Những ngôi nhà kiên cố san sát, trạm y tế, đặc biệt là những ngôi trường được xây dựng khang trang sạch đẹp…
Top đầu khối huyện
Ở Mỹ Đức hiện có 76 trường công lập, với hơn 30.000 học sinh, gần 3.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Lãnh đạo huyện Mỹ Đức cho biết, thời gian gần đây, huyện dành mối quan tâm đặc biệt cho giáo dục, mà mục tiêu là chất lượng đội ngũ giáo viên.
Quả thật, so sánh trường lớp của huyện với 3 năm trước đây mới thấy những bước tiến dài. Huyện đã cơ bản xóa được phòng học cấp 4, xây mới hơn 355 phòng học kiên cố. Toàn huyện đã có 19 trường đạt chuẩn Quốc gia; 56 trường đạt danh hiệu "Trường học thân thiện, học sinh tích cực"; 29 đơn vị được công nhận trường có thư viện đạt chuẩn Quốc gia; 100% các trường tiểu học, THCS đủ hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác dạy và học… Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngày càng vững chuyên môn, nghiệp vụ, đã đáp ứng yêu cầu giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, cho biết, trước đây, Mỹ Đức rất khó khăn về kinh tế, cơ sở vật chất, trường trạm xập xệ. Hầu hết, đường liên thôn, liên xã là đường đất, nắng bụi, mưa lầy; trường, lớp học chỉ là những dãy nhà cấp 4 bị xuống cấp trầm trọng, nhiều trường, học sinh phải đi học nhờ ở nhà kho, nhà văn hóa thôn, xã... "Mừng là từ khi "về với" Hà Nội, được sự quan tâm đầu tư của TP, cơ sở vật chất, trường lớp của huyện đã được nâng cấp, xây mới với những khu nhà 2 - 3 tầng khang trang. Những con đường xuống xã, xuống thôn bản đã được bê tông hóa" - ông Hậu nói. Ông Hậu còn "khoe", trước đây giáo dục của huyện xếp ở hạng 29/29 quận huyện, nhưng đến nay đã vươn lên vị trí top đầu khối huyện (16/29 quận, huyện).
Vẫn thiếu thiết bị dạy học
Xã An Phú (xã nghèo khó nhất với gần 70% người dân tộc, chủ yếu là người Mường) nay đã đổi thay rất nhiều. Về xã An Phú bây giờ được đi trên những con đường rộng trải bê tông đến từng ngõ xóm, nhìn những ngôi nhà cao tầng san sát, những ngôi trường cao tầng mọc lên giữa thôn bản... Trò chuyện về cuộc sống của người dân, ông Nguyễn Thế Nghĩa - Chủ tịch UBND xã An Phú cho biết: Cả xã có gần 2.000 hộ, chia làm 13 thôn bản, trong đó gần 70% dân số là người dân tộc Mường. Trước đây, cuộc sống còn đầy khó khăn, đường làng, ngõ xóm chật hẹp, lầy lội, nhưng bây giờ, mọi thứ đều đã đổi thay. "Trước đây, khi giáo viên được phân công về dạy học ở xã, hầu hết không muốn trụ lại, nhưng đến nay giáo viên đều yên tâm ở lại công tác" - ông Nghĩa tâm sự. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Nghĩa không giấu những khó khăn hiện tại, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn. Bậc mầm non của xã còn nhiều điểm lẻ, thiếu phòng học nên việc tổ chức lớp học theo độ tuổi gặp nhiều khó khăn. Cô Bùi Thị Mai - giáo viên chủ nhiệm lớp mẫu giáo 3 tuổi của trường Mầm non An Phú cho biết: Trường, lớp được đầu tư xây dựng khang trang, nhưng mới được "vỏ" bên ngoài, nội thất, đồ dùng trong lớp còn thiếu nhiều. Đồ dùng dạy học, chủ yếu do giáo viên tự "chế" từ lon bia, vỏ sữa… để làm đồ chơi và công cụ dạy học cho các cháu. Thậm chí, bàn ghế trong lớp cũng chưa đủ. "Đồ dùng thiết yếu phục vụ dạy và học còn thiếu và không đồng bộ, đây cũng là một khó khăn cho việc nâng cao chất lượng giáo dục. Với đặc thù riêng (có người dân tộc và tôn giáo), chúng tôi rất mong được tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, trang bị thêm đồ dùng học tập, đồ chơi cho các cháu mẫu giáo…" - ông Nghĩa kiến nghị.
Phải nói rằng, đời sống của giáo viên, trang thiết bị dạy học còn thiếu, song trường lớp Mỹ Đức hôm nay đã khác trước nhiều. Phải ghi nhận sự nỗ lực của một huyện nghèo Hà Nội.
Thư viện trường Tiểu học Hương Sơn B, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Thanh Yến
|