Giáo dục, y tế ghi điểm nhờ chuyển đổi số

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi lĩnh vực, ngành nghề xã hội trong đó giáo dục, y tế cũng không là ngoại lệ.

Nhưng trong khó khăn thách thức lại mở ra những cơ hội mới và năm qua lĩnh vực giáo dục, y tế Việt Nam đã ghi nhận những thành tích nhất định nhờ chuyển đổi số.
Mạnh dạn chuyển đổi số
Hiện tại, Việt Nam đang tiến hành triển khai Chuyển đổi số dưới 3 hình thức chính sau đây: Ứng dụng công nghệ trong phương pháp giảng dạy: Lớp học thông minh, lập trình… vào việc giảng dạy; Ứng dụng công nghệ trong quản lý: Công cụ vận hành, quản lý; Ứng dụng công nghệ trong lớp học: Công cụ giảng dạy, cơ sở vật chất.

Học sinh trường THCS Ngô Quyền, quận Hai Bà Trưng học trực tuyến tại nhà. Ảnh: Thanh Hải
Học sinh trường THCS Ngô Quyền, quận Hai Bà Trưng học trực tuyến tại nhà. Ảnh: Thanh Hải

Nếu như trước đây, chuyển đổi số trong phương pháp giảng dạy được đề cập nhiều nhất trong việc dạy học ngoại ngữ, học từ xa thì giờ đây, khi đại dịch xuất hiện xu hướng công nghệ số không gian giảng dạy, học tập đã được nhân rộng bằng các thiết bị thông minh như: đầu ghi hình, bàn học thông minh, bảng điện tử thông minh, thiết bị họp trực tuyến… Dù vẫn gặp một số khó khăn so với cách học truyền thống nhưng công nghệ số đã mở ra không gian học tập thoải mái qua mạng Internet. Giờ đây, người học có thể học mọi lúc, mọi nơi, tiếp thu kiến thức dễ dàng, thuận tiện hơn. Chính điều này, đã mở ra cho Việt Nam một nền giáo dục mở hoàn toàn mới.
Gần đây, Hà Nội và các TP lớn đều ứng dụng công nghệ trong quản lý giáo dục để lập thời khóa biểu, sổ liên lạc điện tử. Những cơ sở giáo dục tư nhân ngày càng áp dụng nhiều các phần mềm để quản lý, dần dần được số hóa bằng những phần mềm quản lý tài sản, phần mềm quản lý trường học chuyên biệt… Một số trường học tư nhân lớn có sử dụng phần mềm để làm việc như: Phần mềm kế toán, phần mềm quản lý nhân sự để tính lương.
Các cơ sở giáo dục công lập cũng dần có sự chuyển biến theo hướng tích cực. Chuyển đổi số giúp học sinh, học viên dễ dàng, thuận lợi hơn trong tra cứu thông tin khi đến thư viện, hay giáo viên, nhà trường có thể quản lý được bảng điểm học sinh, thời khóa biểu, hay các thông tin khác.
Công cụ chống dịch
Dường như những thành tựu chuyển đổi số 2021 của Việt Nam đều liên quan chủ yếu đến lĩnh vực phòng, chống dịch. Bởi giải pháp công nghệ là một trong ba mũi tấn công mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra là: Xét nghiệm chủ động, công nghệ bắt buộc và vaccine quyết định.
Đến làn sóng dịch thứ 4 Việt Nam chúng ta đã có đủ bộ giải pháp công nghệ phòng, chống Covid-19 từ khâu nhập cảnh, xét nghiệm, truy vết, cách ly đến tiêm vaccine. Tiêm vaccine thì đã hình thành có hộ chiếu vaccine điện tử để người dân có thể tự do đi lại. Và gần đây chúng ta đã có là giải pháp đo nồng độ CO2, dòng chảy không khí để giám sát sự thông thoáng trong nhà. Các nghiên cứu gần đây cho thấy sự kết hợp khẩu trang và thông thoáng trong phòng kín sẽ làm giảm một cách rất đáng kể sự lây lan dịch bệnh, hiệu quả của sự kết hợp này là cấp số nhân.
Thực ra, ban đầu không phải chúng ta không có sự lúng túng nhất định khi các ngành, địa phương đều có những app chống Covid dùng riêng, không liên thông dữ liệu. Ngày 29/5, Bộ TT&TT thành lập Trung tâm công nghệ phòng, chống Covid-19, thống nhất một đầu mối toàn quốc về công nghệ, vừa phát triển giải pháp vừa vận hành khai thác các hệ thống CNTT phòng, chống Covid-19 đặt tại Cục Tin học hóa. Các ứng dụng CNTT đã kết nối tập trung, đã liên thông dữ liệu. Đây là bước phát triển quan trọng trong ứng dụng công nghệ và dữ liệu.
Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định giao cho Bộ Y tế và Bộ TT&TT quyết định một số công nghệ trong quá trình chuyển đổi số áp dụng bắt buộc phục vụ công tác phòng, chống Covid-19. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc chủ động phòng, chống hiệu quả vì đây là tiền đề cho việc áp dụng chuyển đổi số sử dụng lâu dài cho các đại dịch truyền nhiễm khác có thể xảy ra trong tương lai. Thông điệp phòng, chống dịch “5K + vaccine” giờ đây đã trở thành thông điệp “5K, vaccine và công nghệ” ghi nhận sự nỗ lực của ngành y tế trong công cuộc chống dịch Covid-19.
Đánh giá về 4 khía cạnh chuyển đổi số trong việc ứng dụng CNTT phòng, chống Covid: Số lượng người dùng; xử lý dữ liệu phải tập trung và liên thông; dễ dùng và dùng chung; bảo mật sẽ có nhiều ý kiến khác nhau đánh giá về kết quả ứng dụng. Nhưng theo ông Phạm Thành Trí - Chủ tịch HĐQL Viện Sáng tạo Chuyển đổi số: “ Nhờ các giải pháp công nghệ, Việt Nam có thể sớm phát hiện người nhiễm dịch bệnh thông qua xét nghiệm chủ động, xét nghiệm sàng lọc; Truy vết nhanh hơn thông qua công nghệ, thay vì tuần thì chúng ta chỉ cần vài giờ; Phát hiện chính xác những người tiếp xúc gần bằng công nghệ, có thể giảm số F1 phải cách ly xuống hàng chục lần”.
Hà Nội hiện đang có nhiều ca nhiễm, lây lan nhanh. Lãnh đạo Hà Nội đã tiếp cận theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là chủ động hơn, Chuyển đổi số để kiểm soát tốt hơn và căn cơ hơn công tác phòng, chống dịch. Từ phương châm “Zero Covid”, cứ có virus là đóng cửa, đến tư duy sống chung “thích ứng, an toàn” là bước đột phá về tư duy để phù hợp với tình hình thực tiễn mà chuyển đổi số chính là công cụ quan trọng.

 

Các DN giáo dục trực tuyến và các cơ sở giáo dục Việt Nam hiện đang áp dụng những ứng dụng chuyện đổi số giáo dục trong phương pháp dạy học:

v Khóa học trực tuyến E - learning;
v Phương pháp học tập thông qua các dự án;
v Phương pháp học bằng ứng dụng thực tế ảo;
v Các lớp học về Lập trình, STEM, STEAM, Tiếng Anh công nghệ.