Giáo dục đại học: Tự chủ mạnh, nhưng phải sẵn sàng chịu trách nhiệm

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 (ngày 15/12), nhiều đại biểu trong và ngoài nước băn khoăn độ chính xác của kết quả Pisa năm 2012 của học sinh (HS) Việt Nam, về việc trường đại học (ĐH) được tự chủ song vẫn bị ràng buộc bởi nhiều cơ chế.

Điểm Pisa cao, kỹ năng mềm chưa chắc đã tốt

Là người đã có nhiều năm nghiên cứu về kết quả Pisa (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế), GS Paul Glewwe (ĐH Minnesota, Mỹ) chia sẻ một điều khá thú vị: Thu nhập bình quân trên đầu người (GDP) của nhiều quốc gia cao thì kết quả Pisa của HS cũng tỷ lệ thuận. Tuy nhiên, GDP Việt Nam thấp nhưng kết quả Pisa 2012 của HS lại cao. “Liệu năng lực HS 15 tuổi của Việt Nam có phản ánh đúng như kết quả của Pisa?”- GS Paul đặt câu hỏi, và dẫn chứng: Khi so sánh với các nước khác, các yếu tố về trình độ giáo dục của cha mẹ HS Việt Nam, tài sản trong gia đình cũng không cao bằng. “Chúng tôi đang tìm hiểu, mẫu Pisa của Việt Nam có đại diện cho HS 15 tuổi hay không. Hiện giờ chúng tôi đang nghiên cứu và hy vọng sẽ sớm có câu trả lời”.
 Giờ thực hành của sinh viên trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.   Ảnh: Thanh Hải 

Giải đáp băn khoăn này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, khoảng cách GDP và Pisa ở Việt Nam rất khác. Lý do bởi, ở Việt Nam có rất nhiều cha mẹ có thể hy sinh tất cả cho con được đi học. Do vậy, không thể nhìn vào mối quan hệ giữa GDP với kết quả học tập của HS Việt Nam bậc THCS để đánh giá chất lượng. GS Paul cho rằng kết quả Pisa mới chỉ đánh giá một phần các kỹ năng của HS về Toán, logic. Vì thế, điểm Pisa cao không có nghĩa là kỹ năng mềm của học sinh tốt, mà phải tìm hiểu, đánh giá thêm.

Muốn tự chủ phải kiểm định

Tự chủ ĐH là nội dung được bàn luận sôi nổi nhất tại tiểu ban 3 về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Để đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH, Nhà nước đang thí điểm cho 18 trường thực hiện tự chủ về 3 nội dung lớn. Tất nhiên, mức độ tự chủ phụ thuộc vào năng lực quản trị của từng trường. GS.TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương chia sẻ một số vấn đề gặp phải khi trường thực hiện tự chủ. Chẳng hạn, thiếu văn bản quy định riêng cho trường ĐH tự chủ, mà chủ yếu dựa vào quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; các trường tự chủ còn phụ thuộc nhiều vào cơ quan chủ quản; một số bộ, ngành quy định các chính sách riêng nên vô hình chung hạn chế quyền tự chủ của trường. Quan hệ của các tổ chức trong nhà trường cũng là vấn đề cần trao đổi thêm. Thu học phí cao cũng là vấn đề khó của các trường thực hiện tự chủ.

Nhiều đại biểu cho rằng, bên cạnh việc tự chủ, phải thực hiện kiểm định chất lượng đào tạo. Ở Mỹ, các trường ĐH nổi tiếng có chất lượng đào tạo tốt là do cơ chế. Từng bang của nước này có trung tâm kiểm định độc lập đứng ra kiểm định, đánh giá và phân hạng các trường. Vì thế các trường ĐH của Mỹ luôn cố gắng để đạt chất lượng kiểm định, nhằm thu hút sinh viên. Giải đáp nội dung này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện nay đã có 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ĐH. Bộ GD&ĐT đã thông qua thông tư kiểm định các trường ĐH. Vì thế, khi thực hiện kiểm định, các trường phải khắc phục điểm yếu và công khai cho xã hội biết. Trường nào kiểm định đạt chất lượng thì mới được tự chủ.

Nhiều giải pháp về các vấn đề đương đại của Việt Nam

Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 với sự tham dự của hơn 2.000 người, trong đó có gần 1.000 nhà Việt Nam học đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hôm qua, hội thảo tập trung vào 6 nhóm lĩnh vực chuyên môn: Ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế; nguồn lực văn hóa; giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; chuyển giao tri thức và công nghệ; kinh tế và sinh kế; biến đổi khí hậu. Theo kế hoạch, hôm nay (16/12) các đại biểu tiếp tục thảo luận và đề xuất các nhóm giải pháp tập trung vào 6 chủ đề, góp phần giải quyết những vấn đề đương đại của Việt Nam trong bối cảnh biến đổi toàn cầu.