Bài 2: Cần các biện pháp quản lý quyết liệt
Người dân phường Cửa Đông mang rác tái chế ra điểm thu gom đổi quà tặng. Ảnh: Tuyết Chinh |
Xã hội phát triển, thời gian đi chợ của mỗi người ít hơn, rồi họ chọn siêu thị với những món đồ được bọc sẵn nilon, khi mang về nhà món nào đã ra món ấy mà không phải phân loại. Vì thế, sau mỗi buổi đi chợ hiện nay, mỗi người thường dùng hết khoảng trên dưới 10 túi nilon cỡ to, nhỏ. Để giảm thiểu nilon từ sinh hoạt, cần phải khuyến khích các DN sản xuất sản phẩm xanh, tạo cơ chế thuận lợi để DN đầu tư vào túi sinh học, tặng giỏ, làn cho người nội trợ.Các cấp Hội Phụ nữ phường, xã cần đẩy mạnh các phong trào “phụ nữ nói không với rác thải nhựa, túi nilon”, tuyên truyền sâu rộng ở các khu chợ dân sinh, nhân rộng mô hình điểm. Nhiều nơi, ngay trong nội thành Hà Nội, đã phát động chương trình xách làn đi chợ thay cho việc lấy sẵn túi nilon ở chợ. Nhiều người còn mang các hộp đựng riêng đồ tươi sống, đồ chín, hay rau thịt… giúp tiết kiệm mỗi lần đi chợ cả chục chiếc túi nilon. Đối với chính quyền các cấp, nên xem xét đưa tiêu chí tiên phong không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế túi nilon vào xét gia đình văn hóa. Đối với các khu vực ngoại thành Hà Nội, đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm, có thể nghiên cứu phát triển mô hình trồng cây lấy lá dong, lá chuối, lá sen… để cung cấp cho các chợ lớn trong nội thành. Ví dụ tại các xã Hồng Dương, Tam Hưng huyện Thanh Oai có các đầm sen lớn; tại các xã Tự Nhiên, Hồng Vân, Chương Dương huyện Thường Tín có những vựa chuối bạt ngàn ven đê sông Hồng; xã Thanh An huyện Thanh Oai với cánh đồng lá dong rộng lớn, các nơi này có thể phát triển để cung cấp “túi xanh” thay cho túi nilon đang thịnh hành.Các trường đại học có ký túc xá nên chủ động cấp bát ăn cho sinh viên ở nội trú, như đối với học viên quân đội hoặc sinh viên quốc phòng an ninh. Đặc thù của ký túc xá sinh viên là không được nấu ăn do nguy cơ cháy nổ, sinh viên phải đi ăn ở ngoài quán ăn và thường mua hộp xốp mang về do nhà ăn thường khá đông, nặng mùi. Văn hóa ở nhiều nước phương Tây, họ thường ít khi ngồi quán ăn, uống hơn các nước Á đông mà thường chọn cách mang đi. Tuy nhiên, để hạn chế rác thải nhựa họ thường mang theo bình thủy tinh hoặc bình nhựa dùng nhiều lần. Còn chúng ta, chỉ vì tiện lợi mà mỗi lần uống nước có thể thải ra một gói rác thải nhựa gồm túi nilong đựng, hộp nhựa, ống hút nhựa, khi uống xong chỉ cần vứt ngay vào thùng rác, thậm chí là vứt bừa bãi ngoài đường. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu xây dựng hệ thống cây nước lọc miễn phí tại nơi công cộng, hiện nay mới chỉ thấy một vài cây nước lọc miễn phí tại khu vực hồ Gươm, công tác tuyên truyền chưa tốt nên cũng chưa phát huy nhiều giá trị. Một điểm nữa, tại các cuộc họp, hội nghị, chúng ta tiêu tốn quá nhiều tiền vào phông bạt xốp, nên chăng đầu tư một lần vào bảng đèn led sẽ vừa giúp tiết kiệm tiền, vừa giúp thải ít rác thải ra môi trường. Tại hội nghị, thay vì để sẵn chai nước lọc, ban tổ chức có thể pha trà để sử dụng trong cuộc họp, sử dụng bình thủy tinh và có những bảng tuyên truyền về hạn chế sử dụng rác thải nhựa. Ngoài ra trên nóc các tòa nhà cũng cần khuyến khích lắp đặt hệ thống pin mặt trời giúp tiết kiệm năng lượng điện. Mô hình này cần được nhân rộng ở các cơ quan công sở. Hơn nữa, việc hình thành lối sống mới thân thiện với môi trường thì vai trò của chính quyền cơ sở rất quan trọng. Theo đó, cấp phường xã phải quyết liệt quản lý việc thu gom rác trên địa bàn; tăng cường quản lý việc tập kết thu gom rác thải đúng giờ, đúng nơi quy định; kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân có nhiều sáng kiến, tiên phong trong hạn chế, loại bỏ rác thải nhựa, túi nilong.