Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giáo dục Thủ đô: Đột phá, công bằng nhưng không cào bằng

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Trao đổi, góp ý về giáo dục Thủ đô trong Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội, GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: “Giáo dục đại học được đánh giá tương xứng; giáo dục phổ thông nhiều điểm nhấn có tính đột phá, vượt trội”.

Đánh giá tương xứng đóng góp của hệ thống đại học
Thưa GS, ông có ý kiến gì khi Dự thảo Văn kiện dành 1 trang đánh giá những kết quả đạt được của giáo dục và đào tạo Thủ đô?
- Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XVII của TP Hà Nội được biên soạn rất công phu, toàn diện, bao quát nhưng đặc biệt có điểm nhấn. Tôi thích tính logic kết nối các phần nội dung, xâu chuỗi các vấn đề trong một chỉnh thể nhìn lại 5 năm qua và đặt ra những mục tiêu cho 5 năm tới. Kết cấu và nội dung Báo cáo rất hay.
GS. Hoàng Anh Tuấn - Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Đô thị - hướng dẫn cho sinh viên cách tiếp cận nghiên cứu lịch sử  đô thị trên thế giới. 

Sự đánh giá các vấn đề trong Văn kiện cũng hết sức dụng công, thận trọng, đặc biệt trong mảng giáo dục. Chúng ta đều biết rằng giáo dục - đào tạo Hà Nội đâu chỉ phục vụ riêng cho Thủ đô, mà bản chất là cho cả nước. Vì vậy, việc Văn kiện dành hơn 1 trang để nhìn nhận lại giáo dục 5 năm qua đã khẳng định sự quan tâm của Đảng bộ TP Hà Nội đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Đặc biệt, sau sự nhìn nhận mang tính phổ quát, Văn kiện đã có một số điểm xuyết rất giá trị về đóng góp của khối trường đại học ở Thủ đô.

Chỉ 3 - 4 câu thôi, đủ thấy TP đánh giá tương xứng sứ mệnh của hệ thống đại học trong sự nghiệp phát triển Thủ đô. Ý nghĩa hơn, Văn kiện ghi nhận sự tích cực đổi mới của hệ thống đại học Thủ đô trong cải tiến phương pháp, cập nhật tri thức nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực. Các trường đại học đóng góp rất nhiều giá trị khoa học, công nghệ và tư vấn chính sách vào sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị, công bằng xã hội…của Thủ đô.

Đặc biệt, trong số hàng trăm cơ sở đại học trên địa bàn, Văn kiện ghi nhận đóng góp của Đại học Quốc gia Hà Nội và trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho những nỗ lực vươn lên, lọt vào bảng xếp hạng 1.000 trường đại học xuất sắc thế giới. Thật ý nghĩa!

Những đột phá giáo dục phổ thông rất riêng của Hà Nội

Những đóng góp của hệ thống giáo dục phổ thông đã được đánh giá tương xứng trong Dự thảo Văn kiện, thưa ông?

- Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao của đất nước, do đó giáo dục phổ thông của Thủ đô không chỉ lớn về quy mô mà đặc biệt phức hợp về loại hình. Nhiều trường chuyên, trường quốc tế… trên địa bàn Hà Nội có quy mô tuyển sinh toàn quốc. Đây là nét riêng của giáo dục phổ thông Thủ đô, bởi trường chuyên của các tỉnh, thành khác chỉ đào tạo con em địa phương.

Hà Nội còn có những điểm nhấn, bước đột phá mà nhiều tỉnh, thành khác không có: Đào tạo song bằng quốc tế cho giáo dục phổ thông tại 6 trường THCS, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và các trường dân lập, tư thục, quốc tế khác. Tôi cho rằng, giáo dục Thủ đô - trong một chừng mực nào đó - vừa giữ được sự công bằng nhưng không cào bằng, không triệt tiêu cơ hội và năng lực quốc tế của học sinh. Sự khai mở các chương trình liên kết quốc tế, đào tạo song bằng là bước đột phá quan trọng, là cơ sở để đưa giáo dục Thủ đô bứt phá trong thời gian tới.

Ngoài ra, trong 5 năm qua, việc Hà Nội triển khai cơ chế giao quyền tự chủ gắn với xây dựng trường chất lượng cao ở các cấp học cũng là bước đột phá, có hiệu quả rất tốt. Giáo dục khai phóng và hội nhập không nên và không thể đồng phục; đồng phục giáo dục ngăn trở sự phát triển đột phá.

Trong 5 năm tới, giáo dục phổ thông ở Hà Nội nên phát triển theo chiều hướng nào, thưa ông?

- Tôi rất đồng tình với những trọng tâm giáo dục được Văn kiện xác định cho chặng đường 5 năm tới như: “Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa”, “phát triển năng lực sáng tạo cho các nhà trường”...

Đặc biệt, tôi rất ấn tượng với vấn đề đột phá, tăng cường liên kết, đẩy mạnh liên kết, quốc tế hóa. Khá nhiều trường đại học đã triển khai; các trường phổ thông đẩy mạnh xu hướng này sẽ là hợp lực, tạo đột phá cho giáo dục Thủ đô.

Tôi rất kỳ vọng không chỉ 15 trường phổ thông liên kết quốc tế, mà sau 5 năm sẽ có nhiều chục, thậm chí hàng trăm trường. Sẽ ý nghĩa hơn nếu việc liên kết quốc tế không chỉ tập trung ở khu vực nội thành, mà sớm lan tỏa ra các vùng ngoại ô để đảm bảo tính công bằng trong giáo dục. Được như thế, học sinh Thủ đô ngày càng hội nhập, định hình tương lai công dân toàn cầu, sẽ là rất tốt.

 GS Hoàng Anh Tuấn mong muốn giáo dục Hà Nội cần chú trọng giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tự hào Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Giáo dục phổ thông gắn với văn hóa Hà Nội

Thưa ông, ngoài thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo như Bộ GD&ĐT quy định, các trường trên địa bàn Thủ đô rất cần có những nội dung giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch của người Hà Nội?

- Trong những năm qua, Hà Nội đã xác định được và triển khai rất hiệu quả các chương trình giáo dục định hướng đạo đức, ứng xử, lối sống. Các trường phổ thông, các trường đại học đã xây dựng những môn học mang tính định hướng gắn với văn hóa dân tộc. Điều đó thật tốt!

Văn kiện nhấn mạnh khía cạnh người Hà Nội thanh lịch - văn minh, khơi dậy niềm tự hào và khát vọng phát triển Thủ đô. Vì vậy, bên cạnh trọng tâm thúc đẩy khoa học - công nghệ (STEM), giáo dục Hà Nội cần chú trọng giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tự hào Thủ đô ngàn năm văn hiến. Hệ giá trị đó cần được hun đúc cho học sinh và sinh viên thông qua những môn học về đạo đức, nghệ thuật, lịch sử, về Hà Nội văn hiến, thanh lịch, văn minh...

Tôi tin rằng hệ tri thức nhân văn đó chẳng bao giờ thừa, không bao giờ cũ, cho dù xã hội tân tiến đến cấp độ nào, “số hóa” đến đâu. Xã hội càng “vạn vật kết nối”, tinh thần đạo đức càng phải là sợi dây bền chắc để liên kết cộng đồng, dân tộc, và nhân loại.

Xin cảm ơn ông!