếp tổ chức các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách chưa quyết liệt... Rất có thể, bội chi ngân sách năm nay còn tăng thêm 38.500 tỷ đồng, do không thu được tiền bán vốn Nhà nước tại DN.

Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính), tăng trưởng kinh tế của nước ta phụ thuộc rất lớn vào vốn đầu tư, trong đó, vốn đầu tư từ khu vực Nhà nước giữ vai trò vô cùng quan trọng (chiếm trên 30% tổng vốn đầu tư toàn xã hội) thì rất cần những chính sách khơi thông dòng vốn từ khu vực dân doanh và vốn nước ngoài chưa. Tăng chi cho đầu tư phát triển cũng là cách để nền kinh tế tăng tốc. Khi đó, quy mô nền kinh tế lớn hơn, thu ngân sách lớn hơn, tất yếu, Chính phủ cũng có thêm nguồn lực để trả nợ. “Tất nhiên, phải là đầu tư trúng, đúng và có hiệu quả, để làm sao vừa thúc đẩy kinh tế phát triển, vừa giữ được an toàn nợ công và nghĩa vụ trả nợ”- ông Cường chia sẻ. 

"Việt Nam là nước hiện có nhu cầu đầu tư rất lớn, nhất là các dự án hạ tầng quan trọng. Giai đoạn 2016 - 2020, vốn đầu tư công trung hạn là 2 triệu tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đang đề xuất lên 2,75 triệu tỷ đồng, tăng 37% so với giai đoạn trước. Tăng tổng mức đầu tư công trung hạn là cần thiết, bởi chúng ta cần đầu tư phát triển, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Chính vì thế cần tập trung cho các dự án then chốt, quan trọng của quốc gia, bao gồm cả hạ tầng giao thông và năng lượng, các dự án kinh tế số, chuyển đổi số…" - GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân