70 năm giải phóng Thủ đô

Giáo dục cho trẻ khiếm thính là điều còn trăn trở

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Anh Hoàng Minh Hậu (quận 8), một phụ huynh có con khiếm thính tham gia hội thảo cho biết: “Chỉ mong muốn một điều duy nhất đó là con chăm ngoan và khỏe mạnh, còn việc học tập thì quá xa vời”.

KTĐT -  Anh Hoàng Minh Hậu (quận 8), một phụ huynh có con khiếm thính tham gia hội thảo cho biết: “Chỉ mong muốn một điều duy nhất đó là con chăm ngoan và khỏe mạnh, còn việc học tập thì quá xa vời”.

Nước ta hiện có hơn 100.000 trẻ khiếm thính trong độ tuổi đi học. Thế nhưng, việc giáo dục các em trở thành người có ích vẫn chưa được chú trọng và chưa có hệ thống toàn diện.

Tại hội thảo giáo dục cho trẻ khiếm thính do Trung tâm Khuyết tật & Phát triển (DRD) tổ chức ở TPHCM ngày 24/10, bà Võ Thị Hoàng Yến, giám đốc DRD, cho biết: “Việt Nam có gần 1 triệu trẻ khuyết tật từ 0 - 16 tuổi, trong đó trẻ khiếm thính chiếm hơn 12%. Với số lượng lớn như vậy, giáo dục cho trẻ khiếm thính là điều trăn trở cho bao người”.

Hầu hết các bậc phụ huynh khi có con bị khiếm thính (không nghe được) đều có chung tâm lý chấp nhận và khư khư giữ con ở nhà, chỉ mong trẻ sống khỏe mạnh qua ngày. Anh Hoàng Minh Hậu (quận 8), một phụ huynh có con khiếm thính tham gia hội thảo cho biết: “Chỉ mong muốn một điều duy nhất đó là con chăm ngoan và khỏe mạnh, còn việc học tập thì quá xa vời”.

Thế nhưng, theo các chuyên gia, trẻ khiếm thính vẫn có thể học tập và làm việc như người bình thường nếu được dạy dỗ đúng cách. Bỏ qua những khó khăn như thiếu thốn vật chất và giáo viên của ngành giáo dục đặc biệt, điều các chuyên gia băn khoăn và bàn bạc trong hội thảo ngày 24/10 là nên cho trẻ khiếm thính học tại các trường chuyên biệt hay cho trẻ học hòa nhập.

Phần lớn phụ huynh đều lo ngại con mình sẽ bị bạn bè khinh thị khi học chung với các bạn bình thường. Khi đó, các em có thể trở nên mặc cảm, tự ti và khó tiếp xúc với mọi người xung quanh hơn. Do đó, nhiều người ủng hộ cách cho trẻ học ở trường chuyên biệt với các bạn bè đều là trẻ khiếm thính.

Tuy nhiên, bà Tôn Nữ Thị Nhi, hiệu trưởng Trường chuyên biệt Hy Vọng (quận 8) khẳng định: “Biết trước rất vất vả và khó khăn song với những học sinh khiếm thính có khả năng giao tiếp tốt thì học ở trường hòa nhập sẽ là cơ hội để các em phát triển hết khả năng”.

Bà cho biết là một số em học sinh khiếm thính ở trường, sau khi được dạy cách phát âm, nhìn môi đoán tiếng để có thể giao tiếp với người bình thường thì được đưa đi học hòa nhập ở một số trường. Sau quá trình học hòa nhập với các học sinh bình thường khác, các em này đều có những tiến bộ rõ nét về nhận thức và suy nghĩ.

Bà Nhi khẳng định: “Phần lớn học sinh tại trường chuyên biệt không thể nói được ước mơ tương lai của minh. Nhưng sau khi học hòa nhập trở về, các em đã biết được mình sẽ làm gì. Điều đó có ý nghĩa rất lớn từ môi trường hòa nhập”.

Cũng chính nhờ nỗ lực đưa các em đi học hòa nhập mà thời gian qua, TPHCM đã xuất hiện nhiều em khiếm thính có năng lực vào đại học, tiếp thu trình độ giảng dạy ở bậc đại học. Lê Thu Hiền, sinh viên khiếm thính khoa Tin học Trường ĐH Văn Lang, tâm sự: “Học khó lắm. Phải chú ý vào môi thầy cô phát âm để nhận biết. Muốn bạn bè hiểu ý mình phải tự tập nói thật nhiều cho liền mạch”.

Bà Võ Thị Hoàng Yến kết luận: “Nếu trẻ khiếm thính được trang bị những kỹ năng cần thiết từ trường chuyên biệt cùng với ý chí của bản thân thì vẫn có thể theo kịp và hòa nhập tốt. Cơ hội dành cho tất cả mọi người”.