Gian nan chống buôn lậu

Bài, ảnh: Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phải xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, ngành, địa phương, kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ công chức có hành vi tiếp tay buôn lậu.

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) và Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138) ngày 29/1. Dự tại điểm cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn.
Nhiều thủ đoạn tinh vi
Báo cáo về hoạt động chống buôn lậu năm 2017 của BCĐ 389 cho thấy, tình trạng ​buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu diễn biến phức tạp, có sự tham gia của người nước ngoài nên việc xác minh lý lịch đối tượng để xác lập chuyên án đấu tranh gặp nhiều khó khăn. Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn - Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển nêu rõ: Tuyến biển có lưu lượng hàng hóa vận chuyển rất lớn nên đối tượng người nước ngoài lợi dụng để buôn lậu xăng dầu với số lượng lớn hoặc thông qua hình thức tạm nhập, tái xuất có sự thông đồng của số cán bộ trong ngành hải quan. “Một số người Việt Nam đăng ký đánh cá nhưng thực chất là đi ra các vùng biển quốc tế giáp ranh Indonesia, Malaysia… để mua xăng dầu của các đối tượng nước ngoài. Việc mua bán diễn ra trên biển nhưng giao trả tiền diễn ra trên đất liền thông qua các công ty “ma”, liên lạc bằng sim “rác”, khiến việc xử lý đối tượng đầu nậu rất khó khăn” - Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn nêu ví dụ.
 Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ rượu nhập lậu tại bến xe phía Nam.
Thực tế chống buôn lậu trong thời gian qua cho thấy, một số văn bản pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, không rõ ràng nên khó áp dụng trong quá trình điều tra và xử lý. Điều 153 Bộ Luật Hình sự quy định: Tội buôn lậu có hành vi “Buôn bán trái phép qua biên giới” là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, để chứng minh hành vi “qua biên giới” là rất khó cho nên phần lớn các vụ buôn lậu lớn nhưng không khởi tố được các đối tượng phạm tội mà chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính.
Tăng cường phối hợp
Để khắc phục những khó khăn này, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, đại diện BCĐ 389 các địa phương, bộ, ngành kiến nghị thời gian tới, Chính phủ rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong quá trình kiểm tra, xử lý phải có phân định rõ trách nhiệm theo phạm vi từng khu vực, từng ngành và có quy định cụ thể trách nhiệm từng lực lượng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào nhiệm vụ, tình hình cụ thể của đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp. Trong đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Vận động toàn dân tham gia tố giác hành vi buôn lậu, hàng giả... Bên cạnh đó, chính quyền, lãnh đạo các địa phương cần tổ chức các lực lượng chuyên trách chống tội phạm, chống buôn lậu; xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, ngành, địa phương. Đặc biệt đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra giám sát nội bộ, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, trong năm 2017, các lực lượng chức năng BCĐ 389 Hà Nội đã kiểm tra 35.832 vụ, xử lý 26.143 vụ vi phạm; khởi tố 91 vụ đối với 118 đối tượng. Theo Phó Chủ tịch UBND TP, vướng mắc hiện nay là chưa có văn bản quy phạm pháp luật hay quy định cụ thể về thời hạn, quy trình về việc tổ chức xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng ở nước ngoài.