Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giám sát, cảnh báo sớm nguy cơ mất an toàn thực phẩm

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với khoảng 10,3 triệu người hiện đang sinh sống tại Thủ đô, nhu cầu tiêu thụ nông lâm thủy sản là rất lớn. Việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) là yêu cầu đặt ra cấp thiết đối với các cơ quan quản lý Nhà nước.

Lực lượng chức năng kiểm tra thực phẩm tại chợ Đền Lừ, quận Hoàng Mai. Ảnh: Duy Anh
Hơn 5% mẫu thực phẩm không an toàn
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, từ đầu năm 2020 đến nay, Sở đã giao Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tổ chức lấy 1.162 mẫu giám sát chỉ tiêu ATTP nông lâm thủy sản. Đến nay, đã có kết quả phân tích chỉ tiêu của 991 mẫu. Đáng lo ngại, trong tổng số mẫu có kết quả, vẫn còn 51/991 mẫu (chiếm 5,14% tổng số mẫu) vi phạm các chỉ tiêu ATTP.

Cụ thể, có 20/279 mẫu thịt có kết quả bị nhiễm vi khuẩn Salmonella; 1/279 mẫu thịt phát hiện có chứa chất cấm Chloramphenical; 7/149 mẫu thủy sản tồn dư chất cấm trong nuôi trồng; 2/290 mẫu rau quả vượt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật Cypermerthrin; 3/29 mẫu chế biến từ rau có dư lượng Cypermerthrin vượt ngưỡng. Ngoài ra, còn có 18/63 mẫu chế biến từ thịt có chứa các chất phụ gia, bảo quản bị cấm.

Cùng với việc giám sát mẫu phân tích chỉ tiêu chất lượng ATTP nông lâm sản và thủy sản, ngành NN&PTNT Hà Nội tiếp tục thực hiện việc thanh tra, kiểm tra giám sát, truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm tại các cơ sở. Kết quả giám sát cũng đặt ra nhiều mối lo. Theo đó, trong tổng số 65 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm sản và thủy sản được giám sát từ đầu năm 2020 đến nay, cơ quan chức năng phát hiện tới 16 cơ sở có vi phạm. Lý do vi phạm chủ yếu là không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, vệ sinh kho bãi không bảo đảm, nhãn sản phẩm hàng hóa không đúng…

Bêu tên cơ sở vi phạm

Đối với các mẫu thực phẩm không bảo đảm an toàn, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã niêm phong, tịch thu. Các cơ sở có sản phẩm vi phạm chỉ tiêu ATTP cũng đều bị lập biên bản, củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định pháp luật. Đặc biệt, đối với 16 cơ sở được xác định có vi phạm sau thanh tra, kiểm tra, đơn vị đã tiến hành xử phạt hành chính gần 269 triệu đồng.

Từ nay đến cuối năm 2020, nhu cầu tiêu dùng nông sản, thực phẩm của người dân Thủ đô được nhận định vẫn sẽ rất lớn. Đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết… Nguy cơ mất ATTP vẫn còn hiện hữu, đòi hỏi các cấp, ngành, trong đó có ngành NN&PTNT Hà Nội cần tiếp tục giám sát chặt chẽ, thường xuyên tổ chức lấy mẫu để phân tích, cảnh báo sớm các nguy cơ.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, trong giai đoạn cuối năm 2020, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, các đơn vị trực thuộc tăng cường lấy mẫu giám sát, điều tra, truy xuất nguồn gốc; phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng ATTP. Đặc biệt, sẽ thông báo cơ sở sản xuất, kinh doanh có vi phạm trên hệ thống thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết, không lựa chọn sử dụng.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ phối hợp với các quận, huyện, thị xã, tập trung rà soát, đánh giá, phân loại và chứng nhận điều kiện ATTP cho các đơn vị đủ điều kiện. Công khai kết quả thanh tra, kiểm tra để khuyến khích, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh bảo đảm ATTP. Đặc biệt, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng sẽ phối hợp với Công an TP, Quản lý thị trường thực hiện việc thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm sản và thủy sản theo kế hoạch. Tiến hành xác minh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm mất ATTP. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.

Từ đầu năm 2020 đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã thực hiện thẩm định, xếp loại 231 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nông lâm sản và thủy sản. Kết quả, 157 cơ sở xếp loại B, 66 cơ sở xếp loại C, 8 cơ sở không đủ điều kiện xếp loại. Đồng thời, thực hiện cấp 170 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.