Năm học 2023 – 2024, mạng lưới GDTX TP Hà Nội gồm: 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN – GDTX), 53 trường trung cấp, cao đẳng có dạy văn hoá kết hợp dạy nghề; 579 trung tâm học tập cộng đồng, 912 trung tâm tin học, ngoại ngữ và 95 trung tâm bồi dưỡng kỹ năng.
Số học viên chương trình GDTX cấp THCS là trên 1.700 học viên, học viên chương trình GDTX cấp THPT là trên 51.000 học viên (bao gồm học viên học tại các trung tâm GDNN – GDTX và các trường trung cấp, cao đẳng). Đặc điểm đội ngũ tại các trung tâm GDNN – GDTX là tỷ lệ giáo viên biên chế thấp, chủ yếu là giáo viên hợp đồng.
Với tinh thần quyết tâm vượt khó và tích cực đổi mới trong công tác tổ chức, quản trị của đơn vị, kết quả rèn luyện và học tập của học viên GDTX từng bước nâng lên; số học viên có kết quả rèn luyện tốt, học tập giỏi đạt tỷ lệ cao.
Tại kỳ thi giáo viên dạy giỏi chương trình GDTX cấp THPT năm học 2023 - 2024, có 20 giáo viên tham dự; kết quả có 5 giáo viên đạt giải Nhất. Trong kỳ thi chọn học viên giỏi các môn văn hoá Chương trình GDTX cấp THPT, có gần 1.000 học viên tham gia và rất nhiều học viên đạt giải cao.
Để phát huy kết quả đã đạt được, năm học 2024 – 2025, ngành GDTX TP Hà Nội đưa ra 7 nhiệm vụ trọng tâm; trong đó có việc đẩy mạnh các hoạt động xây dựng xã hội học tập; lưu ý tổ chức Tuần lễ hưởng ứng Học tập suốt đời, Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam; đánh giá, công nhận Đơn vị học tập, Cộng đồng học tập; tăng cường công tác chỉ đạo, hoàn thiện mạng lưới cơ sở GDTX; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, cộng tác viên; huy động nguồn lực cho GDTX; đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong quản lý, quản trị cơ sở GDTX; triển khai học bạ số, nâng cao hiệu quả dạy học trên môi trường số. Đặc biệt, giáo dục thường xuyên là ngành chủ trì trong thực hiện kế hoạch đưa Hà Nội tham gia mạng lưới các TP học tập của UNESCO.
Tại hội nghị tổng kết năm học 2023 – 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 – 2025 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức sáng 15/8 nhiều kiến nghị từ các trung tâm GDMN - GDTX và cơ sở đào tạo nghề đã được đưa ra liên quan đến cơ chế tự chủ tài chính; định mức thu học phí; thiếu biên chế giáo viên; chú trọng công tác thi đua khen thưởng; sớm công bố cấu trúc định dạng, ngân hàng đề thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới cũng như Quy chế xét tốt nghiệp THPT 2025; đẩy mạnh chương trình truyền thông về hệ thống trường nghề để nâng cao nhận thức của phụ huynh và xã hội. Ngoài ra, nhiều đơn vị kiến nghị chuyển các đơn vị ngành GDTX về Sở GD&ĐT quản lý để thuận lợi và phù hợp trong công tác quản trị và chỉ đạo chuyên môn.
Đánh giá cao kết quả đáng trân trọng, tự hào và những nỗ lực của ngành học GDTX TP Hà Nội đã được trong năm học qua, Phó Vụ trưởng Vụ GDTX (Bộ GD&ĐT) Vũ Thị Tú Anh mong rằng ngành GDTX Hà Nội tiếp tục phát huy thành quả đạt được trong năm học tới. Về Quy chế xét tốt nghiệp, định dạng đề thi tốt nghiệp năm 2025, Bộ GD&ĐT sẽ sớm ban hành; vấn đề định biên vị trí chức danh nghề nghiệp khối GDTX, Vụ GDTX đang phối hợp Cục Nhà giáo xem xét và đưa vào chương trình công tác năm 2025. Với việc liên kết dạy văn hoá, các đơn vị GDTX cần nghiên cứu rà soát thoả đáng và tham mưu kịp thời để Vụ có cách đánh giá căn cơ, bài bản trong năm học mới, bảo đảm chất lượng GDTX.
Kết luận hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương chia sẻ với ngành học GDTX và cho biết, tới đây sẽ tham mưu, kiến nghị UBND TP xem xét, điều chỉnh và hoàn thiện về quy hoạch, quản lý đối với hệ thống GDTX.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý ngành học GDTX quan tâm, rà soát điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để đảm bảo an ninh, an toàn cho học viên trước thềm năm học mới 2024 - 2025; đồng thời cho biết sẽ tiếp tục quan tâm tập huấn, phát triển đội ngũ giáo viên, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, sớm đưa Luật Thủ đô sửa đổi đi vào cuộc sống…