Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm ùn tắc với mô hình đảo xuyến

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù cơ sở hạ tầng cho giao thông đã được chú trọng cải tạo, nâng cấp và xây mới, song Hà Nội vẫn còn phải giải quyết nhiều vấn đề về an toàn giao thông (ATGT).

Việc đảm bảo an toàn tại nút, điểm xung đột, giao cắt, đồng thời luôn giữ được mỹ quan cho đô thị đã khiến các chuyên gia, nhà quản lý đau đầu. Mô hình nút giao thông đảo xuyến có thể được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu, được nhiều nước trên thế giới áp dụng trong vận hành giao thông.
Vòng xuyến giao thông trên Đại lộ Thăng Long
Vòng xuyến giao thông trên Đại lộ Thăng Long
 Nút giao thông đảo xuyến tiền thân từ nút giao có đảo tròn và đảo xuyến, ra đời tại Mỹ từ năm 1900 và được thay thế hoàn toàn vào năm 1960. Hiện, số lượng nút giao thông hình xuyến đang chiếm ưu thế trong vận hành và khai thác tại Mỹ cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Tính đến năm 2013, Mỹ có khoảng 1.000 nút, Pháp có 20.000 nút, Anh có 10.000 nút, Australia có 15.000 nút và Nhật Bản cũng bắt đầu cho triển khai những nút giao thông hình xuyến đầu tiên. Nút giao thông hình xuyến đem lại rất nhiều ưu điểm: Do dòng phương tiện lưu thông trong nút giao hình xuyến là một chiều, nên các xe ra vào nút chỉ phải thực hiện các thao tác tách nhập dòng; Thời gian chờ trung bình ít hơn so với các loại hình nút giao thông cùng mức điều khiển theo luật, hoặc nút có đèn tín hiệu, có cùng cấp hạng đường và lưu lượng giao thông. Nút giao thông hình xuyến có tính truy cập cao, có thể thích hợp với nút giao thông nhiều nhánh (5, 6, 7 nhánh…). Do không hạn chế các xe rẽ trái, xe quay đầu như ở nút giao thông thông thường, nên dòng phương tiện được lưu thông liên tục, khả năng thông qua lớn, việc dừng lại khi qua nút được hạn chế, tính an toàn được nâng cao, giảm thiểu khả năng tai nạn lớn. Nút giao thông hình xuyến còn giúp giảm tiêu hao nhiên liệu và ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, giá thành xây dựng thấp, không mất chi phí điều khiển, vận hành do không đòi hỏi đoạn trộn dòng dài, chiếm diện tích sử dụng mặt bằng lớn. Bên cạnh đó, nút giao thông hình xuyến còn tạo mỹ quan cho đô thị, bởi vòng tròn giữa có thể làm vườn hoa, quảng trường, tượng đài…

Mặc dù có rất nhiều ưu điểm, song thực tế áp dụng tại Việt Nam, loại hình này vẫn chưa phát huy hết tác dụng.  Nguyên do là kích thước đảo quá nhỏ so với đường vào nút, không hạn chế được tốc độ các phương tiện. Đường vào nút giao trực diện, thiếu đường cong ở cuối đường vào nút để làm giảm tốc độ. Đường chạy quanh đảo quá rộng, làm quỹ đạo chạy xe tự do, dẫn đến nảy sinh nhiều điểm xung đột, tăng nguy cơ va chạm, ùn tắc và mất ATGT. Như tại ngã tư phố Lê Đại Hành - Hoa Lư, Nguyễn Phong Sắc - Trần Quốc Hoàn có bố trí nút hình xuyến, nhưng kích thước đảo nhỏ, không hạn chế được tốc độ, dòng phương tiện vẫn di chuyển hỗn độn. Điều này khiến nút xuyến lại là vật cản trở giao thông. Trong khi vòng xuyến khu vực Nam Trung Yên, Keangnam có bán kính quá lớn, lại không có hệ thống chiếu sáng, đèn tín hiệu, biển báo nên gây ra rất nhiều khó khăn cho người đi đường, nhất là vào ban đêm.

Trước thực đó, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có nghiên cứu, khảo sát cụ thể để bố trí và thiết lập các điểm nút giao thông hình xuyến phù hợp, đồng thời phát huy tối đa công dụng của nút giao thông này.