Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giản tiện tối đa tang lễ thời dịch Covid-19

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện văn minh tang lễ trong thời gian dịch bệnh Covid-19, số người đến chia buồn và đưa tiễn người mất giảm nhiều; thời gian tổ chức lễ tang, lễ tiễn biệt cũng được rút ngắn.

 Người dân giữ đúng khoảng cách quy định khi chờ viếng tại Nhà tang lễ Phùng Hưng. Ảnh: Trần Oanh

Dự tiễn chỉ những người thân thiết nhất
Những ngày này, khi đến Nhà tang lễ TP (125 Phùng Hưng, Hà Nội), ai nấy đều cảm nhận thấy sự thay đổi lạ thường. Bãi để xe dành cho khách đến viếng đám tang và chia buồn với gia chủ rộng thênh thang. Không còn cảnh tụ tập đông người ở cổng Nhà tang lễ TP, cho dù bên trong đang diễn ra lễ viếng. Khách đi tới cổng Nhà tang lễ cũng như vào trong khu vực tổ chức khâm liệm, lễ tang đều nhìn thấy các tờ khuyến cáo thực hiện một số biện pháp phòng ngừa Covid -19. Xung quanh khu vực nhà tang lễ, các lọ nước rửa tay sát khuẩn được bố trí ở nhiều khu vực thuận tiện cho mọi người sử dụng. Những hàng ghế được kê ở sân dành cho người đến chia buồn, thăm viếng thưa thớt người ngồi. Cứ cách một ghế mới có một người ngồi để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm dịch.
Chúng tôi đã trang bị bảo hộ lao động, khẩu trang, kính, găng tay cho nhân viên làm nhiệm vụ hỏa táng... Đồng thời cũng đưa ra phương án trong trường hợp có người mất vì dịch Covid - 19.
Trưởng ban Ban phục vụ lễ tang Hà Nội Nguyễn Văn Sáng
Quan sát của phóng viên, các đám tang được tổ chức trong ngày 30/3 rất ít khách đến, chủ yếu là gia quyến của người đã mất và bạn bè thân thiết. Khi vào viếng, mọi người ai nấy đều đeo khẩu trang, thậm chí có người sử dụng găng tay. Mọi người đứng viếng giãn cách nhau; lúc đi tiễn biệt cũng cách xa nhau. Mọi hoạt động diễn ra khẩn trương, ai viếng xong thì ra về ngay, trừ những người phải ở lại đưa tiễn. Chị T.T.H. đến từ quận Thanh Xuân, vừa vào phúng viếng, chia sẻ: "Những ngày dịch bệnh diễn biến khó lường, chúng tôi rất ngại đi đến đám tang, bởi lo sợ nguy cơ lây nhiễm. Nhưng vì rất thân thiết với con của bác đã khuất, lớp chúng tôi cử một đại diện đến chia buồn. Tôi thấy, các thủ tục ở đây được làm gọn nhẹ, nhanh chóng và có khuyến cáo đầy đủ, bố trí nước sát khuẩn, khẩu trang nên mọi người cảm thấy yên tâm hơn".
Với khuôn mặt đau buồn khi mất đi người bố đáng kính, chị Phượng thẫn thờ chia sẻ: "Thật sự là thương cho bố mất trong những ngày xảy ra dịch Covid-19. Thực hiện tang lễ văn minh và tránh nguy cơ lây nhiễm, gia đình tôi xác định lễ viếng chỉ có những người thật sự gần gũi, thân thiết. Những người họ hàng và bạn ở xa, ai sinh sống ở gần khu vực cách ly, chúng tôi đã thông báo họ không nên đến. Nhiều bạn bè của tôi cũng nhắn tin xin lỗi không đến trong lúc dịch bệnh thế này. Về phía gia đình tôi đã quán triệt, sau khi hỏa táng, chôn cất bố xong sẽ đưa vào chùa và không tổ chức cúng lễ ở nhà, không tiếp khách đến chia buồn nữa". Qua theo dõi, phóng viên thấy, có đám tang chỉ gồm 1 xe tang và vài người nhà đưa tiễn.
Mỗi gia đình thêm phần ý thức
Trao đổi về việc thực hiện văn minh tang lễ thời kỳ dịch Covid-19, Trưởng ban Ban Phục vụ lễ tang Hà Nội Nguyễn Văn Sáng cho biết: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020, UBND TP Hà Nội và Sở LĐTB&XH Hà Nội có văn bản về việc quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, dán các tờ khuyến cáo phòng chống dịch ở nhà tang lễ, những điểm tụ tập đông người.
Ngoài ra, trước khi tổ chức tang lễ, Ban Phục vụ lễ tang lại đọc loa khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, khoảng cách đứng giữa hai người là 2m, không tụ tập đám đông từ 10 người trở lên. Cùng với đó, bố trí nước rửa tay diệt khuẩn, khẩu trang cho những ai đến nhà tang lễ nhưng chưa có. Đối với những người đến làm thủ tục ký hợp đồng tổ chức tang lễ, trước khi vào đều được đo nhiệt độ, rửa tay sát khuẩn, cả nhân viên và đại diện tang chủ khi làm việc đều phải đeo khẩu trang. Mỗi đám tang được tổ chức xong, nhà tang lễ đều dừng hoạt động ít phút để làm vệ sinh, khử khuẩn, rồi mới tới đám khác.
Theo Ban phục vụ lễ tang TP, hiện nay, đã thực hiện tổ chức lễ viếng giảm còn 1 tiếng (rút ngắn 30 phút so với trước). Trên xe ô tô tang lễ 16 và 29 chỗ đều bố trí không quá 10 người ngồi và đề nghị người dân phải đeo khẩu trang. Về phía người dân cũng rất ý thức ngồi cách xa, đeo khẩu trang trong suốt quá trình diễn ra lễ viếng và đưa tang. Tại khu vực tổ chức lễ tiễn biệt, trước đây tổ chức 15 phút nay làm nhanh gọn chỉ 5 - 10 phút. Ban Phục vụ lễ tang TP đã yêu cầu tạm dừng các dịch vụ như căng tin bán nước và đồ ăn nhẹ. “Theo dõi gần đây, tôi nhận thấy, các gia đình có đám tang, số người đến phúng viếng giảm tới trên 50%, thậm chí nhiều hơn nữa” - ông Nguyễn Văn Sáng cho biết.
Tổ trưởng Nhà tang lễ Hà Nội Nguyễn Xuân Bách chia sẻ thêm: "Cơ bản các gia đình thực hiện tang lễ văn minh; cộng với việc chúng tôi thường xuyên đôn đốc đọc loa nên họ có ý thức chấp hành tốt và rất hợp tác. Chúng tôi quy định đám tang tổ chức trong vòng 1 tiếng nhưng có gia đình chỉ làm 50 phút, khi hết khách là đề nghị đưa đi hỏa táng luôn”.