Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giãn dân phố cổ: Không đơn giản là chỗ ở

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giãn dân phố cổ Hà Nội là chủ trương lớn của Thành ủy và UBND TP Hà Nội nhằm thực hiện mục tiêu làm giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ mật độ 823 người/ha xuống còn 500 người/ha tính đến năm 2020.

Đến thời điểm này, sau 15 năm, Đề án Giãn dân phố cổ mới có những bước đi cụ thể, mang tính hiện thực. Rõ ràng di dời dân là một việc khó, di dời dân khu vực phố cổ còn khó gấp bội phần bởi sự quyến luyến của người dân đối với phố cổ không chỉ là tình cảm, nếp sống, thói quen sinh hoạt…
Dự án nhà ở giãn dân phố cổ được phép đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn huy động ngoài ngân sách và áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư. Việc ký hợp đồng bán nhà căn cứ trên danh sách do UBND quận Hoàn Kiếm phê duyệt, giá bán ngoài chi phí chỉ được tính lợi nhuận 10% so với chi phí xây dựng.

Lấn cấn kế sinh nhai

Hơn lúc nào hết, Đề án Giãn dân phố cổ đang có một điểm tựa để thực hiện được dự định đã ấp ủ hơn một thập kỷ qua. Trong điều kiện quỹ đất để xây dựng các khu đô thị đang ngày càng khan hiếm thì TP đã lựa chọn cho người dân phố cổ một khu giãn dân với vị trí rất thuận lợi và quy mô khá hoành tráng. Khu giãn dân phố cổ trong Khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên) gồm 16 tòa nhà ở cao 9 tầng, 1 tòa nhà hỗn hợp cao 15 tầng, các công trình phúc lợi như nhà trẻ - mẫu giáo, trạm y tế, không gian sinh hoạt cộng đồng... Chừng dăm năm về trước nhắc đến Long Biên, hay Gia Lâm, nhiều người sẽ cho rằng quá xa với “phố”, nhưng quỹ đất này vào thời điểm hiện nay là lý tưởng về cự ly, đường xá.

Vậy còn điều gì khiến người dân băn khoăn? Đó chính là nuối tiếc khả năng sinh tiền của phố cổ. Ở phố cổ, người dân chỉ cần mang thúng xôi, gánh bún ra vỉa hè trước nhà hay đầu phố là đủ tiền sinh sống. Một phương thức kiếm sống không thể nói là rất ổn định nhưng bù lại người ta không phải lo lắng nhiều. Cũng chính vì xác định được yếu tố đặc biệt của đề án này, trước mong muốn của người dân, ngay từ quy hoạch, thiết kế, Dự án giãn dân phố cổ ở Việt Hưng đã tạo ra những khu vực để người dân có thể kinh doanh, buôn bán. Liên quan đến chính sách với bà con đang kinh doanh, buôn bán tại phố cổ, ông Lâm Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, các hộ dân có nhu cầu kinh doanh sẽ được sắp xếp, bố trí tại nơi ở mới. Khoảng hơn 30% hộ dân di dời sang khu nhà ở giãn dân được bố trí kinh doanh tại các ki ốt, diện tích tầng 1 các khối chung cư; thứ tự ưu tiên như sau: Kộ kinh doanh mặt đường phố cổ; hộ kinh doanh trong ngõ, nhà lớp trong; hộ cần bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm và cuối cùng là hộ gia đình có nhu cầu chính đáng cũng được chính quyền xem xét. Ông Lâm Quốc Hùng cho biết thêm, đối với nơi ở mới, chính sách giá bán chỉ có một giá, gồm chi phí xây dựng cộng 10% lợi nhuận; trường hợp tiền bồi thường, hỗ trợ không đủ mua, hộ dân được trả chậm, thuê - mua hoặc thuê nhà như chính sách với nhà ở xã hội.

 
Một góc phố Hàng Rươi Ảnh:  Nguyễn Tú
Một góc phố Hàng Rươi Ảnh: Nguyễn Tú
Theo ông Phạm Tuấn Long - Phó Ban thường trực Ban Quản lý phố cổ, các hộ dân sang Việt Hưng được bố trí diện tích tầng 1 kinh doanh và việc kinh doanh sẽ thu hút các nhân khẩu khác cùng tham gia cung cấp dịch vụ, như vậy góp phần tạo ra việc làm ngay tại khu giãn dân. Đặc biệt, thói quen sinh hoạt cộng đồng cũng được duy trì khi mỗi khối nhà chung cư đều bố trí không gian công cộng.

Cơ hội “kép”

Một câu nói chắc khiến nhiều người dân ở phố cổ “phiền lòng” cho dù phản ánh đúng hiện thực đó là “Khổ như dân phố cổ”. Những lối vào hun hút, tăm tối, chật chội; những căn phòng bé tẹo; những khu vệ sinh chung đụng, tồi tàn… Người dân sống trong khu vực phố cổ có khó chịu không, có thấy sinh hoạt hàng ngày có nhiều điều bất tiện không? - chắc chắn là có. Nếu như câu hỏi khó nhất là “cái cần câu” để kiếm sống đã được trả lời bằng giải pháp đã nêu ở trên thì những câu hỏi khác liên quan đến cuộc sống cũng đã và đang được đặt ra. Việc di dời sẽ tác động rất lớn đến đời sống sinh hoạt của các hộ dân, nhất là với người già, trẻ em. Ông Phạm Tuấn Long cho biết, khi nghiên cứu lập thiết kế khu nhà ở giãn dân, quận Hoàn Kiếm đã tính toán cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Ngoài điều kiện trường học tại Khu đô thị Việt Hưng khá đầy đủ, trong khu nhà ở giãn dân cũng có trường mẫu giáo, trạm y tế…

Với những nỗ lực từ phía TP, chính quyền quận Hoàn Kiếm và các đơn vị liên quan, có thể nói những mục tiêu cơ bản của đề án giãn dân phố cổ đang được bám sát và thực hiện bằng nhiều giải pháp, phương thức. Đề án sẽ góp phần cải thiện môi trường đô thị cũng như đời sống người dân trong khu phố cổ; tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện việc bảo tồn, tôn tạo các di tích và các công trình kiến trúc cổ có giá trị trong khu phố cổ. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi chia sẻ: “Tôi có may mắn sinh sống ở Hà Nội đã 40 năm và tôi cho rằng, ai sống ở Hà Nội cũng thấy đó là niềm may mắn, hạnh phúc. Điều này càng đúng với những người sống ở phố cổ lâu năm. Do nhu cầu bảo tồn, buộc phải giãn dân, sống ở nơi khác, quả không dễ dàng. Nhưng nếu buộc phải đi, những người dân yêu Thủ đô, yêu phố cổ sẽ thấy trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn nó, cho hôm nay và cả mai sau”. Ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh, TP có trách nhiệm khi giãn dân, phải bảo đảm cho bà con có cuộc sống ổn định ở nơi tái định cư. Tái định cư, không đơn thuần chỉ là chuẩn bị cho người dân một chỗ ở, mà ở đó, phải bảo đảm điều kiện tiếp tục sinh sống, được triển khai các hoạt động có thu nhập, được quan tâm đến đời sống tinh thần. 
Song song với việc triển khai xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ tại Khu đô thị Việt Hưng và thực hiện việc giãn dân phố cổ giai đoạn 1; UBND quận sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án giãn dân phố cổ với việc đề nghị UBND TP bố trí quỹ đất (khoảng 30ha) để tiếp tục lập dự án di chuyển tiếp 5.020 hộ dân phố cổ, phấn đấu đến năm 2020 giảm mật độ dân số trong khu phố cổ xuống còn khoảng 500 người/ha theo như mục tiêu Đề án.
 Ông Dương Đức Tuấn 

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm