Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giành lại vỉa hè cho người đi bộ

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm 2014 đến nay, Hà Nội đã 5 lần phát động chiến dịch “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”. Với 4 lần trước, chỉ sau một thời gian thực hiện, các kế hoạch trên đã nhanh chóng rơi vào cảnh “ném đá ao bèo”, “đầu voi đuôi chuột”.

Tuy nhiên, ở chiến dịch lần thứ 5 này được kỳ vọng sẽ tạo diện mạo mới cho Thủ đô.

Rõ người, rõ trách nhiệm

Giành lại vỉa hè cho người đi bộ không phải là câu chuyện mới, mà đã nhiều lần được TP Hà Nội triển khai thực hiện trên diện rộng. Thế nhưng, thẳng thắn mà nói, tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, thiếu mục tiêu cụ thể… đã khiến những kế hoạch trên lần lượt rơi vào quên lãng. Song, với những gì đã và đang diễn trong năm 2023, câu chuyện này đang nhận được rất nhiều kỳ vọng từ đông đảo người dân Thủ đô.

Lực lượng chức năng phường Bưởi, quận Tây Hồ nhắc nhở các hộ kinh doanh tại chợ Bưởi không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh. Ảnh: Vân Nhi
Lực lượng chức năng phường Bưởi, quận Tây Hồ nhắc nhở các hộ kinh doanh tại chợ Bưởi không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh. Ảnh: Vân Nhi

Nói như vậy là bởi, so với các kế hoạch trước, Kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội xây dựng, triển khai trong năm 2023 đã chỉ rõ thời gian, nhiệm vụ của từng giai đoạn để các lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương tập trung thực hiện. Đặc biệt, so với các kế hoạch trước, kế hoạch “giành lại vỉa hè cho người đi bộ” năm nay đã quy được trách nhiệm cho từng cá nhân, tập thể nếu để xảy ra vi phạm kéo dài, không được xử lý kịp thời.

Cụ thể, tại Kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197 TP, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn - Trưởng ban Chỉ đạo 197 TP đã giao Công an TP hằng tháng tập hợp những tồn tại, hạn chế của các sở, ngành, Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã; phối hợp với Sở Nội vụ đề xuất hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm (hạ thi đua, cắt thi đua), các hình thức xử lý theo quy định, báo cáo UBND TP. Đồng thời kiến nghị Ban Thi đua - Khen thưởng TP không duyệt đề xuất các hình thức thi đua, khen thưởng đối với cá nhân, đơn vị có tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch (có công văn đôn đốc, nhắc nhở hoặc phiếu giao việc của Cơ quan Thường trực quá 2 lần/đợt; để tồn tại các điểm vi phạm trật tự ATGT, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường phức tạp, gây bức xúc dư luận, báo chí, người dân phản ánh…).

Phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh.Ảnh: Công Trình
Phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh.Ảnh: Công Trình

Nhờ đó, đến thời điểm này, tình hình trật tự ATGT, trật tự đô thị trên địa bàn TP, nhất là tại 12 quận nội thành đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện đã từng bước được giảm dần. Việc sắp xếp phương tiện đã cơ bản gọn gàng đúng quy định. Các bục bệ, mái che, mái vảy vi phạm hành lang giao thông, gây mất mỹ quan đô thị đã được người dân và lực lượng chức năng phá dỡ. Trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường được đảm bảo, tạo nên bộ mặt đô thị văn minh, được người dân, dư luận đánh giá cao.

Đã xác định được điểm nghẽn

Theo KTS Phạm Thanh Tùng, Hà Nội đang quyết liệt lập lại trật tự vỉa hè. Đây là điều rất cần thiết và cũng không phải biện pháp mới. Bởi vì, đã có biết bao lần chính quyền đô thị ra tay làm sạch vỉa hè. Cũng tuyên truyền, nhắc nhở, cảnh cáo, phạt, rồi rầm rộ tháo dỡ hàng quán lấn chiếm với sự tham gia của thanh tra xây dựng, dân phòng, cảnh sát khu vực, tổ trưởng dân phố, đại diện chính quyền địa bàn… nhưng dọn dẹp vừa xong thì hôm sau đâu lại vào đấy, lại “vẫn y nguyên” tình trạng lấn chiếm cũ? Đây là điều cần suy nghĩ.

 

Từ năm 2014 đến nay, Hà Nội đã 5 lần phát động chiến dịch giành lại vỉa hè. Cụ thể, năm 2014, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-UBND của Chủ tịch UBND TP về “Năm trật tự và văn minh đô thị”. Năm 2015, TP tiếp tục thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị” với kỳ vọng sẽ tạo ra những kết quả thiết thực hơn. Năm 2017, Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội ban hành kế hoạch tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm về trật tự ATGT, trật tự đô thị, trật tự công cộng, bao gồm các hành vi vi phạm tại lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện. Năm 2018, UBND TP Hà Nội ban hành quy định chi tiết về việc sử dụng tạm thời hè phố đối với đường đô thị trên địa bàn Hà Nội. Đến năm 2023, Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội đã triển khai Kế hoạch 01 về việc tổng kiểm tra xử lý vi phạm trật tự, ATGT, trật tự công cộng trên địa bàn.

Hà Nội cần phải có một khảo sát toàn diện hoạt động vỉa hè trên mỗi đường phố, trước mắt tập trung vào các đường phố ở khu vực trung tâm, nơi có nhiều hoạt động thương mại, văn hóa và du lịch. Các cơ quan chức năng cần dựa vào vị trí, chiều rộng của từng vỉa hè cụ thể để có phương án cần thiết, hữu hiệu giải quyết được bài toán lợi ích của người dân và lợi ích chung của cộng đồng. Nếu được như vậy, tôi tin, vỉa hè ở Hà Nội sẽ là không gian công cộng sạch đẹp, trật tự, ngăn nắp, sống động, thân thiện và an toàn dành cho người đi bộ và mọi hoạt động thường ngày của đô thị.
KTS Phạm Thanh Tùng

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị, sở dĩ chiến dịch “giành lại vỉa hè cho người đi bộ” năm nay nhận được nhiều kỳ vọng của Nhân dân ngoài sự quyết liệt của chính quyền các địa phương, còn đến từ việc Hà Nội đã giải quyết được nút thắt của những năm trước. Đó là việc đảm bảo sinh kế của những người dân - những người thu nhập chính dựa vào việc buôn bán trên vỉa hè.

Còn nhớ, tại cuộc họp của Thường trực Thành ủy với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã nhấn mạnh: "Lòng đường, vỉa hè thực tế gắn với sinh kế của người dân, phần nào đó là kinh tế đô thị. Cho nên, nguyên nhân sâu xa và lớn nhất của những khó khăn, bất cập hiện nay là thiếu quy hoạch. Từ thiếu quy hoạch dẫn đến thiếu công khai, minh bạch... Nên tôi đề nghị phải suy nghĩ các giải pháp căn cơ, bài bản, không làm theo kiểu bắt cóc bỏ đĩa”.

Từ đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị phải lập quy hoạch thiết kế đô thị để quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường từng tuyến phố, tuyến đường, có tính tới các yếu tố thực tiễn trước mắt và lâu dài, phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, từng địa bàn cụ thể như khu phố cổ, phố cũ và mới. Đồng thời, nghiên cứu áp dụng mô hình quản lý của các nước phát triển như cho phép kinh doanh vỉa hè (có thể tính cả giải pháp cho thuê, thu phí theo giờ...), bố trí chỗ đỗ xe ở lòng đường tại những nơi phù hợp... Trên cơ sở đó, công bố công khai quy hoạch để lấy ý kiến người dân.

Theo PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, những biện pháp, phương án mà Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chỉ ra là điều hoàn toàn chính xác nhưng không phải ai cũng dám nói đến. Bởi, vỉa hè hiện nay là nơi mưu sinh của hàng triệu người dân Thủ đô, nếu cứ đóng khung các quy định, cứng nhắc trong việc thực hiện mà không nghĩ đến cuộc sống của người dân thì cho dù 5 năm hay 10 năm nữa, thậm chí xa hơn thì câu chuyện giành lại vỉa hè cho người đi bộ mãi sẽ chỉ nằm trên giấy.