Giáo dục Lào Cai - hành trình đổi mới toàn diện, vươn lên mạnh mẽ
Kinhtedothi- Từ muôn vàn khó khăn thuở đầu tái lập tỉnh, ngành Giáo dục Lào Cai đã vươn mình mạnh mẽ, chuyển biến toàn diện về quy mô, chất lượng và tầm nhìn. Từ chỗ 60% trẻ không được đến trường, đến nay tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục các cấp, trở thành điểm sáng với thành tích học sinh giỏi quốc gia, trường lớp hiện đại, đội ngũ giáo viên vững chuyên môn, mạnh chính trị và môi trường học tập tiệm cận chuẩn quốc tế. Những con số hôm nay chính là minh chứng cho hành trình đổi mới bền bỉ và tâm huyết.

Ngành Giáo dục Lào Cai được quan tâm, đầu tư.
Từ những ngày đầu tái lập tỉnh vào tháng 10/1991, ngành Giáo dục Lào Cai đứng trước muôn vàn khó khăn. Hệ thống trường lớp khi ấy phần lớn là nhà tạm, 60% trẻ em trong độ tuổi không được đến trường, 30% cán bộ xã không biết chữ. Vượt lên gian khó, ngành Giáo dục tỉnh Lào Cai đã không ngừng nỗ lực đổi mới và phát triển toàn diện, trở thành điểm sáng trong công cuộc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương.
Tính đến hết học kỳ I năm học 2025-2026, toàn tỉnh có 193 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên với 8.231 nhóm/lớp và 235.445 học sinh. Trong đó, mầm non: 195 trường, 2.324 nhóm/lớp, 55.599 trẻ; tiểu học: 164 trường, 3.332 lớp, 84.578 học sinh; THCS: 185 trường, 1.809 lớp, 64.140 học sinh; THPT: 39 trường, 638 lớp, 25.851 học sinh.
Ngoài ra, toàn tỉnh có 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN&GDTX) với 128 lớp và 5.277 học viên.

Chất lượng giảng dạy không ngừng được nâng cao.
Bên cạnh đó, mạng lưới giáo dục nghề nghiệp và đại học cũng không ngừng mở rộng, gồm 1 trường trung cấp nghề, 1 trường cao đẳng, 1 phân hiệu đại học và 1 trường quốc tế.
Đặc biệt, hệ thống cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư mạnh mẽ: 98% phòng học kiên cố tại trường chính, 82% tại điểm trường.
Lào Cai là tỉnh đầu tiên cả nước hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi, và 100% xã, phường, thị trấn đều duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp.
Tỉnh cũng đã được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.
Chất lượng giáo dục toàn diện không ngừng được nâng cao, trong các kỳ thi quốc gia, Lào Cai xếp thứ 18 cả nước và thứ 4 khu vực trung du, miền núi Bắc Bộ về thành tích học sinh giỏi THPT.
Lần đầu tiên, tỉnh có học sinh tham dự đội tuyển Olympic môn tin học, cuộc thi khoa học kỹ thuật luôn đứng trong tốp đầu toàn quốc, cùng nhiều giải thưởng cao trong các lĩnh vực văn nghệ, thể thao, sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng…

Các học sinh trên địa bàn xã Cốc Mỳ trong ngày khai giảng năm học mới.
Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú ngày càng phát triển, trở thành trụ cột vững chắc trong sự nghiệp giáo dục vùng cao, vùng dân tộc thiểu số. Lào Cai là một trong số ít các tỉnh 100% trường nội trú cấp huyện có bậc học THPT.
Toàn tỉnh có 414 trường đạt chuẩn, chiếm 71% tổng số trường học. 72% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục THPT hoặc tương đương.
Đội ngũ giáo viên ngày càng được nâng cao chất lượng, trên 94% đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo; 66,3% viên chức, người lao động là đảng viên, thể hiện sự vững vàng về tư tưởng, chính trị và chuyên môn.
Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được đẩy mạnh. Trung tâm học tập cộng đồng đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời cho nhân dân. Tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15-60 đạt 98% mức độ 1, 95% mức độ 2.
Về đào tạo nghề, Trường Cao đẳng Lào Cai được đầu tư mạnh mẽ, đến cuối năm 2025 được công nhận là trường chất lượng cao.

Các em học sinh dân tộc thiểu số hân hoan đến trường.
Nhờ đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%, trong đó 32% có bằng cấp, chứng chỉ và trên 80% có việc làm sau đào tạo, đặc biệt các nghề trọng điểm có tỷ lệ việc làm trên 90%.
Một dấu mốc quan trọng khác là dự án xây dựng Trường THPT Chuyên Lào Cai mới, với tổng diện tích 13,4 ha, tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 380 tỷ đồng. Công trình được thiết kế hiện đại, đồng bộ với đầy đủ khu học tập, thể thao, nội trú, dịch vụ… và sẽ được đưa vào sử dụng đầu năm học 2025-2026, hứa hẹn tạo ra môi trường đào tạo chất lượng cao cho học sinh năng khiếu toàn tỉnh.
Ông Trịnh Xuân Trường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhấn mạnh: “Quan điểm của tỉnh là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục bắt đầu từ đổi mới con người; chú trọng đổi mới cách quản lý giáo dục, đổi mới cách dạy, cách học phù hợp với thực tiễn; đổi mới giáo dục gắn với hội nhập quốc tế, đào tạo những công dân toàn cầu. Song song với đó, cần quan tâm tập trung đầu tư về cơ sở vật chất cho ngành giáo dục để học sinh và giáo viên có đủ điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học.”
Từ một vùng đất còn nhiều khó khăn, ngành Giáo dục tỉnh Lào Cai đã thực sự “chuyển mình”, trở thành niềm tự hào, đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững, toàn diện của tỉnh trong giai đoạn mới.

Lào Cai: Vị trí địa lý đặc biệt để phát triển thành trung tâm kinh tế, du lịch và dịch vụ
Kinhtedothi-TP Lào Cai đã được công nhận là đô thị loại 2, tiến tới đô thị loại I, nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố địa chính trị, địa kinh tế, điểm kết nối giao thương quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Với 4 trụ cột kinh tế được xác định (cửa khẩu, du lịch, nông nghiệp, chế biến khoáng sản), Lào Cai có đủ điều kiện để phát triển một nền kinh tế toàn diện và bền vững.

Lào Cai phấn đấu đến hết năm 2025 có hơn 2.000 căn nhà ở xã hội
iKinhtedothi- Triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, tỉnh Lào Cai đã chủ động, ưu tiên quy hoạch bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thi công, hoàn thiện các thủ tục để chuẩn bị khởi công 6 dự án nhà ở xã hội với 4.669 căn.