Giáo dục đại học mở hướng đến kinh tế tri thức

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quan điểm xây dựng hệ thống giáo dục mở lần đầu tiên được đưa ra trong Nghị quyết đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo được nhiều người đồng tình ủng hộ.

Cũng như cách nhìn của GS Đặng Hữu - nguyên Trưởng ban Khoa giáo T.Ư khi trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Hệ thống giáo dục ĐH mở sẽ giúp đất nước dần chuyển sang nền kinh tế tri thức.

 

4 đặc trưng của giáo dục mở

 

Thưa TS, ông có ý kiến gì trước quan điểm xây dựng hệ thống giáo dục mở được đưa ra trong Nghị quyết?

 

- Trước đây chúng ta đã có ý định xây dựng hệ thống giáo dục mở, Bộ GD&ĐT cũng đưa ra các giải pháp phát triển hệ thống các trường mở, nhưng chưa thành chủ trương. Nay, Nghị quyết đặt ra nội dung xây dựng hệ thống giáo dục mở là phù hợp với xu thế hiện đại, tạo điều kiện cho các trường hoạt động cũng như người dân được học tập suốt đời.

 
Giáo dục mở cần xây dựng hệ thốngphù hợp đê phát triển nền kinh tế tri thức . Ảnh Hải Linh
Giáo dục mở cần xây dựng hệ thốngphù hợp đê phát triển nền kinh tế tri thức . Ảnh Hải Linh
Với điều kiện hiện tại, chúng ta nên thực hiện xây dựng hệ thống giáo dục mở theo hướng nào cho phù hợp?

 

- Có thời gian nghiên cứu từ năm 1988 đến nay, tôi định nghĩa hệ thống giáo dục ĐH mở gồm 4 đặc trưng: Cho phép mở rộng quy mô đào tạo; Hệ đào tạo đa dạng, nhiều cấp học; Có cơ chế thuận lợi cho người học (áp dụng hệ thống tín chỉ) để được chuyển đổi giữa các cơ sở đào tạo, các ngành học, các cấp học; Gắn nhà trường với xã hội (nghĩa là người dân trong quá trình học có thể ra làm việc, nhưng vẫn học tiếp trong nhà trường khi có nhu cầu); hệ thống này gắn liền đào tạo ban đầu (đào tạo cấp văn bằng) với đào tạo thường xuyên (bồi dưỡng cập nhật các kiến thức mới cho người lao động).

 

Thưa ông, để thay đổi nền giáo dục ĐH từ truyền thống sang mở không dễ. Ngay từ bây giờ chúng ta phải làm gì?

 

- Muốn đi vào hệ thống giáo dục ĐH mở, trước tiên phải thay đổi được quan niệm về sứ mệnh và mục tiêu của ĐH. Hiện nay, nhiều người vẫn quan niệm giáo dục ĐH chỉ đào tạo ra một số ít người gồm các học giả, kỹ sư, bác sĩ. Với quan điểm giáo dục ĐH mở là đào tạo ra số đông người đáp ứng được mục tiêu dân trí, nhân lực và nhân tài, cho nên phải mở rộng quy mô đào tạo. Chúng ta nên hiểu, bên cạnh việc đào tạo ra những người cực giỏi thì ĐH cũng đào tạo nhân viên, người thợ làm chủ được công nghệ cao, trụ vững được trong xã hội phát triển.

 

Từ thay đổi quan niệm sẽ dẫn đến muốn đào tạo theo số đông, phải đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Nghĩa là mọi người có thể học suốt đời tùy theo điều kiện với hình thức vừa học vừa làm, học từ xa… Các cơ sở giáo dục ĐH cũng đa dạng hóa, ví dụ có ĐH nghiên cứu (tinh hoa), ĐH giản đơn (đào tạo nguồn nhân lực thông thường). Hiện trên thế giới có 2 xu hướng đào tạo ĐH, đó là theo chương trình mang tính hàn lâm học thuật, phát triển theo hướng nghề nghiệp (hướng giáo dục thực hành); Và thực hiện giáo dục mở bằng cách đa dạng hóa các cơ chế sở hữu của nhà trường ĐH. Tức là phải huy động thêm sức mạnh chung của xã hội bằng việc mở các trường tư, trường cộng đồng… để tăng quy mô đào tạo.

 

Nhiều người được  hưởng thụ

 

Chúng ta có cần những cơ chế gì để thực hiện giáo dục mở?

 

- Theo kiểu trường học truyền thống, khi ta học trường/ngành này xong, muốn chuyển sang học trường/ngành khác để thay đổi nghề nghiệp thì phải học từ đầu. Với hệ thống giáo dục mở, cần có cơ chế gắn kết các trường để liên thông chuyển đổi giữa các trình độ, các chương trình. Muốn thực hiện được, chúng ta phải cấu trúc lại mạng lưới trường và quy trình đào tạo, chấp nhận sinh viên từ trường này chuyển sang trường khác. Chúng ta cũng phải tạo ra hệ thống tín chỉ và thực hiện chuyển đổi tín chỉ từ trường này sang trường khác và từ ngành này sang ngành khác một cách dễ dàng.

 

Nghị quyết đã yêu cầu thực hiện giáo dục mở, liệu có thực hiện được ngay không, thưa ông?

 

- Tôi nghĩ cần có sự can thiệp, tác động từ phía các cơ quan quản lý, phải xây dựng hệ thống chính sách và có những khuyến khích các cơ sở giáo dục chấp nhận cơ chế mở. Mặt khác, khắc phục tư duy cục bộ địa phương khép kín, chỉ thấy lợi ích trước mắt mà không thấy được lợi ích lâu dài của cả nước.

 

Với hệ thống giáo dục mở, các trường ĐH có những lợi thế gì và người dân được gì?

 

- Các trường phát huy được công suất tối đa của cơ sở vật chất, trang thiết bị; tạo ra được sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống sẽ mang đến hiệu quả cao. Hệ thống này giúp nhiều người được hưởng thụ giáo dục ĐH, góp phần tạo ra một xã hội phát triển nhanh hơn.

 

Nhiều người lo lắng về chất lượng đào tạo khi mở rộng quy mô?

 

- Theo tôi, Bộ GD&ĐT chỉ cần thực hiện cơ chế bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng định kỳ. Bộ nên giao cho các cơ quan kiểm định độc lập thực hiện, trường nào yếu sẽ biết được ngay. Bộ cần có quyết tâm cao để thực hiện đổi mới.

 

Xin cảm ơn TS!

 

 

 

Giáo dục mở cần xây dựng hệ thống phù hợp để phát triển nền kinh tế tri thức.   Ảnh: Hải Linh