Giáo dục trung học và 8 nhiệm vụ năm học 2021- 2022

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên thứ 2- Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục trung học do Bộ GD&ĐT tổ chức, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã nhấn mạnh 8 nhiệm vụ mà giáo dục trung học cần quan tâm trong năm học mới.

 Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, nhiệm vụ đầu tiên là xác định rõ 3 mục tiêu của năm học 2021- 2022 gồm an toàn về dịch, hoàn thành chương trình và bảo đảm chất lượng. Muốn vậy, ngành Giáo dục cần có kịch bản cụ thể để triển khai năm học trong điều kiện dịch bệnh; đồng thời, tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt.
Thứ 2 là quan tâm xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường (cả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và Chương trình giáo dục phổ thông 2006).
Thứ 3, tập trung triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 6 tốt nhất; đồng thời chuẩn bị tốt điều kiện để triển khai chương trình mới với lớp 10 trong năm học tiếp theo. Giáo viên được phân công dạy lớp 6 phải là lực lượng tốt nhất, được tập huấn, bồi dưỡng kỹ càng. Việc phân công, kế hoạch dạy học phải phù hợp và bảo đảm tính khoa học, sư phạm… Cần có danh sách dự kiến các giáo viên được phân công dạy lớp 10 theo chương trình mới trong tháng 10 năm nay.
Thứ 4, kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến, chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng tổ chức dạy học trực tuyến và dạy học qua truyền hình có chất lượng; có giải pháp hỗ trợ với những học sinh không có điều kiện học trực tuyến; tiếp tục thực hiện các video bài giảng để phát trên truyền hình.
 Quan tâm chương trình Giáo dục phổ thông mới với lớp 6 là nhiệm vụ quan trọng của giáo dục trung học trong năm học mới
Thứ 5, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh; quan tâm đặc biệt đến việc tạo động lực cho đội ngũ giáo viên; cần chính sách hỗ trợ, quan tâm kịp thời đến đội ngũ, quy định đánh giá mới có nội dung đánh giá bằng nhận xét; lư ý không gây quá tải, áp lực cho giáo viên.
Thứ 6, thực hiện xã hội hóa giáo dục nhưng khi huy động nguồn lực xã hội hóa phải rõ mục đích chi; biến nguồn lực đó thành chất lượng giáo dục và phải công khai, minh bạch.
Thứ 7, thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, làm tốt công tác tự đánh giá và đánh giá ngoài; phải xây dựng được văn hóa chất lượng trong mỗi nhà trường.
Thứ 8 là đổi mới trong quản lý bởi quản lý tốt là động lực tốt cho giáo dục phát triển; ngược lại, quản lý kém sẽ là lực cản cho đổi mới. Đổi mới công tác quản lý thích ứng với tình hình mới, chuyển từ quản lý theo mệnh lệnh sang quản lý theo công tác, tạo điều kiện cho đội ngũ sáng tạo.
Dù gặp nhiều khó khăn do bối cảnh dịch bệnh Covid- 19 nhưng với những kinh nghiệm và kết quả đạt được từ năm học 2020-2021, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ tin tưởng ngành Giáo dục nói chung và giáo dục trung học nói riêng sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ năm học mới 2021-2022.
Tại phiên làm việc chiều 12/8, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ: “Chúng ta cần xác định rõ ràng khó khăn thử thách để có nhận thức, tư tưởng, tầm nhìn và kế hoạch phù hợp. Đồng thời, vượt qua khó khăn để đạt được mục tiêu an toàn, chất lượng, hoàn thành nhiệm vụ trước Nhà nước và nhân dân”. Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều hoạt động nhằm ứng phó và thích nghi với tình hình dịch bệnh; trong đó có ban hành chính sách, hướng dẫn, quy định để chuẩn bị và triển khai năm học mới.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần