Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm thiểu nguy cơ tai nạn thương tích ở trẻ em

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đã được khuyến cáo rất nhiều, nhưng cứ vào dịp hè tai nạn thương tích ở trẻ lại gia tăng. Đây đang là vấn đề nhức nhối, tùy mức độ nặng nhẹ nhưng có thể trở thành nỗi ám ảnh cho trẻ em và phụ huynh.

Nhân rộng mô hình phòng chống tai nạn thương tích

Thời gian gần đây, tình hình tai nạn thương tích ở trẻ em tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thanh Oai, Hà Nội chưa có dấu hiệu giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tinh thần các em.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Khánh Bình cho biết, qua số liệu thống kê, trên địa bàn 21 xã, năm 2022 tổng số ca mắc tai nạn thương tích là 508 ca. Trong đó, số ca tai nạn thương tích của trẻ em là 168 ca, số ca tử vong do tai nạn thương tích là 15 ca.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, số ca mắc và tử vong do tai nạn thương tích không giảm và đang có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc khoảng 471/324 ca; trẻ em là 142/103 ca, 11 ca tử vong (trong đó 3 ca tử vong ở trẻ em do đuối nước và tai nạn giao thông).

Sân khấu hóa phòng chống tai nạn thương tích trẻ em tại huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Sân khấu hóa phòng chống tai nạn thương tích trẻ em tại huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Thời gian tới, huyện Thanh Oai tiếp tục quan tâm hỗ trợ, xây dựng thí điểm, đánh giá và nhân rộng mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn” phòng chống tai nạn thương tích trẻ em tại các xã, thị trấn.

Nâng cao kiến thức, kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông đường bộ, sơ cứu, cấp cứu tai nạn giao thông cho học sinh; tổ chức thực hiện các hoạt động can thiệp nhằm giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn giao thông đường bộ, đuối nước, bạo lực học đường cho trẻ em.

Ngoài ra, địa phương triển khai chương trình bơi an toàn cho trẻ em, xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành về phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em trên địa bàn.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Nguyễn Thị Kiều Anh, để hạn chế mắc và tử vong do tai nạn thương tích cần phải có sự chung tay của tất cả ban, ngành và cộng đồng để giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn cho trẻ em.

Việc nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em sẽ từng bước kiểm soát tình hình tai nạn thương tích trẻ em.
Việc nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em sẽ từng bước kiểm soát tình hình tai nạn thương tích trẻ em.

“Mọi trẻ em đều có quyền được sống, phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện và được bảo vệ không bị xâm hại, không bị phân biệt đối xử.

Vì vậy, việc nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em sẽ từng bước kiểm soát tình hình tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội” - Phó Giám đốc Trung tâm CDC Hà Nội Nguyễn Thị Kiều Anh nhấn mạnh.

Hạn chế tai nạn thương tích ở trẻ

Thời gian qua, Bệnh viện Nhi Trung ương liên tiếp tiếp nhận nhiều trẻ bị tai nạn thương tích nhập viện với các mức độ khác nhau như: bị đuối nước, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt phải điều trị dài ngày, có tổn thương nặng, nguy cơ tử vong hoặc để lại di chứng lâu dài.

Bác sĩ Nguyễn Tân Hùng – Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời gian gần đây, số lượng bệnh nhi bị tai nạn thương tích nhập viện tăng so với thời điểm trước khi học sinh nghỉ hè. Đuối nước, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt là những tai nạn thương tích chủ yếu ở trẻ.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám cho bệnh nhi bị tai nạn giao thông.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám cho bệnh nhi bị tai nạn giao thông.

Nguyên nhân chính là do thời gian này các em được nghỉ học, được tự do vui chơi nhưng thiếu sự giám sát của gia đình và trường. Bên cạnh đó, trẻ em với bản tính hiếu động, thích tò mò và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích.

Trước đó, trong tháng 5/2023, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã tiếp nhận một số trẻ nhập viện điều trị do ngã, bỏng, đuối nước…, nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Theo các bác sĩ, đối với trẻ nhỏ từ 2 đến 5 tuổi thường gặp tai nạn thương tích tại nhà như ngã, bỏng, hóc dị vật, uống nhầm hóa chất…. Còn đối với trẻ từ 6 đến 14 tuổi thường gặp tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông…

Bởi, trẻ vốn dĩ rất thích nghịch nước, đặc biệt vào mùa hè nắng nóng. Nếu không có sự giám sát chặt chẽ từ người lớn khi trẻ bơi lội, chơi đùa trong ao, hồ, bể bơi…, thì các em phải đối mặt nguy cơ cao bị đuối nước.

Điều đáng nói, trong số trẻ bị đuối nước, đa số các trường hợp đều được cấp cứu ngừng tuần hoàn sai cách. Nhiều trường hợp dù không tỉnh, không thở nhưng vẫn không được cấp cứu ngừng tim ngay, thay vào đó là bế dốc chạy vòng quanh, làm chậm trễ cấp cứu, tăng nguy cơ trào ngược và trẻ hít phải các chất dịch từ dạ dày vào phổi.

Theo TS Phan Hữu Phúc – Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khoẻ Trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương; Tổng thư ký Hội Nhi Khoa Việt Nam, sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ đuối nước rất quan trọng vì nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ đuối nước là tổn thương não do thiếu oxy.

Cấp cứu trẻ đuối nước đúng cách.
Cấp cứu trẻ đuối nước đúng cách.

Thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa chỉ khoảng từ 3-5 phút, nếu quá thời gian này sẽ dẫn tới tổn thương não không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh. Do đó, khi thấy một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim thì cần phải hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim) ngay vì đây là thời điểm vàng để cứu sống trẻ.

Qua đó, các bác sĩ khuyến cáo, khi mùa hè đến, cha mẹ cần quan tâm đến trẻ nhiều hơn, đồng thời dặn dò, giáo dục trẻ về ý thức tự bảo vệ chính mình, về các mối nguy hiểm, rủi ro có thể xảy ra khi tham gia giao thông, hay leo trèo, nghịch ngợm.

Cha mẹ hướng dẫn cho trẻ những kỹ năng cơ bản nhất tránh nguy cơ đối mặt với những tai nạn khi sinh hoạt, vui chơi. Tuyệt đối không cho trẻ tự ý leo lên gác cao, cửa sổ đang mở… Các cửa sổ, ban công phải có rào chắn an toàn, bậc thềm, cầu thang cần có lan can, tay vịn chắc chắn để phòng tránh trẻ vấp, ngã.

Với các trẻ lớn hơn, gia đình và nhà trường cần hướng dẫn, giáo dục trẻ cách tham gia giao thông an toàn, chấp hành luật lệ giao thông, không vượt đèn đỏ, đi bộ dưới lòng đường, băng qua đường bất ngờ, đùa nghịch, đá bóng dưới lòng đường, đi xe đạp dàn hàng ngang lấn chiến làn đường của các phương tiện khác. Tuyệt đối không cho trẻ tập hay đi xe máy, xe đạp điện khi trẻ chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật.

Đối với các công trình thi công nên đặt biển báo hiệu cảnh báo nguy hiểm cho người đi đường tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

 

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2025, huyện Thanh Oai tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, gia đình, trường học và cộng đồng.

Nâng cao năng lực về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cho đội ngũ công chức, viên chức, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên, nhân viên y tế cơ sở về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em và sơ cứu, cấp cứu ban đầu.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Khánh Bình