Đừng theo kiểu “thắt lưng buộc bụng”
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến đến 30/11 về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực GD&ĐT. Trong đó, có quy định, diện tích nơi làm việc của GS phải là 24m2, PGS 18m2, giảng viên chính và giảng viên 10m2.
Thông tư này áp dụng đối với các đại học (ĐH), học viện, trường ĐH, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, trường cao đẳng, trung cấp sư phạm, trường cao đẳng có nhóm ngành đào tạo giáo viên (gọi là cơ sở đào tạo).
Dự thảo nhận được nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt lãnh đạo một số trường ĐH cho rằng, quy định không phù hợp thực tế, gây lãng phí.
Quy định giảng viên có diện tích làm việc 10m2 không hợp lý. Ảnh: Hà Ánh |
“SV có thể sẽ không phải tới lớp, giảng viên không nhất định chỉ là người giảng mà phải là người hướng dẫn, lớp học trực tuyến có thể rộng mở mọi lúc, mọi nơi. Vì vậy, không nên có quy định “đóng đinh” như vậy” - GS Lâm Quang Thiệp nói.
Không đồng tình với quy định trong Dự thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH FPT TS Lê Trường Tùng khẳng định, quy định này không hợp lý. Nếu được triển khai, SV sẽ phải chịu chi phí đầu tư xây dựng, nghĩa là học phí sẽ tăng.
Dự thảo nên bám sát vào điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam, khả năng chi trả học phí của SV. Nếu các trường không đáp ứng được tiêu chuẩn thì tác động tiêu cực có thể xảy ra như trường sẽ ngại tuyển giảng viên cơ hữu, bổ nhiệm GS vì ngân quỹ không đủ, trong khi Nhà nước đang phải “thắt lưng buộc bụng” cho các mục tiêu phát triển quốc gia.
TS Tùng cho hay, mọi chính sách đầu tư giáo dục nên hướng đến SV, lấy SV làm trung tâm vì thế cần có lựa chọn ưu tiên trong đầu tư, đánh giá tác động nhiều chiều và đặc biệt cần có sự đồng thuận của những người chịu trách nhiệm.
Chú trọng cơ chế trả lương
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo này, nhiều giảng viên cho rằng, quy định "trên trời", không phù hợp thực tế. Theo lãnh đạo một trường ĐH trên địa bàn Thủ đô thì việc xây phòng làm việc cho GS, PGS, giảng viên nên dành đầu tư vào các phòng thí nghiệm, nghiên cứu để phục vụ công tác nghiên cứu, học tập.
Hiện nay, đời sống của giáo viên còn thấp, nhiều giảng viên phải làm thêm đủ nghề để trang trải cuộc sống. Vì vậy, để thầy, cô toàn tâm cống hiến cho việc giảng dạy, nên tìm cách tăng thu nhập, sau đó mới tính đến việc làm khác.
Tương tự, theo Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh Đỗ Văn Dũng, cách “cải cách” này là kiểu tư duy... thụt lùi. Hiện nay, thầy cô giáo có thể giảng dạy online nên có thể không cần phòng làm việc. Hơn nữa, SV chỉ cần phòng đủ sức chứa từ 3 tới 5 nhóm, wifi mạnh, có LED TV… Nên dành phần kinh phí đó nên dành đầu tư các trang thiết bị dạy học hiện đại” - GS Dũng đề xuất.
Trước băn khoăn của dư luận về quy định trên, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT Phạm Hùng Anh khẳng định, Dự thảo nhằm mục tiêu hạn chế việc sử dụng NHNN để xây dựng cơ sở vật chất trường học vượt quá khả năng nhà trường sử dụng đến. Đó là căn cứ, định hướng cho phát triển trong tương lai của trường ĐH và chỉ áp dụng với trường sử dụng ngân sách Nhà nước.