Thống kê của Sở TN&MT cho thấy, tổng số dự án thu hồi đất nông nghiệp thuộc đối tượng giao đất dịch vụ là 590 dự án, với diện tích đất thu hồi: 7.518ha; số hộ thuộc tiêu chuẩn giao đất dịch vụ: 75.749 hộ (không tính số hộ dân huyện Mê Linh báo cáo được bồi thường, hỗ trợ theo QĐ 108/2009/QĐ-UBNDngày 29/9/2009 của UBND TP). Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Văn Hùng, đến nay, TP mới tổ chức xét duyệt và giao được 17.981 hộ, đạt 23,7% và đạt 10% diện tích. Một số huyện đã có quỹ đất, hoàn thành GPMB, xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhưng kết quả giao thấp hoặc chưa giao đất cho người dân như Thanh Oai, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Chương Mỹ… Nguyên nhân khiến việc giao giao đất dịch vụ đạt tiến độ là do chính sách và đối tượng được hưởng đất dịch vụ trên địa bàn tỉnh Hà Tây (cũ), tỉnh Vĩnh Phúc và TP Hà Nội thực hiện khác nhau và có nhiều thay đổi trong thời gian ngắn. Đơn cử, hạn mức thu hồi đất nông nghiệp được hưởng chính sách giao đất dịch vụ, ban đầu chỉ dành cho các dự án lớn, trọng điểm hoặc khu, cụm công nghiệp, khu du lịch và khu đô thị tập trung. Sau đó, các trường hợp thu hồi đất đều được hưởng chính sách giao đất dịch vụ... Tuy nhiên, đoàn giám sát cũng chỉ ra những nguyên nhân từ việc một số địa phương chưa chủ động, ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư cho nhiệm vụ giao đất dịch vụ hoặc xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật nhưng không thực hiện giao đất cho dân. Nhiều đơn vị chưa giao đất được cho hộ dân nào như Thanh Oai, Ứng Hòa, Quốc Oai, Thanh Trì, Sóc Sơn, Đông Anh... Để đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ, lãnh đạo Sở TN&MT cho rằng, chính quyền cơ sở phải tập trung quyết liệt hơn, với kế hoạch giao đất theo từng tháng, từng công việc, dự án cụ thể và báo cáo cấp ủy để thống nhất chỉ đạo, bảo đảm hoàn thành giao đất dịch vụ trong năm 2015. Đối với 400,7ha đã hoàn thành xong hạ tầng kỹ thuật, đã được xét duyệt đối tượng, các huyện cần giao đất ngay cho các hộ dân trước 30/6. Với các đơn vị đang thiếu quỹ đất dịch vụ như Hà Đông, Hoài Đức, Đông Anh, Chương Mỹ, Thạch Thất, Sở TN&MT cũng gợi mở, cần tổ chức rà soát quỹ đất đấu giá, tái định cư còn lại, quỹ đất thương phẩm các dự án sử dụng đất vi phạm quy định của pháp luật về đất đai, quỹ đất nhỏ lẻ xen kẹt trong khu dân cư đề xuất địa điểm để ưu tiên bố trí giao đất dịch vụ. Theo Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam, ngoài các nguyên nhân khách quan, phải thẳng thắn thấy rằng, chính quyền cơ sở chưa làm hết trách nhiệm, chưa quyết liệt trong chỉ đạo, mặc dù TP đã xác định đây là nhiệm vụ chính trị cần tập trung. Nhiều địa phương đã có đất GPMB rồi, nhưng vẫn "ách" ở việc xác định hộ, hợp nhất hộ… Để hoàn thành những mục tiêu của năm 2015 là giao xong diện tích đã GPMB và có hạ tầng kỹ thuật. Ông Nguyễn Hoài Nam đề nghị, phải lập đoàn kiểm tra liên ngành của TP để đôn đốc chỉ đạo và gỡ vướng ngày từ cơ sở. Trong đó, nên chọn 3 địa bàn có diện tích đất cần giao lớn là Mê Linh, Hoài Đức và Hà Đông để tập trung chỉ đạo, tạo ra sự chuyển biến về số lượng. Ban Pháp chế cũng giám sát tới cùng vấn đề này, và nếu cần sẽ đưa ra chất vấn tại kỳ họp HĐND TP.