Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi):

Giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội, lương hưu sẽ thấp?

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), giảm số năm đóng BHXH, được hưởng trợ cấp xã hội là những chính sách đang được đề xuất. Nhưng nhiều người lo lắng, khi giảm số năm đóng BHXH thì sẽ có nhiều người hưởng lương hưu thấp, liệu có đảm bảo an sinh xã hội?

Mở rộng đối tượng, thêm chính sách bảo hiểm xã hội

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được Bộ LĐTB&XH lấy ý kiến góp ý đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội. So với Luật BHXH năm 2014, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có một số điểm mới như xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, thông qua việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung thêm các chính sách so với quy định hiện hành.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung thêm các chính sách so với quy định hiện hành.

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH. Cụ thể, đối với diện tham gia BHXH bắt buộc, dự thảo Luật bổ sung đối tượng là chủ hộ kinh doanh, người quản lý DN, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm không trọn thời gian. Dự thảo Luật bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện: Người lao động tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con được hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng cho một con, do ngân sách Nhà nước đảm bảo.

Hiện nay, theo quy định của Luật BHXH, thời gian đóng BHXH tối thiểu 20 năm mới được hưởng lương hưu. Điều này dẫn đến nhiều người lao động không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu, nhiều người không đủ kiên nhẫn nên rời khỏi hệ thống BHXH. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến số lượng người hưởng BHXH một lần lớn và có xu hướng tăng nhanh trong thời gian qua.

Vì thế, thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm. Mức hưởng lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH là 20 năm đối với nam, và 15 năm đối với nữ. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.  Theo Bộ LĐTB&XH, việc giảm số năm đóng BHXH nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục nên có thời gian ngắn để được hưởng lương hưu.

Về quy định hưởng BHXH một lần, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung quy định theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần như: Giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu. Người lao động khi hết tuổi mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ có thêm sự lựa chọn: Nếu không nhận BHXH một lần thì được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và bảo hiểm y tế.

Cần đánh giá cụ thể về tác động giảm số năm đóng BHXH

Theo Bộ LĐTB&XH đánh giá tác động, việc sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm số năm đóng BHXH tối thiểu, so với quy định hiện hành thì người lao động có thể được hưởng lương hưu sớm hơn trong trường hợp đã đủ tuổi và có thời gian đóng từ đủ 15 năm trở lên. Do đó, việc này về cơ bản là có tác động tiêu cực đến quỹ BHXH mặc dù những người này sẽ hưởng mức thấp hơn nhưng do thời gian chi trả sẽ được thực hiện sớm và kéo dài hơn. Do vậy, cần có đánh giá cụ thể hơn về những tác động của việc giảm số năm đóng đến khả năng cân đối quỹ BHXH.

Và, do cách tính mức lương hưu của người nghỉ hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH, do vậy, việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp nghỉ hưu ở mức lương hưu thấp. Đặc biệt là đối với những người tham gia BHXH tự nguyện ở mức thu nhập 1.500.000 đồng/tháng, thời gian tham gia vừa đủ 15 năm thì mức hưởng khi nghỉ hưu sẽ khá thấp, chỉ nhỉnh hơn một chút so với trợ cấp hưu trí xã hội. Và, khi giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu xuống 15 năm, thì tỷ lệ hưởng lương hưu của nam giới chỉ là 33,75%, thì mức lương hưu sẽ rất thấp.

Trao đổi về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, thực ra BHXH còn nhiều vấn đề như đóng – hưởng thế nào, bảo đảm an toàn quỹ ra sao... Quy định đóng BHXH 20 năm thì có những người lao động rất khó để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Khi giảm số năm đóng BHXH thì tốt hơn cho người lao động, đây là cách xử lý tình huống. Nhưng, bây giờ, đóng thời gian ít hơn mà hưởng tỷ lệ phần trăm nhiều thì an ninh của quỹ BHXH không bảo đảm bền vững. Vì thế, cần phải tính tiếp vấn đề này.

Đồng tình với đề xuất hưu trí xã hội, ông Minh Huân cho rằng, nếu Nhà nước có ngân sách thì mở ra cho những người không đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc lương hưu thấp, để sau này cuộc sống của họ đỡ chật vật.

Về quy định hưởng BHXH một lần, Bộ LĐTB&XH đưa ra phương án 2, người lao động có yêu cầu thì được giải quyết 1 phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Đề xuất này chỉ nên là giải quyết trước mắt; còn lại vẫn phải quay lại Điều 60 của Luật BHXH 2014. Tức là, tuyên truyền, vận động người lao động khi khó khăn thì tìm cách khác để giải quyết. Số tiền đã đóng BHXH thì phải tích lũy lại, hạn chế rút BHXH một lần.

Theo các chuyên gia lao động, cải cách BHXH là bảo đảm công bằng hơn, cân bằng giữa hiện tại và lâu dài, chứ không phải là tốt hơn ngay được. Vì thế, khi bản thân người lao động có việc làm, thu nhập thì tích lũy đóng góp dần thành quỹ để đến lúc hết tuổi lao động có số năm đóng BHXH nhiều, hưởng tỷ lệ % cao thì có nguồn đó để sống, cũng như đảm bảo an sinh xã hội.