70 năm giải phóng Thủ đô

Giảm thiểu tai nạn xe trong mưa bão: nói không với bệnh chủ quan

Huyền Sâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đợt mưa bão số 3 vừa qua, trong số người thiệt mạng tại các tỉnh miền núi phía Bắc, có nhiều người là nạn nhân do phương tiện bị nước lũ cuốn trôi. Để không còn những tai nạn đáng tiếc xảy ra, chúng ta không được chủ quan trên mọi phương diện.

Tai nạn thương tâm

Sau bão số 3, đến nay công tác tìm kiếm cứu nạn vẫn đang được thực hiện song song với việc khắc phục hậu quả do mưa lũ tại các tỉnh phía Bắc.

Thông tin từ lực lượng chức năng tỉnh Cao Bằng, đến ngày 15/9, công tác tìm kiếm những nạn nhân còn lại trong vụ sạt lở đất đẩy nhiều xe ô tô, xe máy xuống suối khiến nhiều người chết và mất tích tại bản Khuổi Ngọa, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình vẫn tiếp tục. Hiện nay lực lượng chức năng đã tìm thấy 30 thi thể, một số người chưa xác định được danh tính.

Trước đó, vụ đất đá sạt lở sáng ngày 9/9 tại bản Khuổi Ngọa đã đẩy 3 xe ô tô gồm: một xe khách 29 chỗ, một xe 4 chỗ và một xe không có người cùng một số xe mô tô xuống vực, suối và bị cuốn trôi. Có hơn 30 người được xác định liên quan đến vụ việc. 

Lực lượng chức năng vẫn đang tìm kiếm các nạn nhân trong vụ việc nhiều ô tô và xe máy bị cuốn trôi tại Cao Bằng ngày 9/9.
Lực lượng chức năng vẫn đang tìm kiếm các nạn nhân trong vụ việc nhiều ô tô và xe máy bị cuốn trôi tại Cao Bằng ngày 9/9.

Trong cơn bão số 3, Tuyên Quang là một trong các tỉnh miền núi phía Bắc có mưa to, khiến sông suối xuất hiện lũ lớn. Trước đó, chiều 8/9, Công an huyện Hàm Yên nhận tin báo về việc anh Nguyễn Văn Nhúc (29 tuổi, trú xã Bạch Xa) lái xe máy chở 2 con là Nguyễn Quốc Bảo (8 tuổi) và Nguyễn Thị Bảo Trang (5 tuổi) di chuyển qua cầu tràn thôn Cầu Treo, xã Yên Thuận thì bị nước lũ cuốn trôi.

Bé Bảo may mắn được Công an xã Yên Thuận và người dân cứu thoát khi trôi xa cách cầu tràn hơn 100m và bám được vào gốc cây giữa dòng nước xiết. Hiện vẫn chưa tìm thấy anh Nhúc và bé Trang.

Trong sáng 12/9, tại đập tràn Thành Tiến - Thành Long, huyện Thạch Thành trên tỉnh lộ 516B đi xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, một xe tải thùng loại 1,5 tấn chở cây keo giống khi đi qua đập tràn đã bị chết máy do ngập nước, sau đó bị nước lũ cuốn trôi xuống phía hạ lưu 3m. Lực lượng Công an địa phương đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường cứu được người và trục vớt xe tải.

Trên đây chỉ là 3 trong số các vụ việc phương tiện giao thông gặp nguy hiểm do di chuyển trong mưa lũ của cơn bão số 3, nhưng đã đặt ra vấn đề về việc đảm bảo an toàn giao thông trong bối cảnh thời tiết đặc biệt, nhất là hàng năm Việt Nam có nhiều cơn bão đổ bộ với mức độ nguy hiểm khác nhau.

Vẫn chủ quan với cảnh báo

Liên tục theo dõi về tình hình mưa lũ ở các tỉnh miền Bắc trong những ngày qua, anh Lê Thanh Phong (một tài xế ở quận Cầu Giấy) chia sẻ, đọc tin thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ rất đau lòng. Khi nghe tin có vụ sạt lở đẩy nhiều xe ô tô và xe máy xuống suối tại Cao Bằng, trong lòng anh Phong càng thấp thỏm không yên vì biết lành ít dữ nhiều.

"Vụ việc đau lòng trên gợi lên cho tôi 2 câu hỏi: Trước khi xảy ra mưa bão, công tác thực hiện cảnh báo như thế nào? Vì sao người điều khiển phương tiện bất chấp nguy hiểm di chuyển khi mưa bão?" - anh Lê Thanh Phong nói.

Trên thực tế, cơn bão số 3 Yagi được nhận định là siêu bão với sức tàn phá lớn đối với các tỉnh thành miền Bắc. Công tác cảnh báo đã được thực hiện từ xa, từ sớm, từ Trung ương đến các địa phương.

Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng, tai nạn xảy ra là điều không ai mong muốn nhưng điều đó cho thấy, vẫn còn nguyên nhân chủ quan trong việc thực hiện công điện và quy định phòng chống bão lụt. Tai nạn vẫn còn diễn ra nghĩa là công tác cảnh báo vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Dưới góc độ của một tài xế lâu năm, anh Lê Thanh Phong cho rằng, tâm lý của nhiều lái xe có thể đã chủ quan khi nghĩ rằng bão đã qua, người dân có nhu cầu thì xe vẫn đi. Tuy nhiên đối với những khu vực miền núi cao, mặc dù trời đã tạnh mưa và lặng gió nhưng mặt đường vẫn có thể xuất hiện nhiều vấn đề như trơn trượt, bùn lầy, nước ngập, đặc biệt là sạt trượt.

Từ những vụ tai nạn trên cho thấy, công tác cảnh báo dù đã làm sớm nhưng vẫn chưa hiệu quả, cần có những phương án thiết thực hơn.

Theo nhiều chuyên gia giao thông, các đơn vị duy tu hạ tầng cần phối hợp với địa phương thường xuyên kiểm tra chất lượng, ghi nhận hư hỏng và sửa chữa kịp thời; đối với những khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt trượt, ngập úng, lũ quét cần phải có biển cảnh báo để hạn chế người và phương tiện.

Bên cạnh đó, cần nêu cao trách nhiệm hơn nữa của các địa phương đối với việc đảm bảo an toàn giao thông trên tất cả tuyến đường từ thôn, xã, đến các tuyến quốc lộ, cao tốc qua địa bàn, bởi địa phương sẽ là đơn vị sát sao nhất với tình hình giao thông trên tuyến.

Một yếu tố cũng rất quan trọng là bản thân lái xe phải theo dõi thời tiết trước mỗi hành trình; không chủ quan trước các diễn biến bất thường của thời tiết nhất là mưa to, bão lớn. Lái xe khi lưu thông qua các khu vực miền núi, hoặc khu vực nguy hiểm trong mùa mưa bão, cần tuân theo hướng dẫn, cảnh báo của lực lượng chức năng và trang bị thêm kỹ năng về nhận biết các tình huống nguy hiểm.

Để tai nạn giao thông trong mưa lũ không lặp lại, bên cạnh sự vào cuộc sát sao của cơ quan chức năng thì mọi người dân đều phải nâng cao ý thức, từ bỏ ý nghĩ chủ quan để tự bảo vệ mình khi tham gia giao thông trong mưa bão.