Giao địa phương làm đường cao tốc: Nhiều địa phương chưa sẵn sàng

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc giao cho các tỉnh, TP quyền làm đầu mối thực hiện các dự án Quốc lộ (QL), cao tốc đi qua địa bàn được kỳ vọng sẽ “giải phóng” tiềm năng của các địa phương, thúc đẩy tiến độ triển khai dự án. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng đủ nguồn lực và sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ này.

Lợi đôi đường
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa giao Bộ GTVT hoàn thiện dự thảo báo cáo về thực hiện xây dựng đường cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng tới năm 2030. Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, dự án đi qua nơi nào, địa phương nơi đó là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, phải lo ngân sách, chịu trách nhiệm về khâu giải phóng mặt bằng cho các dự án. Căn cứ vào tình hình cụ thể, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí (tối đa 50%) cho phần xây lắp tại các dự án. Theo Thủ tướng, nguồn vốn Nhà nước sẽ chỉ đóng vai trò “vốn mồi” để dẫn dắt các nguồn vốn khác.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) khẳng định, chủ trương phân quyền cho các địa phương làm đường cao tốc là rất đúng đắn và phù hợp với bối cảnh hiện tại ở nước ta. Đầu tiên, chủ trương này sẽ giúp mục tiêu hoàn thành 5.000km đường cao tốc vào năm 2030 mà Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đưa ra.
 Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng là một trong những công trình giao thông được tỉnh Quảng Ninh xây dựng bằng ngân sách địa phương kết hợp kêu gọi xã hội hóa. Ảnh: Minh Cương
“Hiện nay chúng ta mới có khoảng 1.200km đường cao tốc. Điều đó có nghĩa là chúng ta còn thiếu tới 3.800km đường cao tốc nữa để hoàn thành mục tiêu vào năm 2030, tức là chỉ còn chưa đầy 10 năm. Việc giao quyền làm cao tốc cho các địa phương có thể sẽ mang tới sự đột phá” - PGS.TS Trần Chủng nói.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch VARSI, để đưa chủ trương trên vào thực tiễn phụ thuộc khá nhiều vào chính các địa phương. Đầu tiên, địa phương phải thấy rõ được lợi ích mà đường cao tốc mang lại thì mới có động lực và quyết tâm nhập cuộc.
“Cao tốc sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, kể cả về kinh tế, xã hội và đặc biệt là nguồn lực đất đai được huy động một cách tối đa. Đây chính là nguồn lợi mà các địa phương sẽ được hưởng từ việc có đường cao tốc chạy qua địa bàn” - PGS.TS Trần Chủng phân tích.

Ở chiều ngược lại, việc phân quyền làm cao tốc cho các địa phương cũng sẽ giúp tiến độ xây dựng đường cao tốc được đẩy nhanh hơn. Đầu tiên là việc huy động nguồn lực xã hội hóa từ chính địa phương. Sau đó là công tác giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, giá trị của đất đai vốn đang bị ngủ quên khi chưa có con đường cao tốc đi qua sẽ được tăng giá trị. Do đó, đường cao tốc càng được làm sớm thì địa phương sẽ càng được hưởng lợi.

Cần cơ chế riêng cho các địa phương khó khăn

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh khẳng định, Hòa Bình là tỉnh gần Thủ đô nhưng lại có nhiều đồi núi, giao thông còn kém phát triển nên việc phát triển đường cao tốc là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Khánh, nguồn lực của địa phương có hạn, nếu làm đường cao tốc theo dạng hợp đồng BOT thì việc huy động nguồn lực tương đối khó khăn.
“Các tỉnh, TP vùng đồng bằng điều kiện giao thông thuận lợi, lượng phương tiện cũng đông nên việc huy động nguồn lực xã hội hóa để làm cao tốc sẽ dễ hơn. Về phía Hòa Bình, địa phương cũng rất chú ý đến việc phát triển hạ tầng đô thị dọc những con đường nhằm nâng cao nguồn lợi thu được từ chính những đường giao thông đã và đang có. Nhưng vấn đề đường cao tốc làm rất tốn kém nên cần có cơ chế riêng cho vùng Tây Bắc nói riêng và những vùng khó khăn nói chung” - ông Khánh đề xuất.

Tương tự, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cũng khẳng định cần có cơ chế riêng dành cho những tỉnh miền núi gặp nhiều khó khăn khi phân quyền làm cao tốc về địa phương. “Cao Bằng có cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã được giao quyền cho địa phương làm. Nhưng địa phương chỉ là một phần, còn ngân sách T.Ư vẫn phải hỗ trợ nhiều” - ông Ánh nói.
Về quan điểm của tỉnh Cao Bằng đối với chủ trương phân quyền làm cao tốc cho các địa phương, ông Hoàng Xuân Ánh khẳng định, tỉnh Cao Bằng luôn rất ủng hộ. Tuy nhiên, theo ông Ánh, những địa phương có nguồn lực lớn sẽ dễ dàng thực hiện khi được phân quyền làm cao tốc còn những tỉnh khó khăn như Cao Bằng vẫn phải trông chờ rất nhiều từ sự hỗ trợ của T.Ư.

“Chỉ những địa phương có nguồn lực lớn, tự chủ được về ngân sách mới có thể làm được còn những tỉnh khó khăn vẫn phải có ngân sách hỗ trợ của T.Ư một phần, ngân sách của địa phương một phần và tiền của nhà đầu tư xã hội hóa" - ông Hoàng Xuân Ánh nói và cho biết thêm, ngoài kinh phí, các địa phương còn cần được hỗ trợ về mặt chuyên môn như Bộ GTVT thẩm định thiết kế cơ sở, các cơ quan T.Ư thẩm định những nội dung liên quan đến tính hiệu quả của dự án.
“Những dự án đường cao tốc trên Cao Bằng ngoài vấn đề kinh tế còn là vấn đề đối ngoại, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nhiều vấn đề xã hội nữa. Do đó về chiến lược thì Nhà nước cần phải ủng hộ chứ nếu chỉ tính mỗi hiệu quả kinhh tế thì rất là khó”.

"Điều quan trọng nhất lúc này là cần phải có một đề án riêng, một cơ chế đặc biệt cho việc xây dựng đường cao tốc. Bởi mấy chục năm qua chúng ta chỉ làm được có hơn 1.000km trong mục tiêu chưa đầy 10 năm nữa sẽ phải hoàn thành 3.800km đường cao tốc. Nếu không có một đề án riêng, một cơ chế đặc biệt thì rất khó để thực hiện." - Chủ tịch VARSI, PGS.TS Trần Chủng