Giao lưu trực tuyến: “Bệnh nhân suy tạng và ghép tạng ứng phó với virus Covid-19”

Kinh Tế Đô Thị
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 16/11, tại Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Trung tâm Điều phố tạng quốc gia, Bộ Y tế tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Bệnh nhân suy tạng và ghép tạng ứng phó với virus Covid-19”.

Phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế&Đô thị Lại Bá Hà cho biết: Nhiễm Covid-19 là những thách thức với tất cả mọi người nhưng đối với bệnh nhân suy tạng và ghép tạng trở thành vấn đề đáng lo ngại hơn những người bình thường khác.
 Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế&Đô thị Lại Bá Hà phát biểu tại buổi tọa đàm.
Bệnh nhân suy tạng đặc biệt dễ bị nhiễm trùng và có thể các thay đổi nhiều hơn trong biểu hiện các triệu chứng lâm sàng và tình trạng nhiễm trùng. Hơn nữa, không giống như những người khác bị nhiễm Covid-19, khi mắc Covid-19 các bệnh nhân vẫn cần điều trị bệnh ở giai đoạn rất đặc biệt.

Do sức đề kháng kém, khả năng miễn dịch yếu, nhiều bệnh nhân kèm các bệnh lý nền khác như đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, phổi mạn tính, viêm gan, xơ gan... nên dễ mắc các bệnh truyền nhiễm và khi nhiễm bệnh rất dễ xảy ra biến chứng nặng.

Để có những tư vấn tốt hơn cho những bệnh nhân suy tạng và ghép tạng ứng phó với virus SARS-CoV-2, Báo Kinh tế&Đô thị phối hợp với Trung tâm Điều phố tạng quốc gia, Bộ Y tế tổ chức tọa trực tuyến với chủ đề: “Bệnh nhân suy tạng và ghép tạng ứng phó với virus Covid-19”.

Tham dự buổi Tọa đàm có 2 chuyên gia y tế gồm:

PGS.TS Đồng Văn Hệ – Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia – Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước – Giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
 Các khách mời tham gia giao lưu trực tuyến chụp ảnh kỷ niệm.

KHÁCH MỜI THAM DỰ
  • Giao lưu trực tuyến: “Bệnh nhân suy tạng và ghép tạng ứng phó với virus Covid-19” - Ảnh 3

    Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia – Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức

    PGS.TS Đồng Văn Hệ

  • Giao lưu trực tuyến: “Bệnh nhân suy tạng và ghép tạng ứng phó với virus Covid-19” - Ảnh 4

    Giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

    PGS.TS Nguyễn Hữu Ước

Nội dung giao lưu trực tuyến
Bạn đọc Mạch Thị Nhài (Quận Tây Hồ) hỏi:
Thưa GS Đồng Văn Hệ, được biết vừa qua ông cũng đã có một thời gian dài “trực chiến” tại bệnh viện dã chiến trong TP HCM, mong ông chia sẻ về những ngày tháng đó, đặc biệt là những điều liên quan đến các bệnh nhân mắc các bệnh về nội tạng.
Giao lưu trực tuyến: “Bệnh nhân suy tạng và ghép tạng ứng phó với virus Covid-19” - Ảnh 5
PGS.TS Đồng Văn Hệ trả lời:
BV Việt Đức cũng như 4 BV được Bộ Y tế giao thực hiện xây dựng Trung tâm ICU để điều trị bệnh nhân Covid-19 trong TP Hồ Chí Minh.  Bộ Y tế đã huy động rất nhiều BV ở miền Bắc, với hơn 20.000 nhân viên y tế vào hỗ trợ rất nhiều tỉnh thành trong miền Nam. Tuy nhiên, 4 trung tâm chúng tôi thực hiện 1 BV độc lập. Khi tôi vào, BV Việt Đức xây dựng 1
trung tâm riêng trên một mảnh đất, chính xác là trên một đầm lầy, vùng trũng. Xây lên những tòa nhà đầu tiên, chứ không phải có 1 bệnh viện sẵn sàng rồi và chúng tôi chỉ vào trợ giúp cùng với BV tại chỗ để mà điều trị hay thu dung những bệnh nhân Covid-19 (như tại BV Việt Đức, Bạch Mai, BV Trung ương Huế).
Khi tôi vào ngày 2/8,  người ta đang xây, chưa có đường, tất cả là sỏi, bùn đất. May mắn được sự trợ giúp rất lớn của Bộ Y tế cũng như Nhân dân TP Hồ Chí Minh, tôi vào đó 1 tuần thì bắt đầu triển khai xong toàn bộ. Sau đó nhận những bệnh nhân đầu tiên. Kỷ niệm khi vào trong TP Hồ Chí Minh thời gian đó, tôi nghĩ, mỗi người có một kỷ niệm riêng cho mình. Khi tôi và đồng nghiệp vào TP Hồ Chí Minh, lúc đầu, anh em rất lo, chưa hiểu sẽ làm như thế nào. Tôi đi công tác triền miên nhưng có lẽ chuyến đi công tác vào TP Hồ Chí Minh là chuyến công tác đầu tiên mà người thân trong gia đình lo lắng nhất, luôn nhắn tin hỏi thăm tôi tình hình thế nào? Tâm lý ai cũng vậy. Mọi người lo lắm. Vào đến nơi, TP không có người, đường xá không có gì. Vào đến nơi đã chiều tối, ngay sáng hôm sau chúng tôi ra công trường luôn. Khi xây dựng BV đó, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi nơi đây chưa có đường điện, đường nước. Chúng tôi phải xây tất cả các phòng ban, điện nước cũng phải làm. Rất may có nhiều thứ mà anh em trong TP Hồ Chí Minh giúp, họ làm rất tốt.
Tôi nhớ, có một hôm họp online, để chuẩn bị nhận bệnh nhân Covid-19 cho ngày hôm sau. Tôi hỏi, ngày mai nhận bệnh nhân, hiện có khó khăn gì? Có 1 điều dưỡng bảo, 1 bệnh nhân bị hôn mê thì phải có bỉm. Bệnh nhân hôn mê, một ngày có thể cần tới 2-3 chiếc bỉm. Ở ngoài Bắc, bỉm là do người nhà mua, bảo hiểm không chi trả. Trong khi bệnh nhân Covid-19 không có người nhà, lấy bỉm ở đâu. Tôi lên 1 nhóm mà đã quen từ trước, là các nhà tài trợ, nhà hảo tâm, tâm sự, chia sẻ những khó khăn nơi đây, tôi đang cần bỉm thì phải làm thế nào?. Thế rồi, chỉ trong vòng 2 tiếng, họ trả lời, bảo ngày mai sẽ có 200 thùng bỉm. Điều đó, cho thấy, sự tương trợ lẫn nhau, sự góp sức của cộng đồng, DN, nhà hảo tâm rất quan trọng. Đó là những kỷ niệm với vai trò là người quản lý, vì tôi không trực tiếp điều trị bệnh nhân hàng ngày.
Tất cả mọi thứ từ dầu gội đầu, bánh mì, suất ăn, dép quần áo, ga trải giường đến những đồ dùng cá nhân cho người hôn mê chúng tôi đều kêu gọi sự giúp đỡ từ các nhà tài trợ. Đó là sự giúp đỡ, hỗ trợ rất đáng ghi nhận.
Thứ 2, thực lòng, bây giờ nếu như không may một tỉnh, TP nào mà có nhiều ca mắc Covid-19 như TP Hồ Chí Minh thì thử hỏi, sẽ có bao nhiêu xe cứu thương đủ chở bệnh nhân. Chúng ta không có đủ xe cứu thương để chở cùng một lúc nhiều bệnh nhân như vậy. Ngành y tế rất khó khăn. Đó là điều chúng tôi trăn trở. Và chúng tôi vẫn phải xin xe từ các nhà tài trợ.
Bạn đọc Nguyễn Thị Thành (thanhnguyn09118@gmail.com) hỏi:
Dịch bệnh Covid-19 hoành hành đã ảnh hưởng tới hoạt động của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia như thế nào? Ông có thể cho biết những thành tựu và khó khăn thách thức của việc thực hiện ghép tạng giữa đại dịch Covid-19?
Giao lưu trực tuyến: “Bệnh nhân suy tạng và ghép tạng ứng phó với virus Covid-19” - Ảnh 6
PGS.TS Đồng Văn Hệ trả lời:
Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia thành lập năm 2013, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ghép tạng là năm 1992, đến thời điểm thành lập trung tâm là 21 năm, trong 21 năm đó nước ta mới ghép được chưa tới 1000 ca, nhiệm vụ chính của chúng tôi là tăng nguồn hiến tạng và điều phối các trung tâm, tránh thất thoát nguồn tạng hiến. Ví dụ một người chết não có thể hiến tới 7-8 cơ quan nội tạng, hiến được rất nhiều loại mô cho những người khác, một người chết não có thể cứu sống 7-8 người và có thể giúp được cho khoảng 50 người khác như xa, gân, xương…, trung tâm được thành lập với vai trò là làm sao cho tất cả mọi cộng đồng dân cư từ Nam đến Bắc, từ nông thôn đến thành thị… làm sao để hiểu biết việc hiến mô tạng quan trọng như thế nào.
 PGS.TS Đồng Văn Hệ phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến.
Từ năm 2013 đến nay, chúng ta đã ghép được hơn 5000 trường hợp, tính đến tháng 10/2021, tổng con số chính xác là 6111 ca. Khi mới thành lập trung tâm rất nhỏ, hiện vẫn đang “ở nhờ” bệnh viện Việt Đức, chỉ có hơn 10 người làm việc nhưng lại kết nối với 1500 bệnh viện công và tư trên toàn quốc, trong đó có 1200 bệnh viện công, 300 bệnh viện tư nhân đều nằm trong mạng lưới để kêu gọi phối hợp về ghép tạng. Chúng ta chỉ có 20 cơ sở ghép tạng trên toàn quốc, còn 1500 viện khác không thực hiện ghép tạng nhưng họ lại đóng vai trò quan trọng. Bởi vì họ có những bệnh nhân hiến tạng và nhận tạng tiềm năng như  bệnh nhân suy tim, suy phổi, suy gan... Và các bệnh viện đó biết được là những bệnh viện khác ghép được bộ phận nào cho bệnh nhân hoặc có bao nhiêu bệnh nhân có khả năng phải nhận tim, phổi, gan trong thời gian tới hoặc trong viện có những bệnh viện có BN chết não chết tim tiềm năng có thể hiến tạng. Sau khi các bệnh viện này thông báo, chúng tôi biết được rằng có những trường hợp như vậy thì chúng tôi triển khai các biện pháp để khi nào bệnh nhân đúng là chết não, đúng là chết tim thì chúng tôi động viên, khuyến khích gia đình đó hiến tạng của bệnh nhân, nếu họ đồng ý hiến thì chúng tôi sẽ chuyển đến 20 trung tâm đang thực hiện ghép tạng. Sự hài hòa điều phối 1500 bệnh viện đó thì có vai trò rất lớn của trung tâm. 
Chúng tôi cũng sẽ kết nối với cả những đơn vị cơ quan phường xã tại những nơi có thể giúp người dân đăng ký hiến. Trung tâm đã thực hiện và thu lại được 100.000 đơn đăng ký hiến tạng.
Tại nước ta, việc thực hiện đăng ký hiến tạng rất ít mà sự ủng hộ của mọi người còn rất hạn chế, mong ước của chúng tôi là nhiều người có thể tham gia hiến tạng để có thể giúp đỡ được những người khác. Trong khi đó, ở nước ngoài, những người đồng ý hiến tạng thì không cần đơn, chỉ những người không đồng ý mới có đơn.
Bạn đọc Nguyễn Đường An (Huyện Đan Phượng) hỏi:
Xin cho biết thông tin về Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức?

Giao lưu trực tuyến: “Bệnh nhân suy tạng và ghép tạng ứng phó với virus Covid-19” - Ảnh 8
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước trả lời:
Trung tâm Tim mạch và lồng ngực tiền thân là khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực của bệnh viện. Là đơn vị có lịch sử lâu đời hơn 60 năm trong các đơn vị phẫu thuật lồng ngực ở Việt Nam. Được công tác tại đơn vị vừa là niềm tự hào cũng là áp lực với vị thế là vai trò đầu đàn trong ngành. Trung tâm Tim mạch và lồng ngực có những bước phát triển chung trong sự phát triển của Bệnh viện Việt Đức. Trong chiến tranh, Bệnh viện là đơn vị ngoại khoa lớn nhất miền Bắc. Sau chiến tranh bệnh viện chuyển dần sang các chuyên ngành khác. Trung tâm trước đây chỉ chuyên phẫu thuật, mổ tim, mổ mạch, mổ phổi, nhưng hiện nay phát triển thêm các chuyên ngành khác phù hợp với xu thế chung thế giới, như: Can thiệp xâm lấn, những phương pháp điều trị bằng thuốc... Chúng tôi xác định đã phát triển là phải làm những vấn đề khó, phức tạp, đây cũng là áp lực lớn. Hiện chúng tôi vẫn duy trì vai trò đầu đàn của cả nước về một số lĩnh vực, trong đó có ghép tạng, đặc biệt ghép tim và phổi.
Trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau, Trung tâm đã đạt được nhiều thành tích và ngày càng phát triển để phục vụ yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, xứng đáng là đơn vị đầu ngành - tuyến cao nhất của Hệ thống y tế miền Bắc về phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, là cơ sở đào tạo chủ chốt của trường Đại học Y Hà Nội.
Quan điểm của chúng tôi có 2 điểm khác biệt so với các trung tâm khác, một là đã làm là ekip bác sĩ Việt Nam hoàn toàn tự lập làm; thứ 2 là ghép đa tạng, sử dụng tối đa nguồn tạng để ghép cho các bệnh nhân khác.
Bạn đọc Nguyễn Hoàng Phan (Canada) hỏi:

Ở một số nước, muốn hiến tạng và ghép tạng phải tiêm vaccine Covid-19. Liệu người chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 ở Việt Nam có được phép hiến tạng và ghép tạng? Xin bác sĩ cho biết thêm một số thông tin về bệnh viện Việt Đức.

Giao lưu trực tuyến: “Bệnh nhân suy tạng và ghép tạng ứng phó với virus Covid-19” - Ảnh 9
PGS.TS Đồng Văn Hệ trả lời:
Về vấn đề nếu chưa tiêm vaccine không được ghép, hoặc không được điều trị thì hiện tại Việt Nam không có 1 sự phân biệt đối xử với người chưa tiêm và đã được tiêm vaccine.
Bệnh viện Việt Đức đã trải qua nhiều thời kỳ phát triển. Trong đó, thời kỳ đầu tiên, những thầy thuốc người Pháp làm quản lý và bác sĩ, sau đó thì người Việt, trong đó nổi tiếng nhất là bác sĩ Y-Éc-Xanh – nhà y học nổi tiếng từng làm Giám đốc bệnh viện Việt Đức. Hiện nay bệnh viện có quy mô 1700 giường bệnh, số lượng bệnh nhân khoảng 2000 nghìn, chúng tôi có tất cả các khoa, phòng từ nhi khoa, tim mạch, xương khớp, chấn thương, bệnh điều trị suy thận, suy tim, ung thư ghép phổi, ghép tim, mổ não, tiêu hóa, tiết niệu…Trước đây, bệnh viện chúng tôi chủ yếu điều trị về ngoại khoa và hiện nay có 30% điều trị các bệnh về nội khoa và Việt Đức trở thành bệnh viện đa khoa. Chúng tôi có những thành tựu về mổ tim, nhất là mổ, ghép gan, trong đó chúng tôi có phương pháp cắt gan của bác sĩ Tôn Thất Tùng nổi tiếng toàn thế giới. Trung bình 1 ngày bệnh viện thực hiện từ 150-180 ca mổ/ngày, có 60 bàn mổ , những người chuyên phục vụ cho các phòng mổ là gần 500 người. Cường độ công việc rất cao nhưng đã trở thành đam mê và thói quen của các bác sĩ.
Bạn đọc Nguyễn Thị Thanh Hương (thanhhuongoxford@gmail.com) hỏi:
Có thông tin ghép thận lợn cho người thành công ở nước ngoài, xin ông cho biết, thông tin này có chuẩn xác hay không. Và nếu việc ghép tạng, cụ thể là thận lợn cho người thành công, thì Việt Nam sắp tới có nghiên cứu và áp dụng phương pháp này hay không?
Giao lưu trực tuyến: “Bệnh nhân suy tạng và ghép tạng ứng phó với virus Covid-19” - Ảnh 10
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước trả lời:
Đây là xu hướng chung của thế giới, khi nguồn tạng còn khá hiếm hoi. Kể cả ở Mỹ, mặc dù có nhiều người hiến tạng nhưng tỷ lệ người nhận vẫn cao hơn. Y học hiện đang tìm nguồn tạng thay thế. Có 2 hướng, một là theo hướng nhân tạo, chế ra những sản phẩm bằng máy móc, như tim nhân tạo, máy hỗ trợ tim để kéo dài sự sống của người bệnh. Hướng thứ 2 là nguồn sinh học, tìm những tạng của động vật có cấu trúc gần với con người để biến đổi cấu trúc gen, biến đổi tính chất sinh học nhằm thay thế.
Ghép thận là một trong những loại phổ biến nhất trong ghép tạng nên người ta thử nghiệm trước. Những năm gần đây người ta đã thử nghiệm phẫu thuật ghép thận của người đã chết tim cho người nhận tạng, ở Việt Nam cũng đã làm.
Với Việt Nam, để làm như thế giới thì rất khó vì y học cơ bản của chúng ta còn thua thế giới, nhưng y học ứng dụng tương đối tốt. Nên khi thế giới đã áp dụng thành công, có quy trình, quy định thì hoàn toàn có thể áp dụng tại Việt Nam.

Bạn đọc Võ Thức (Quận Tây Hồ) hỏi:

Nguồn tạng ghép từ người chết não nói riêng và từ Đông Nam Á nói chung rất ít, vậy ông có thể cho biết những người dân có thể tiếp cận với thông tin khi họ có mong muốn đăng ký hiến tạng?

Giao lưu trực tuyến: “Bệnh nhân suy tạng và ghép tạng ứng phó với virus Covid-19” - Ảnh 11
PGS.TS Đồng Văn Hệ trả lời:
Người dân có thể liên hệ với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia qua số điện thoại đường dây nóng 24/24 là 0915060550, tổng đài 1900633408 và trang web http://vnhot.vn/ để có thể đăng ký hiến tạng rất nhanh, gọn.
Hiện tại, Việt Nam mới ghép được 6111 trường hợp nhưng chỉ có 371 trường hợp được ghép từ người chết não và chết tim, tức là chỉ đạt 6,07%. 
Trong khi ở Mỹ, so sánh riêng năm 2020 có tới 85% tạng được ghép cho người mỹ là lấy từ người chết não, chết tim, còn năm 2020 tại Việt Nam con số tạng lấy từ người chết não, chết tim chỉ có 5,9%, tỉ lệ này quá thấp dù việc lấy tạng từ người chết não, chết tim rất tốt cho người nhận mà lại không ảnh hưởng gì đến người hiến tạng. Bởi vì lấy tạng từ người sống thì người đang sống lại có nguy cơ nhỏ về sức khỏe.  
Trong số 371 ca, chúng tôi đã ghép tạng cho 261 trường hợp lấy từ người chết não, chết tim tại Bệnh viện Việt Đức. Thành công của Bệnh viện Việt Đức cũng động viên, lan tỏa cho anh em ở trung tâm nỗ lực làm việc nhưng chúng tôi cũng thấy rằng người ta sống được từ quả tim của người hiến là chết não, chết tim. Riêng bác sĩ Ước đã ghép tới 42 quả tim cho các bệnh nhân.
Bạn đọc Lương Thị Minh (Quận Hoàn Kiếm) hỏi:
Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến nội tạng của người bệnh, đối với các ca nhiễm tại Việt Nam ông thấy tác động của virus đối với nội tạng của bệnh nhân ra sao? Lời khuyên của bác sĩ với những bệnh nhân ghép tạng trong giai đoạn dịch bệnh đang diễn biến phức tạp hiện nay.
Giao lưu trực tuyến: “Bệnh nhân suy tạng và ghép tạng ứng phó với virus Covid-19” - Ảnh 12
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước trả lời:
Với người có bệnh nền và các bệnh mạn tính (tim mạch, béo bệu, tiểu đường...), khi mắc Covid-19 nguy cơ biến chứng, tử vong cao hơn rất nhiều. Lời khuyên cho những trường hợp này là phải thực hiện hết sức nghiêm túc, tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Những người ghép tạng khi mắc virus sẽ rất nguy hiểm. Bởi cơ thể người ghép tạng đang sử dụng các thuốc cưỡng chế miễn dịch, khả năng đề kháng yếu. Do vậy phải thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Rất may mắn, qua chúng tôi theo dõi trong thời gian qua, chưa có bệnh nhân ghép tạng nào xảy ra các biến cố liên quan đến Covid-19.
Bạn đọc Trần Thị Mùi (Quận Ba Đình) hỏi:
Ca bệnh nhiễm Covid-19 số 91 tại Việt Nam đã có thời điểm tính đến khả năng ghép phổi, nhưng sau đó hồi phục thần kỳ. Vậy khi nào phải ghép phổi?
Giao lưu trực tuyến: “Bệnh nhân suy tạng và ghép tạng ứng phó với virus Covid-19” - Ảnh 13
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước trả lời:
Ca bệnh Covid-19 số 91 là phi công người Anh. Đây là thành công của hệ thống y tế Việt Nam. Lúc đó chúng tôi được giao là trưởng nhóm kỹ thuật để thực hiện ca ghép đó. Tuy nhiên, khi tôi vào bệnh viện gặp bệnh nhân thì tình trạng rất nặng, chưa thể ghép được. Sau đó bệnh nhân được điều trị tích cực và hồi phục dần dần, phổi sau đó cũng không cần phải ghép nữa. 
Bạn đọc Vũ Bích Thủy (Quận Hà Đông) hỏi:
Xin bác sĩ cho biết về thành công của những ca ghép phổi ở Việt Nam?
Giao lưu trực tuyến: “Bệnh nhân suy tạng và ghép tạng ứng phó với virus Covid-19” - Ảnh 14
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước trả lời:
Nơi ghép phổi đầu tiên ở Việt Nam là Bệnh viện 103, sau đó là 108. Việt Đức là nơi thứ 3 ghép phổi thành công, chỉ sau 2 đơn vị trên 1 vài tháng. Cái khác là kíp mổ của Việt Đức độc lập hoàn toàn, không có yếu tố nước ngoài, người ghép sống tốt và ghép đa tạng (cùng lúc ghép 6 tạng mà vẫn ghép phổi thành công). Cho đến hiện tại, Việt Nam có 9 ca ghép phổi, trong đó 5 ca tại Việt Đức. Trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, người hiến tạng giảm rất sâu nên vấn đề ghép phổi cũng đang rất khó khăn cho ngành y để có thể thực hiện tiếp.
Bạn đọc Đậu Như Hoa (Quận Đống Đa) hỏi:
Tại sao ghép phổi khó hơn ghép các loại tạng khác?
Giao lưu trực tuyến: “Bệnh nhân suy tạng và ghép tạng ứng phó với virus Covid-19” - Ảnh 15
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước trả lời:
Về kỹ thuật, ghép phổi không khó hơn nhưng thời gian lâu hơn ghép các loại tạng khác. Trong đó khâu tổ chức là lâu nhất, vì phổi là tạng nhiễm khuẩn cho nên nguy cơ biến chứng, thải ghép rất cao. Do vậy, làm sao để phổi người hiến sạch, ghép cho tốt và chăm sóc phổi người được ghép sau phẫu thuật là cả quá trình rất phức tạp. Cho nên thành công của ghép phổi không cao như ghép thận, ghép tim.
Bạn đọc nguyenlinhthi (minhlinh09@yahoo.com.vn) hỏi:
Xin hỏi tôi mổ ghép xong thì bao lâu được tiêm vaccine Covid-19?
Giao lưu trực tuyến: “Bệnh nhân suy tạng và ghép tạng ứng phó với virus Covid-19” - Ảnh 16
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước trả lời:
Sau khi ghép tạng hay mổ thì cơ thể đều rất yếu. Cho nên việc đưa cấu thành của virus trong vaccine vào không nên thực hiện luôn. Do vậy không nhất thiết phải tiêm vaccine ngay, có thể sau khi ghép vài ba tháng khi cơ thể phục hồi thì hãy tiêm, không có gì phải vội.
Bạn đọc Ngô Bách H. (Quận Hai Bà Trưng) hỏi:
Hiện tại vợ tôi vẫn điều trị tiểu đường  và huyết áp trong 10 năm nay, vậy vợ tôi có thể tiêm vaccine phòng Covid-19? Sau khi tiêm xong có phải chú ý điều gì chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt để đảm bảo vẫn tiếp tục điều trị, không có biến chứng?
Giao lưu trực tuyến: “Bệnh nhân suy tạng và ghép tạng ứng phó với virus Covid-19” - Ảnh 17
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước trả lời:
Tôi khẳng định là không có chống chỉ định với tất cả bệnh nhân thường. Bệnh nào cũng tiêm được và chỉ lưu ý với một số nhóm bệnh nhất định sẽ tư vấn thêm. Ví dụ khi bệnh nhân dùng thuốc chống đông rất sợ chảy máu thì khi tiêm sẽ phải giữ bông gạc lâu hơn để cầm máu...
Bạn đọc Phạm Văn C. (Quận Cầu Giấy) hỏi:
Tôi là bệnh nhân ghép thận, có được tiêm vaccine phòng Covid-19 không? Nếu được thì tiêm loại vaccine nào, và phản ứng của các loại vaccine đối với người sau ghép tạng ra sao?
Giao lưu trực tuyến: “Bệnh nhân suy tạng và ghép tạng ứng phó với virus Covid-19” - Ảnh 18
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước trả lời:
 PGS.TS Nguyễn Hữu Ước trả lời câu hỏi của độc giả.
Không có nhóm bệnh nào chống chỉ định tiêm vaccine Covid-19. Tất cả loại bệnh đều có thể tiêm vaccine phòng Covid-19. Tuy nhiên, có một số trường hợp có bệnh lý về dị ứng, về máu... rất hiếm trường hợp thôi, thì phải hội chẩn để tính toán kỹ. Còn về vấn đề tiêm loại nào thì chúng ta phải tham khảo các chuyên gia bên vaccine tư vấn. Còn theo tôi được biết, những loại vaccine thế hệ mới bây giờ phản ứng phụ đã nhẹ đi nhiều.
Bạn đọc Trương Quỳnh Anh (quynhanhtruong12@gmail.com) hỏi:
Trong vòng 6 năm nay tôi vẫn đang chạy thận nhân tạo, vậy tôi có thể tiêm được vaccine phòng Covid-19? Tôi phải làm gì để hạn chế nguy cơ bị mắc và chung sống an toàn với Covid-19?
Giao lưu trực tuyến: “Bệnh nhân suy tạng và ghép tạng ứng phó với virus Covid-19” - Ảnh 20
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước trả lời:
Cho đến hiện tại, không có nhóm bệnh nào chống chỉ định tiêm vaccine Covid-19. Vaccine phòng chống Covid-19 có thể tiêm cho tất cả đối tượng. Người chưa có bệnh, người có bệnh nền, người từng phẫu thuật... đều không có chống chỉ định tiêm vaccine. Tiêm vaccine rất cần thiết để phòng chống Covid-19.
Người bệnh phải hết sức tuân thủ các biện pháp phòng chống của ngành y tế. Bởi họ có đến các môi trường bệnh viện, có tiếp xúc với các bệnh nhân khác nên thuộc nhóm nguy cơ cao mắc bệnh. Ngoài ra, với những người chạy thận, như ở Hà Nội, họ ở nhiều tỉnh thành khác, đa số phải thuê trọ, ở trong những điều kiện tương đối hạn chế, vệ sinh kém, nên nguy cơ lây lan rất cao khi có một người bị mắc Covid-19. Khi bệnh nhân suy thận rồi mà mắc Covid-19 thì biến chuyển sẽ nặng hơn rất nhiều những người bình thường.
Bạn đọc Trần Mạnh Thường (Quận Hoàn Kiếm) hỏi:

Theo một nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí của Hiệp hội Thận học Mỹ, những người đã được điều trị khỏi sau khi mắc Covid-19 có nguy cơ gặp phải triệu chứng tổn thương thận, mặc dù những tổn thương này có thể không gây đau đớn và không có biểu hiện. Con trai tôi đã được ghép thận cách đây 4 năm, liệu cháu cần phải làm gì để phòng tránh Covid-19, liệu cháu có thể tiêm vaccine để phòng bệnh?

Giao lưu trực tuyến: “Bệnh nhân suy tạng và ghép tạng ứng phó với virus Covid-19” - Ảnh 21
PGS.TS Đồng Văn Hệ trả lời:
Tất cả những người ghép thận và ghép cơ quan khác thì không có tỷ lệ mắc Covid-19 cao hơn những người bình thường, tỷ lệ mắc là như nhau, còn khi mắc rồi thì tổn thương ở vùng nào nhiều thì tôi không dám chắc lắm. Theo tôi biết, khi Covid-19 tấn công cơ thể con người thì cơ quan bị tấn công nặng nhất là phổi chứ không phải cơ quan nội tạng khác.
Bạn đọc Nguyễn Văn Nhẫn (Quận Hoàn Kiếm) hỏi:

Xin hỏi ông, nếu một bệnh nhân nhiễm Covid 19 qua đời muốn hiến tặng mô/ tạng thì có thể tiếp nhận được hay không và chúng ta có thể sẽ ghép những mô tạng đó cho một bệnh nhân nhiễm Covid 19 khác hoặc một bệnh nhân cận kề cái chết?

Giao lưu trực tuyến: “Bệnh nhân suy tạng và ghép tạng ứng phó với virus Covid-19” - Ảnh 22
PGS.TS Đồng Văn Hệ trả lời:
Những bệnh nhân không may mắc các bệnh về virus hoặc bệnh nhân mắc Covid-19, khi người bệnh đã được chữa khỏi, đã ổn định rồi và không còn virus trong người nữa thì họ là người có sức khỏe bình thường và họ hoàn toàn có thể hiến và nhận tạng như người khác. Còn khi chết vì Covid-19, khi nồng độ virus trong người của họ còn cao, dặc biệt cao sau 4-5 ngày người ta chết, thời điểm mà khi còn virus trong cơ thể thì không được hiến tạng cho ai bởi vì đó vẫn là bệnh lây nhiễm. Còn người ta đã từng mắc Covid-19 và khỏi bệnh rồi và khỏe mạnh trở lại thì hoàn toàn có thể hiến tạng cho người khác.
Bạn đọc Nguyễn Mạnh Trường (Quận Đống Đa) hỏi:
Xin hỏi Việt Nam đã từng ghép mô/ tạng cho trường hợp nào đang mang các loại virus chưa? Và chúng ta có thể thực hiện ghép tạng cho các bệnh nhân mắc Covid?
Giao lưu trực tuyến: “Bệnh nhân suy tạng và ghép tạng ứng phó với virus Covid-19” - Ảnh 23
PGS.TS Đồng Văn Hệ trả lời:

Các bệnh nhân mang các bệnh về virus mà đã khỏi bệnh hoặc là đã khống chế được virus thì hoàn toàn có thể thực hiện ghép tạng được. Một số người đang điều trị mà kiểm soát được virus đó thì vẫn có thể ghép tạng và hiến tạng được. Ngay cả những  bệnh nhân bị Covid-19 nhưng điều trị khỏi Covid-19 thì cũng có thể tham gia ghép tạng được. Chúng ta đừng để tâm lý sợ bệnh Covid-19 khiến cho chúng ta chần chừ việc giúp đỡ những bệnh nhân bị các bệnh khác mà đang thực sự nhiều nguy cơ cần phải thực hiện ghép tạng ngay như những bệnh nhân ung thư, suy tạng, suy phổi suy tim. Nếu không được thực hiện ghép tạng luôn và ngay cho các bệnh nhân này thì chúng tôi cũng cảm thấy rất có lỗi với bệnh nhân.