Đóng cửa phiên giao dịch 12/9, VN-Index tăng 0,84 điểm (0,07%) lên 1.249,62 điểm, HNX-Index giảm 1,55 điểm (0,54%) về 283,08 điểm, UPCoM-Index giảm 0,4 điểm (0,44%) về 90,25 điểm.
Phiên giao dịch sáng hôm qua, thị trường mở cửa hưng phấn với các nhóm ngành hàng hóa tăng chủ đạo như dầu khí, phân đạm, lương thực... Tuy nhiên, đà hưng phấn chỉ diễn ra vào đầu phiên sáng nhưng bị bán ngược gần về cuối phiên, thấy rõ nhất ở nhóm dầu khí và phân đạm.
Tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30, xét về độ rộng, 17 mã giảm điểm áp đảo 11 mã tăng điểm. Vượt trội về tỷ lệ tăng điểm, VRE đứng đầu với mức tăng 4,55%. Xếp tiếp theo MWG (+2,78%); VHM (+2,5%); KDH (+0,85%)
Sắc xanh tăng điểm của VN-Index được củng cố bởi nhóm cổ phiếu bán lẻ, dầu khí, công nghệ viễn thông. Tại nhóm bán lẻ, động lực nâng đỡ thị trường đến từ DGW, FRT, MWG, PET, PSD… khi đồng thuận tăng điểm với biên độ dao động từ 2,5% đến 5,7%.
Xét về đóng góp, MWG, VHM và VRE là bộ 3 mã cổ phiếu giao dịch tích cực, nâng đỡ chỉ số chính với mức tăng tổng cộng là 3,24 điểm. Ngược lại, STB, ACB, MSN… là những tác nhân chính đẩy thị trường vào thể rút lui.
Điều đáng nói, dù 12/9 là ngày đầu tiên nhà đầu tư chính thức được giao dịch lô lẻ trên sàn HOSE (nhà đầu tư có thể đặt lệnh giao dịch với khối lượng từ 1 đến 99 cổ phiếu), tuy nhiên, nghịch lý là thanh khoản thị trường dường như "dậm chân tại chỗ" và có phần đi lùi.
Cụ thể, tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn chỉ đạt hơn 12,7 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 500 nghìn cổ phiếu được nhà đầu tư trao tay. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân của những phiên trước đó. Đây cũng là phiên có thanh khoản thấp nhất kể từ giữa tháng 7/2022.
Thực tế, trong phiên này, dù có thể dễ dàng đặt lệnh nhưng nhà đầu tư lại mất rất nhiều thời gian để khớp lệnh, thậm chí có những lệnh mua bán chờ cả ngày nhưng không thể khớp thành công.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, sở dĩ thị trường suy yếu khi lượng cổ phiếu mới về tài khoản ở chu kỳ T+2,5, là do thanh khoản đã có dấu hiệu chững lại và không tăng thêm nữa. Hơn nữa, thanh khoản thấp, dòng tiền lại phân hóa nên việc lựa chọn cổ phiếu trong cùng một nhóm cũng không còn dễ.
Cùng với đó, diễn biến tại phiên 12/9 chứng tỏ dòng tiền vẫn còn rất yếu, cơ hội sinh lời không nhiều mà chủ yếu là các pha rung lắc đan xen. VN-Index thực tế vẫn đang đi ngang trong biên độ hẹp.
Theo dự báo của các công ty chứng khoán, mặc dù áp lực rung lắc còn tiếp diễn trong những phiên tới, vùng hỗ trợ gần quanh 1.24x, tương ứng với đường MA100 được kỳ vọng tạo điểm đỡ gần cho chỉ số.
Nhà đầu tư được khuyến nghị bán hạ tỷ trọng trong các nhịp hồi sớm và khống chế tỷ trọng ở mức an toàn, tương ứng với mức độ chấp nhận rủi ro.