Giao lưu trực tuyến: “Mỗi người tốt – việc tốt là một bông hoa đẹp” - Ảnh 1
Kinhtedothi - Nhân dịp chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024) và thực hiện kế hoạch về tuyên truyền “Gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt” năm 2024, chiều 13/9, Báo Kinh tế & Đô thị sẽ phối hợp với Ban Thi đua Khen thưởng Thành phố Hà Nội tổ chức Tọa đàm, giao lưu trực tuyến “Gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt” Thành phố Hà Nội trên báo điện tử tại địa chỉ http://kinhtedothi.vn với chủ đề “Mỗi người tốt – việc tốt là một bông hoa đẹp”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Tại Hà Nội, thực hiện mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hà Nội, Thủ đô của cả nước, ngày càng có nhiều người tốt, việc tốt” và theo gợi ý của Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng, từ năm 1992 - Hà Nội đã trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước phát động và tổ chức phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”. Hơn 30 năm qua, phong trào ngày càng phát triển về chất, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng và Nhân dân Thủ đô, tạo khí thế thi đua sôi nổi, khơi dậy và phát huy tinh thần trách nhiệm với cộng đồng của các cấp, ngành, người dân; trở thành nét đẹp tiêu biểu, mang bản sắc riêng của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Khánh Huy.
Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Khánh Huy.

Cuộc Tọa đàm, giao lưu trực tuyến hôm nay với mục đích biểu dương những việc làm tốt, người tốt, điển hình tiên tiến của Thành phố Hà Nội trên các lĩnh vực đời sống, đặc biệt là những tấm gương được phát hiện qua Báo Kinh tế & Đô thị.

Đồng thời, qua đó, chia sẻ những câu chuyện, đóng góp của từng cá nhân trên thực tế, bằng những công việc làm nhỏ bé, bình dị thường ngày nhưng thiết thực, thể hiện tinh thần, trách nhiệm, cống hiến vào sự phát triển, an sinh xã hội của thành phố; mang lại hạnh phúc cho mọi người xung quanh, hình thành lối sống đẹp. Từ đó, tạo sức lan tỏa rộng lớn ra xã hội, nhân lên nguồn năng lượng tích cực, thúc đẩy phong trào thi đua trong các lĩnh vực, địa bàn dân cư, để cùng góp sức xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại. 

Tham dự buổi Tọa đàm, có Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức, cán bộ Ban Thi đua Khen thưởng Thành phố Hà Nội, cùng các cán bộ, biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên của Báo Kinh tế & Đô thị tham gia thực hiện buổi tọa đàm.

Đặc biệt, cuộc Tọa đàm, giao lưu trực tuyến hôm nay có sự tham dự của 6 vị khách mời, những bông hoa đẹp trong vườn hoa người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến của thành phố Hà Nội: 

Giao lưu trực tuyến: “Mỗi người tốt – việc tốt là một bông hoa đẹp” - Ảnh 2

Điển hình đạt nhiều thành tích góp phần giữ gìn, phát huy nghệ thuật của làng nghề truyền thống: Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, ngành nghề khảm trai, sơn mài (phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây) - là người khởi xướng lớp học mỹ thuật, điêu khắc sơn mài, trải nghiệm miễn phí nghề truyền thống: tò he, tranh in khắc gỗ, đồng thời có nhiều đóng góp ý tưởng, tổ chức thực hiện các hoạt động “Đêm Làng Cổ” - tour đêm ngoại thành đặc sắc Thủ đô vào tối thứ 7 hàng tuần… Năm 2017, anh Nguyễn Tấn Phát đã được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội, ngành nghề khảm trai, sơn mài.

Giao lưu trực tuyến: “Mỗi người tốt – việc tốt là một bông hoa đẹp” - Ảnh 3

Tấm gương học sinh tiêu biểu dũng cảm cứu người: em Huỳnh Triệu Điền, Học sinh lớp 6 trường Marie Curie đã có hành động dũng cảm cứu một bạn nhỏ bị đuối nước ở biển tại xã Duy Hải, huyện Duyên Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Việc làm của em đã khiến nhiều người khâm phục, cảm động, ghi nhận những hành động, việc làm trên, em đã được Chủ tịch UBND Thành phố tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2024.

Giao lưu trực tuyến: “Mỗi người tốt – việc tốt là một bông hoa đẹp” - Ảnh 4

Điển hình lao động sản xuất kinh doanh, có nhiều sáng kiến sáng tạo đóng góp cho doanh nghiệp và cộng đồng: Công nhân giỏi Thủ đô Công nhân giỏi Thủ đô Trần Văn Thanh, Công ty Cổ phần FOMACH -thợ hàn điện bậc 7/7 của Công ty cổ phần Formach, anh Thanh chuyên đảm nhận các mối hàn đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao và khó cũng như hướng dẫn anh em trong Công ty về kỹ thuật thực hành hàn điện.

Anh Thanh là Đội trưởng Hàn, lắp đặt Thiết bị nâng hạ 30/5 tấn và Monorail 10 tấn Công trình Thủy điện Nậm Công 5 ở Sơn La. Hàn lắp đặt bể lắng nước 3.000 m3 cho Công ty cổ phần thiết bị xử lý nước Setfil F21.

Anh Thanh đã được trao Giấy chứng nhận Đạt giải Ba Hàn Điện của LĐLĐ TP Hà Nội Năm 2021. Tham gia hội thi tay nghề giỏi TP năm 2023. Công nhân giỏi huyện Thanh Trì năm 2023; có thành tích xuất sắc 15 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của BCH TW Đảng về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước.

Giao lưu trực tuyến: “Mỗi người tốt – việc tốt là một bông hoa đẹp” - Ảnh 5

Điển hình giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng: bà Nguyễn Thị Hiếu, Giáo viên trường Tiểu học Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa - một nhà giáo luôn nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người, cô đã có thời gian dài tình nguyện dạy học tại Lai Châu và sau này công tác tại Hà Nội. Cùng với truyền tải kiến thức, cô đã giúp đỡ và kêu gọi mọi người cùng giúp đỡ nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống cũng như việc học, để các em vơi bớt nhọc nhằn. Ghi nhận những hành động, việc làm trên, cô đã được Chủ tịch UBND Thành phố tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.

Giao lưu trực tuyến: “Mỗi người tốt – việc tốt là một bông hoa đẹp” - Ảnh 6

Điển hình hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ tích cực tham gia công tác xã hội, hoạt động vì cộng đồng:  Đào Thị Thạc, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Kim Giang, quận Thanh Xuân -cán bộ hội tiêu biểu trong triển khai, thực hiện các phong trào tại địa phương, hoạt động thiện nguyện, góp phần lan tỏa, phát triển các địa bàn dân cư tại Hà Nội ngày càng sạch đẹp, văn minh; giúp đỡ nhiều người trẻ từng mắc vào tệ nạn xã hội tiến bộ, có việc làm ổn định... Để ghi nhận những cống hiến của bà, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã 2 lần trao tặng bà danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.

Giao lưu trực tuyến: “Mỗi người tốt – việc tốt là một bông hoa đẹp” - Ảnh 7

Điển hình tích cực tham gia các công tác thiện nguyện, hoạt động về cộng đồng: anh Vũ Văn Bình, công dân Tổ dân phố Đông Ba 2, phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm đã thực hiện nhiều chuyến xe miễn phí 0 đồng đưa bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo từ các bệnh viện tại Hà Nội về quê; gây quỹ từ thiện ủng hộ học sinh nghèo… Những việc làm thiết thực của anh Bình đã góp phần lan tỏa tinh thần nhân ái, tương trợ tới những người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Ghi nhận những việc làm ý nghĩa trên, anh đã được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.

Dưới đây là toàn bộ nội dung buổi Tọa đàm, giao lưu trực tuyến: 

Phát biểu khai mạc tọa đàm, thay mặt Ban tổ chức, Phó Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức chào mừng các vị khách mời đã nhận lời đến dự buổi tọa đàm.

Phó Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức phát biểu khai mạc. Ảnh: Khánh Huy
Phó Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức phát biểu khai mạc. Ảnh: Khánh Huy

Phó Tổng biên tập Nguyễn Anh Đức cho biết, thực hiện Kế hoạch của TP Hà Nội về tổ chức các hoạt động chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Ban Thi đua khen thưởng TP tổ chức tọa đàm giao lưu trực tuyến Gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt năm 2024. Đây cũng là dịp để tôn vinh những tấm gương, điển hình tiên tiến - người tốt việc tốt, đồng thời góp phần lan tỏa giá trị nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và cống hiến cho xã hội.

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát tặng báo Kinh tế & Đô thị sản phẩm sơn mài, khảm trai. Ảnh: Khánh Huy
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát tặng báo Kinh tế & Đô thị sản phẩm sơn mài, khảm trai. Ảnh: Khánh Huy

Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế&Đô thị Nguyễn Anh Đức cho biết, chúng ta tự hào và biết ơn những tấm gương sáng về lòng nhân ái, sự hy sinh, và tinh thần cống hiến không mệt mỏi cho cộng đồng. Đó là những nghệ nhân dân gian, công nhân lao động cần cù, sáng tạo; những thầy cô giáo miệt mài gieo mầm tri thức cho thế hệ trẻ; những cán bộ cơ sở tận tụy với công việc; người dân bình dị với những việc làm nhỏ bé nhưng lại lan tỏa sức mạnh lớn lao; chủ doanh nghiệp làm giàu thêm giá trị truyền thống của dân tộc, xây dựng xã hội nhân ái, tốt đẹp hơn.

"Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô không chỉ là dịp để chúng ta tự hào về lịch sử hào hùng của Thủ đô và đất nước mà còn là dịp để vinh danh người tốt, việc tốt, để tiếp tục lan tỏa những giá trị cao đẹp của con người Việt Nam, của người Hà Nội thanh lịch văn minh và tự hào về Thủ đô ngàn năm văn hiến" – ông Nguyễn Anh Đức nói.

Các đại biểu, khách mời tham gia buổi tọa đàm. Ảnh: Huy Khánh
Các đại biểu, khách mời tham gia buổi tọa đàm. Ảnh: Huy Khánh

Thay mặt Ban tổ chức, Phó Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức trân trọng cảm ơn sâu sắc tới các vị khách mời tham dự cuộc tọa đàm - những tấm gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã họi đã và đang ngày đêm cống hiến cho sự phát triển của TP. Mong rằng tinh thần và những đóng góp ấy sẽ tiếp tục được nhân rộng, lan tỏa, để vườn hoa người tốt - việc tốt của Thủ đô ngày càng rực rỡ, góp phần tô thắm thêm hình ảnh Thủ đô Hà Nội – thành phố vì hòa bình, một Thủ đô phát triển, văn minh, hiện đại giàu nhân văn.

Câu hỏi dành cho cô giáo Nguyễn Thị Hiếu: Thưa cô giáo Nguyễn Thị Hiếu, được biết từ năm 2001 đến 2012, cô đã tình nguyện lên dạy học ở tỉnh Lai Châu (năm 2001), tỉnh Điện Biên (năm 2002 - 2012). Động lực nào thôi thúc một cô giáo trẻ ở thời điểm đó lên với học sinh vùng cao, và trong quá trình dạy học tại đây, đâu là những kỷ niệm cô luôn nhớ mãi?

Cô giáo Nguyễn Thị Hiếu: Thời điểm đi học, tôi muốn sau này làm nhà giáo để cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Xem trên ti vi thấy trẻ em vùng cao gặp rất nhiều khó khăn nhưng không ngờ khi tôi thực tế lên đó dạy học mới thấy sự khó khăn ngoài sự hình dung của mình. Mùa Đông, trẻ em theo mẹ xuống chợ đều đi chân đất, chỉ có quần hoặc áo trên người, tôi rất xúc động. Sau đó tôi đã xung phong đề xuất được đi dạy học ở nơi vùng sâu vùng xa nhất, đã được Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện duyệt cho tôi xuống dạy ở vùng cao A Pa Chải. Khi nhận công tác, tôi đã mất 3 ngày ròng đi bộ đến đó, dọc đường tặng đồ cho người dân, được họ rất quý mến. Được sự quan tâm của các ban ngành, dần dần trường học ở đó có thêm các thầy cô giáo. Điều kiện sống ở A Pa Chải rất khó khăn, không có điện…; muốn đi chợ huyện thì phải mất 3 ngày. Những kỷ niệm, hình ảnh tôi nhớ kỹ nhât, đó là: để ở đó được với người dân thì tôi phải học cách hòa đồng với phong tục tập quán của địa phương, tôi dạy các con kiến thức nhưng các con lại dạy tiếng dân tộc. Ở đó rất nhiều dân tộc như Hà Nhì, Mông, Thái…, cứ ở với dân tộc nào thì chúng tôi lại học tiếng dân tộc đó. Điều tôi nhớ nữa là cứ hễ có việc bận là bố mẹ cho con ở nhà luôn, có em lớp 2-3 đã phải cõng em lên nương. Vì thế, để thuyết phục các gia đình cho con đi học, chúng tôi rất vất vả. Ở nhà dưới xuôi có bất kỳ thuốc men, quần áo hay sách vở thì tôi đều nhờ người nhà gửi lên. Chúng tôi cũng hướng dẫn người dân ở đó trồng rau, nuôi con vật…

Đến năm 2012 do điều kiện sức khỏe, tôi xin chuyển nơi công tác, nhưng những kỷ niệm thời gian dạy học ở vùng cao đối không thể nào quên. Thời điểm này, xem trên các phương tiện truyền thông về tình hình cơn bão số 3, thấy các con ở vùng núi cao phải lưu lạc ở trong rừng bao nhiêu ngày mới được tìm thấy, tôi cảm thấy thương xót vô cùng. Tôi rất mong mọi người cùng tích cực chung tay góp sức để trẻ em vùng sâu vùng xa được quan tâm ưu tiên hơn, được đi học nhiều hơn.

Câu hỏi dành cho nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát: 14 năm nay, anh là người khởi xướng lớp học mỹ thuật, điêu khắc sơn mài hoàn toàn miễn phí thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia trải nghiệm. Hoạt động này đã giúp quảng bá nghề sơn mài cũng như các nghề truyền thống tại Hà Nội; tăng thêm trải nghiệm cho du khách khi tham quan làng cổ Đường Lâm và thị xã Sơn Tây. Anh có thể chia sẻ với bạn đọc Báo Kinh tế & Đô thị cụ thể hơn về những việc làm ý nghĩa này cũng như hiệu quả thực tế hiện nay?

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát: Tôi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và may mắn được học hỏi, giao lưu với những nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề Hà Nội. Tâm huyết mang những sản phẩm tinh túy của làng nghề Hà Nội, năm 2010, tôi quyết định về quê hương khởi nghiệp. Phát huy lợi thế sẵn có của Làng cổ Đường Lâm, tôi xây dựng mô hình Phát Studio, nơi trưng bày sản phẩm khảm trai, sơn mài trên nền gỗ thu hút đông đảo du khách tham quan.

Thị xã Sơn Tây là vùng đất địa linh nhân kiệt, vùng đất 2 vua, nhằm phát huy giá trị di sản địa phương như Thành cổ Sơn Tây, chùa Mía… Bằng kiến thức học hỏi tôi khởi xướng lớp mỹ thuật truyền thống và dạy nghề miễn phí thu hút đông đảo người dân địa phương. Từ lớp học, truyền nghề cho nhiều người dân gắn bó làng nghề truyền thống và tạo sinh kế cho người dân địa phương. Cùng với đó giới thiệu văn hóa bản địa vùng đất Sơn Tây – vùng đất địa linh nhân kiệt, trở thành điểm nhấn văn hóa, không gian trải nghiệm đặc sắc tại làng cổ Đường Lâm thu hút nhiều du khách quốc tế tham gia, tạo dấu ấn trong cộng đồng.

Tại buổi tọa đàm, tôi giới thiệu sản phẩm cúp Golf là sản phẩm sơn mài, khảm trai kỷ niệm 100 năm thành lập thị xã (1924 – 2024), 70 năm Ngày Giải phóng Sơn Tây (3/8/1954 – 3/8/2024) và 555 năm Danh xưng Sơn Tây (1469 – 2024). Đây là sản phẩm tâm huyết và sự đồng lòng thực hiện của nghệ nhân Làng cổ Đường Lâm và sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo Thị xã Sơn Tây.

Câu hỏi dành cho em Huỳnh Triệu Điền: Hành động dũng cảm cứu một bạn nhỏ ở Quảng Nam khỏi đuối nước của em Huỳnh Triệu Điền là một hành động rất đẹp, truyền cảm hứng về lối sống nhân văn đến mọi người. Em có thể chia sẻ về sự việc hôm đó và tại sao khi đó em lại quyết định bơi ra cứu bạn trong hoàn cảnh rất nguy hiểm, nước biển cuộn lớn, em lại còn khá nhỏ?

Em Huỳnh Triệu Điền: Thưa cô chú, con xin phép kể lại 1 chút sự việc hôm đó: Hồi tháng 7/2024 vừa rồi, con cùng gia đình đi du lịch biển ở xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Khi con đi chơi cùng gia đình, con nhìn ngoài phao cảnh giới (khu vực an toàn) khoảng 100 mét có người đang gục xuống mặt nước, có dấu hiệu của đuối nước. Con cũng không biết đó là người lớn hay trẻ em, cũng không kịp suy nghĩ gì, con chỉ biết lao ra kiểm tra xem người đó đang bị làm sao để giúp đỡ thôi ạ. Lúc đó, con không cảm thấy sợ hãi gì cả mà cố gắng hết sức, nhanh nhất có thể để bơi ra cứu bạn. Ra đến nơi, con thấy bạn đã ngất, người mềm, đầu bạn cúi xuống dưới. Con cố gắng nâng đầu bạn hướng lên trên rồi dùng tay đẩy bạn vào bờ. Con cảm thấy rất vui khi đã cứu được bạn.

Thời điểm con bơi ra biển cứu bạn là con mới học bơi được một khoảng thời gian. Nhưng con cũng không kịp suy nghĩ nguy hiểm hay là bố mẹ không đồng ý mà chỉ nghĩ cách nhanh cứu người. Con tin là bố mẹ cũng ủng hộ việc làm của mình. Lúc đó cứu người là quan trọng nhất ạ!

Em Huỳnh Triệu Điền trả lời câu hỏi của độc giả tại buổi giao lưu. Ảnh: Khánh Huy
Em Huỳnh Triệu Điền trả lời câu hỏi của độc giả tại buổi giao lưu. Ảnh: Khánh Huy

Câu hỏi dành cho Công nhân giỏi Thủ đô Trần Văn Thanh: Được biết đến là thợ hàn điện có tay nghề cao và thực hiện nhiều công trình, trong đó có Công trình Thủy điện Nậm Công 5 ở Sơn La, chắc hẳn với công trình này có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Anh hãy chia sẻ một số kỷ niệm, câu chuyện để lại ấn tượng sâu sắc cũng như giúp anh tích luỹ thêm kinh nghiệm trong lao động sản xuất kinh doanh?

Công nhân giỏi Thủ đô Trần Văn Thanh: Với công trình Thuỷ điện Nậm Công - Sơn La, cả đoàn chúng tôi được cử đi lắp cầu trục nhà máy. Theo như quy trình kỹ thuật thông thường thì phải lắp đặt thiết bị nâng hạ (lắp cầu trục dưới đất rồi cẩu lên). Tuy nhiên, do địa hình phức tạp toàn đồi núi hiểm trở, nước sông suối dâng cao nên toàn đội công tác không thể lắp cầu trục ở dưới đất sau đó thuê cẩu bánh xích nhấc toàn bộ lên mà phải thao tác tưng chi tiết của cầu trục để vận chuyển và cẩu lên trên cao để lắp ghép tại chỗ.

Anh Trần Văn Thanh trả lời câu hỏi của độc giả. Ảnh: Khánh Huy
Anh Trần Văn Thanh trả lời câu hỏi của độc giả. Ảnh: Khánh Huy

Để bảo đảm an toàn và đúng kỹ thuật, chất lượng cũng như tiến độ đề ra anh em của đội công tác cố gắng, nỗ lực hết mình, không quản ngại khó khăn, nắng mưa... và đã hoàn thành xuất sắc dự án công trình Thuỷ điện Nậm Công mà ban lãnh đạo Công ty giao cho. Công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng trước 20 ngày so với tiến độ yêu cầu.

Trong buổi bàn giao công trình, đội chúng tôi đã được chủ đầu tư tuyên dương trước các nhà thầu thi công. Đó là niềm vinh dự và là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong suốt 28 gắn bó với năm làm trong nghề, gắn bó với công ty.

Câu hỏi dành cho bà Đào Thị Thạc: Từng là Tổ trưởng dân phố, và nay là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Kim Giang, thành viên Ban Công tác Mặt trận, Tổ trưởng tổ Đảng tổ 6 Khu dân cư số 3 phường Kim Giang. Khu dân cư, phường nơi bà sống đã trở thành điển hình trong thực hiện các phong trào của hội và thành phố, bà có thể chia sẻ kinh nghiệm bản thân khi vận động người dân tham gia vệ sinh môi trường ở tổ dân phố, khu dân cư, nhân rộng mô hình tổ dân phố “5 không”?

Bà Đào Thị Thạc: Từng 17 năm làm Tổ trưởng dân phố, tôi luôn “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, đến từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân tham gia các phong trào ở khu dân cư, tổ dân phố. Để thực hiện các nhiệm vụ, trước tiên phải vận động những người thân trong gia đình mình đi đầu, tiên phong trong các phong trào, hoạt động.

Bà Đào Thị Thạc trả lời câu hỏi tại buổi tọa đàm. Ảnh: Khánh Huy
Bà Đào Thị Thạc trả lời câu hỏi tại buổi tọa đàm. Ảnh: Khánh Huy

Đặc biệt trong công tác vệ sinh môi trường, khi quận Thanh Xuân, phường Kim Giang phát động mô hình Tổ dân phố văn hóa “5 không” (năm 2019), tổ dân phố chúng tôi là tổ đầu tiên của của phường thí điểm thực hiện mô hình này với các tiêu chí trên địa bàn không có rác thải; không phát sinh mới về tệ nạn xã hội; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; không vi phạm trật tự xây dựng; không còn hộ nghèo. Để thực hiện được các tiêu chí, tôi phải dựa vào cộng đồng, Nhân dân, phối hợp với các đoàn thể để công việc trôi chảy. Mô hình “5 không” được người dân hưởng ứng sau đó đã lan rộng sang các tổ dân phố khác trên địa bàn phường.

Ngoài ra, hưởng ứng mô hình “5 không, 3 sạch” của Hội phụ nữ, chúng tôi đã tuyên truyền đến các hội viên phụ nữ. Sáng thứ 7 hàng tuần, chúng tôi đều tích cực tham gia vệ sinh môi trường, các tuyến phố, ngõ, ngách được quét dọn thu gom sạch sẽ, tạo cảnh quan sạch đẹp, không để tồn đọng rác thải. Đến nay, phường Kim Giang đã “sáng, xanh, sạch, đẹp”.

Câu hỏi dành cho cô giáo Nguyễn Thị Hiếu: Từ năm 2013 trở về công tác tại huyện Ứng Hòa, tiếp tục gắn bó với sự nghiệp trồng người, vượt lên trên những khó khăn của bản thân, cô đã giúp đỡ rất nhiều sinh yếu, kém; học sinh có hoàn cảnh khó khăn không chỉ ở lớp, thôn mình mà còn cả ở trong xã. Cô có thể chia sẻ về cảm nghĩ, việc làm của mình cũng như những câu chuyện cô luôn trăn trở khi đến với các em?

Cô giáo Nguyễn Thị Hiếu: Vì sức khỏe và hoàn cảnh gia đình, tôi chuyển về Hà Nội dạy học tại huyện Ứng Hòa nhưng cách xa nhà, chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh khó khăn. Đầu giờ sáng, giờ ra chơi, thấy nét mặt các con buồn là tôi đều tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, hướng dẫn các con biết làm việc cho bản thân cũng như giúp gia đình… Sau đó tôi về dạy gần nhà hơn, vẫn luôn đau đáu muốn giúp các em có hoàn cảnh khó khăn vượt lên chính mình, rất nhiều con có hoàn cảnh thương tâm như bố mẹ mất, bỏ nhau, hoặc bản thân bị thiểu năng trí tuệ… nên không đi học được. Có những con không được đi học, đứng ngoài cửa lớp, tôi đã xin nhà trường cho vào lớp học, kiên trì dạy con, rất lâu con mới viết được…

Cô giáo Nguyễn Thị Hiếu trả lời câu hỏi của độc giả. Ảnh: Khánh Huy
Cô giáo Nguyễn Thị Hiếu trả lời câu hỏi của độc giả. Ảnh: Khánh Huy

Khi còn công tác trên vùng cao, chồng là bộ đội trên đường công tác bị hy sinh, tôi xin chuyển về xuôi, bản thân lại bị ung thư, khi chồng mất con lớn mới học lớp 2, con bé học mầm non. Tôi có hoàn cảnh như vậy nhưng thấy nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hơn, bản thân đã được nhiều người giúp đỡ nên rất trân trọng, thấy mình cần làm nhiều việc tốt hơn nữa, thông cảm với các em có hoàn cảnh khó khăn nhiều hơn, luôn muốn giúp đỡ các con về vật chất và tinh thần. Tôi luôn cố gắng động viên các con biết vượt lên hoàn cảnh, số phận, để có thể tự lực vươn lên, biết chăm sóc bản thân và những người xung quanh.

Câu hỏi dành cho nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát: Phát triển du lịch văn hóa, du lịch làng nghề đang là một xu hướng được đón nhận, được biết anh đã có nhiều đóng góp ý tưởng, tổ chức thực hiện các hoạt động “Đêm làng cổ” - tour đêm ngoại thành đặc sắc tại Thủ đô hiện nay được tổ chức vào thứ 7 hàng tuần. Qua triển khai, anh đánh giá ra sao về lợi ích “kép” của hoạt động này trong bảo tồn, khơi dậy những giá trị văn hóa làng cổ, đồng thời phát triển kinh tế đêm Hà Nội?

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát: Trong dịp lễ 30/4 và 1/5/2024, tour du lịch “Đêm làng cổ” chính thức khởi động. Đây là sản phẩm du lịch mới do Ban quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm phối hợp cùng UBND xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) và người dân làng cổ Đường Lâm tổ chức. Đều đặn mỗi tối thứ 7 hàng tuần, tại địa điểm tổ chức chính là cổng làng Mông Phụ, các sản vật địa phương được chính người dân trong làng tự tay mang đến giới thiệu, bày bán. Món ăn ẩm thực đặc trưng của làng cổ như bánh chè lam, bánh gai, kẹo lạc, kẹo dồi, bánh tẻ, bánh sắn, thịt quay đòn, gà mía… phục vụ nhu cầu khám phá ẩm thực từ làng của du khách. Ngoài việc thưởng thức ẩm thực Làng cổ Đường Lâm, người dân và du khách còn được xem trình diễn các loại hình dân gian truyền thống như: múa rồng, hát chầu văn, thổi sáo, hát quan họ, nhảy sạp… do các thành viên CLB trong làng biểu diễn. Tại các không gian sáng tạo, người dân và du khách trải nghiệm làm tò he, tranh khắc gỗ, cùng hòa mình với điệu nhảy sạp truyền thống.

Mới đây, chương trình “Trung thu Thành cổ - Sơn Tây xứ Đoài” năm 2024, diễn ra tại làng cổ Đường Lâm tạo dấu ấn đặc sắc. Qua hơn 3 tháng triển khai, “Đêm Làng Cổ” tạo dấu ấn đặc biệt cho du khách. Không dừng lại sản phẩm du lịch mới, hoạt động “Đêm làng cổ” mang nhiều giá trị văn hóa khi giới thiệu quảng bá đẹp làng quê đồng bằng Bắc Bộ, vừa mang lại giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho nhiều hộ dân kéo theo nhiều nhóm ngành khác phát triển đến cùng như dịch vụ lưu trú qua đêm, dịch vụ nhà hàng ăn uống và các dịch vụ khác tại làng cổ Đường Lâm.

Câu hỏi dành cho em Huỳnh Triệu Điền: Khi biết bạn Phạm Hoàng Hữu Vinh – người mà mình đã cứu có hoàn cảnh khó khăn, em đã gửi món quà là một chiếc xe đạp, ba lô và những vật dụng khác tặng bạn trước thềm năm học mới. Vậy đâu là động lực để em có những hành động đẹp, giúp đỡ mọi người như vậy?

Em Huỳnh Triệu Điền: Khi con cứu được bạn đuối nước trên biển hôm đó, con được nhiều người khen ngợi và thưởng những phần quà. Khi con thấy bà nội con kể gia đình nhà bạn Hữu Vinh còn khó khăn nên con muốn dùng số tiền thưởng đó để giúp đỡ bạn. Con mong món quà nhỏ của mình sẽ mang lại niềm vui, động lực để bạn cố gắng trong năm học mới ạ!

Em Huỳnh Triệu Điền trả lời câu hỏi của độc giả. Ảnh: Khánh Huy
Em Huỳnh Triệu Điền trả lời câu hỏi của độc giả. Ảnh: Khánh Huy

Động lực để con giúp đỡ mọi người chính là gia đình. Con học theo tấm gương của bà nội và bố mẹ. Mọi người rất hay tham gia các chương trình từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, từ đó con noi theo, giúp đỡ mọi người. Khi con giúp đỡ ai đó, con cảm thấy trong lòng mình rất vui và hạnh phúc.

Câu hỏi dành cho anh Vũ Văn Bình: Thưa anh Bình, lý do và động lực nào để anh bền bỉ thực hiện nghĩa cử cao đẹp với hành trình “chuyến xe 0 đồng” trong suốt 3 năm qua, giúp đỡ cho không ít bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bớt đi một khoản chi phí cũng như tiếp thêm cho mọi người niềm tin về những điều tốt đẹp?

Anh Vũ Văn Bình: Việc tôi và bạn bè tôi đã và đang làm cũng không suy nghĩ gì nhiều. Tôi nghĩ mình làm được việc gì có ích cho cộng đồng thì làm, chứ không phải làm để được vinh danh hay mọi người biết đến. Cơ duyên tôi đồng hành cùng với những chuyến xe “0 đồng” đó là năm 2020, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhìn thấy mọi người đi lại, di chuyển hạn chế. Đặc biệt là những bệnh nhân nghèo di chuyển rất khó khăn khi không có điều kiện để về quê.

Cũng trong thời gian ấy, tôi thấy bạn bè, đồng nghiệp tập hợp thành hội nhóm để làm những việc làm ý nghĩa đưa những chuyến xe “0 đồng” giúp bệnh nhân nghèo về quê. Thấy vậy, tôi ngỏ lời xin vào nhóm, để đồng hành, chia sẻ những khó khăn cùng các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Với tôi, mỗi chuyến đi là một câu chuyện khác nhau. Lúc đầu tôi tham gia nhóm với mong muốn đồng hành, chia sẻ cùng các bệnh nhân nghèo để giúp họ di chuyển về nhà, về với gia đình thật nhanh sau những ngày tháng điều trị mệt mỏi. Nhưng lúc đi cùng bệnh nhân, được bệnh nhân tâm sự, chia sẻ những câu chuyện về hoàn cảnh, bệnh tật, tôi lại càng đồng cảm với các bệnh nhân nghèo hơn, đã có những lúc tôi không cầm lòng được, đã khóc, bệnh nhân khóc. Tôi nhớ có một gia đình có em bé mới 6 tuổi (Hải Phòng) mắc bệnh hiểm nghèo chữa tại Viện Huyết học truyền máu trung ương. Vì chạy chữa bệnh cho con, gia đình đã phải bán hết đất cát, chỉ bớt lại vỏn vẹn 10m2 đất để ở. Tôi thực sự thấy rất thương. Chính nhìn thấy những hoàn cảnh như vậy, tôi đã tự nhủ và quyết tâm với bạn bè sẽ đồng hành nhiều hơn những “chuyến xe 0 đồng” để phần nào giúp những bệnh nhân nghèo bớt đi những khó khăn, bệnh tật.

Câu hỏi dành cho bà Đào Thị Thạc: Từ thực tế hoạt động ở cơ sở, theo bà, việc phát triển các phong trào ở khu dân cư, sẽ tác động thế nào trong việc xây dựng môi trường Thủ đô xanh sạch đẹp, góp sức cho sự phát triển Thủ đô? Và bà có thể chia sẻ kế hoạch của mình trong thời gian tới để tiếp tục lan tỏa các hoạt động này?

Bà Đào Thị Thạc: Theo tôi, việc phát triển các phong trào ở khu dân cư sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ trong việc xây dựng môi trường Thủ đô xanh, sạch, đẹp; đồng thời, góp phần làm thay đổi diện mạo khu dân cư cũng như nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường. Để tiếp tục lan tỏa các hoạt động này, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, người dân nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia bảo vệ môi trường. Đồng thời, phối hợp với các đoàn thể, tổ dân phố lồng ghép các phong trào thi đua, các cuộc vận động; chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình trong phong trào tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp...

Để huy động được sự tham gia của đông đảo quần chúng Nhân dân, trong quá trình thực hiện, chúng tôi luôn gần dân, sát dân, luôn đi đầu trong các phong trào. Nhờ vậy, đến thời điểm này, phong trào dọn dẹp vệ sinh môi trường ngày cuối tuần được duy trì thực hiện thường xuyên, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn.

Câu hỏi dành cho Công nhân giỏi Thủ đô Trần Văn Thanh: Anh đã đạt được nhiều danh hiệu trong các cuộc thi tay nghề với kinh nghiệm bản thân trong thời gian qua, Anh đã tập huấn và chia sẻ với đồng nghiệp để nâng cao tay nghề năng lực cho công nhân trong công ty tạo ra công nhân Thủ đô có tay nghề cao hơn?

Công nhân giỏi Thủ đô Trần Văn Thanh: Để đạt được những danh hiệu trong các cuộc thi tay nghề do Liên đoàn Lao động TP Hà Nội tổ chức, cũng như để phấn đấu trở thành công nhân giỏi tự tin bước vào thời kỳ công nghệ mới như hôm nay, ngoài nỗ lực của bản thân tôi còn được các cấp lãnh đạo công ty tạo điều kiện tốt để nâng cao chuyên môn; làm chủ tay nghề kỹ thuật, tham gia các phong trào của đoàn thể, nhà máy.

Với kinh nghiệm hàn 28 năm, bản thân tôi cũng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật cho những bạn trẻ hơn trong công ty. Ví dụ như khi thực hiện kỹ thuật hàn - nhất là hàn neo đòi hỏi phải có tay nghề, kỹ thuật cao, nếu hàn điện mạnh thì tia lửa sẽ rơi vào người; nếu hàn điện yếu thì mối hàn yếu không đủ bám. Tôi cho rằng việc truyền kinh nghiệm, kỹ thuật cho đồng nghiệp là trách nhiệm của mình để cùng nỗ lực phấn đấu để nâng tạo ra sản phẩm tốt cho công ty; đồng thời góp phần nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân Thủ đô, tạo cho đội ngũ công nhân lao động có trình độ và tay nghề cao trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô. Từ đó tạo động lực để xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại và hội nhập quốc tế.

Câu hỏi dành cho cô giáo Nguyễn Thị Hiếu: Chắc chắn sự ấm áp từ những tình cảm, việc làm ý nghĩa của cô với học sinh sẽ tiếp tục tiếp thêm sức mạnh để các em vươn lên trong học tập và cuộc sống. Trong thời điểm năm học mới 2024-2025 vừa bắt đầu, cô có chia sẻ gì gửi tới học sinh của mình nói riêng và học sinh nói chung, đặc biệt là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn?

Cô giáo Nguyễn Thị Hiếu: Năm học mới đã bắt đầu, tôi rất mong tất cả các học sinh đều được đến trường, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm nhiều hơn, các ban ngành đoàn thể ưu tiên các con hơn, vì phải dạy học trực tiếp thì giáo viên mới biết các con nào có hoàn cảnh khó khăn, nắm được tư tưởng để hướng dẫn các con. Tôi cũng mong các con có hoàn cảnh khó khăn có cố gắng nhiều hơn, người lớn có nhiều tấm gương cho các con noi theo; mong trẻ em ở vùng sâu vùng xa, nông thôn được rút ngắn khoảng cách về điều kiện sống, học hành so với trẻ em vùng đồng bằng.

Thời điểm cơn bão số 3, nhà tôi có gì ăn uống, tôi cũng đều muốn tiết kiệm để ủng hộ cho các con có hoàn cảnh khó khăn; nhiều phụ huynh có gọi điện cho cô về việc các con đã có thay đổi về nhận thức, biết quan tâm chia sẻ đến mọi người xung quanh.

Tôi chúc các em năm học mới luôn mạnh khỏe, học tập tốt; nhất là các con có hoàn cảnh khó khăn được các mạnh thường quân giúp đỡ nhiều hơn.

Câu hỏi nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát: Là một nghệ nhân trẻ, qua những trải nghiệm của cá nhân, anh có những ý tưởng, đề xuất để thu hút nhiều hơn những người trẻ tham gia gìn giữ, bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống - một trong những khía cạnh làm nên bản sắc văn hóa Hà Nội?

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát: Trên nền tảng những lớp dạy nghề mỹ thuật miễn phí và lớp trải nghiệm nghề truyền thống tại làng cổ Đường Lâm, tạo cho các bạn trẻ cảm hứng và hiểu biết hơn nữa sản phẩm văn hóa truyền thống. Hiệu ứng lớp học lan tỏa tới nhiều bạn trẻ, đặc biệt là nhóm sinh viên các khối ngành báo chí, văn hóa đang thực hiện các đề tài về số hóa di sản văn hóa trên nền tảng số.

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát trả lời câu hỏi của bạn đọc. Ảnh: Khánh Huy.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát trả lời câu hỏi của bạn đọc. Ảnh: Khánh Huy.

Tôi rất ủng hộ việc số hóa di sản trên nền tảng số góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, quảng bá văn hóa nghìn năm văn hiến của Thủ đô đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Với tư cách một nghệ nhân trẻ, tôi rất mong muốn TP Hà Nội có nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa với các nghệ nhân họa sĩ thực sự có sức sáng tạo, cống hiến với nghề truyền thống. TP Hà Nội cần mở cơ chế về việc tổ chức nhiều sự kiện, hội chợ, hội nghị trong nước và quốc tế để quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề cho du khách; đồng thời là cơ hội để các nghệ nhân, thợ giỏi trong làng nghề có điều kiện giao lưu, hợp tác và phát triển.

Câu hỏi dành cho Công nhân giỏi Thủ đô Trần Văn Thanh: Mỗi sáng kiến, sáng tạo hay nỗ lực của người lao động đều góp phần vào xây dựng giai cấp công nhân Thủ đô có trình độ tay nghề cao, có bản sắc riêng. Vậy anh có thể chia sẻ về những dự định của bản thân để tiếp tục phát huy tay nghề, có những sáng kiến, đóng góp nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp và cộng đồng?

Công nhân giỏi Thủ đô Trần Văn Thanh: Để góp phần xây dựng giai cấp công nhân Thủ đô có tay nghề cao, bản thân tôi ngoài việc học ở trường còn học trên mạng các quy trình công nghệ kỹ thuật tiên tiến mới. Trước kia chúng tôi được học có nhiều kỹ thuật chưa được cập nhật, đến nay khoa học hiện đại đã hỗ trợ công việc hơn. Để làm được các kỹ thuật mới, bản thân tôi đã lên mạng tìm tòi để học hỏi thêm các kỹ thuật nhằm thực hành tốt hơn, tạo ra sản phẩm tốt đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng để hội nhập được với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục phấn đấu hết mình, không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức về lý thuyết cũng như thực hành; tạo ra những sản phẩm có chất lượng và giá thành phù hợp đáp ứng được nhu cầu của thị trường và nâng cao giá trị, hiệu quả cho công ty và doanh nghiệp. Qua đó, tạo động lực lan tỏa cho các đồng nghiệp cùng phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Câu hỏi dành cho Vũ Văn Bình: Hành trình gieo mơ ước cho học sinh nghèo hay nối dài những chuyến đi 0 đồng cho bệnh nhân nghèo của anh Bình đã chạm vào trái tim của cộng đồng. Trong suốt khoảng thời gian 3 năm ấy, những kỷ niệm nào khiến nay luôn nhớ mãi? Và qua những câu chuyện ấy anh nghĩ gì về vai trò của những công dân Thủ đô trong việc lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong xã hội?

Anh Vũ Văn Bình: Trong hơn 3 năm hành trình trong những chuyến xe 0 đồng, ngoài những câu chuyện khó quên với những bệnh nhân, chắc tôi chẳng thể nào quên câu chuyện vào Tết mùng 7 Tết Nguyên đán năm 2022. Tôi và một người bạn nhận chở 2 mẹ con ở Trạm Tấu, Yên Bái. Bình thường, trong hội nhóm anh em làm thiện nguyện của chúng tôi, khi chúng tôi đi đâu, anh em ở nhà đều dõi theo hành trình. Thế nhưng, trong chuyến xe ấy, khi chở bệnh nhân về Yên Bái trong đêm tối, trời rét căm căm, đường xa hun hút, càng đi sâu vào trong bản, chúng tôi càng bị lạc, điện thoại, mạng mất sóng khiến chúng tôi không tìm được đường về nhà bệnh nhân.

Anh Vũ Văn Bình trả lời câu hỏi của độc giả tại tọa đàm. Ảnh: Khánh Huy.
Anh Vũ Văn Bình trả lời câu hỏi của độc giả tại tọa đàm. Ảnh: Khánh Huy.

Thật không may mắn, xe bị sa lầy xuống mương ruộng, bệnh nhân lo sợ. Lúc ấy, anh em chúng tôi đã cố gắng hết sức để đưa xe lên bờ những chẳng thể. Khi ấy, có một số thanh niên trai bản đi chơi Tết về, chúng tôi nhờ các bạn hỗ trợ cùng nhấc xe lên những cũng vô vọng. Lúc ấy, chúng tôi đi ngược vào trong làng, thuê xe cho 2 mẹ con bệnh nhân về trước. Cũng may mắn thay, lúc đó, sóng điện thoại đã, tôi liền ngay gọi cho anh em trong hội nhóm thiện nguyện trợ giúp. Ngay sau đó, có một anh ở Nghĩa Lộ, Yên Bái không quản đường xa đã chạy xe vào cứu trợ chúng tôi nhưng lúc đó, cả xe của anh ấy và xe của tôi càng bị sa lấy hơn. 3 anh em hôm đó tâm sự thâu đêm suốt sáng chờ người đến cứu trợ. 8 giờ sáng hôm sau, chúng tôi phải cần đến 5 xe cứu trợ, 1 giờ mới có thể đưa xe lên được. Đó là câu chuyện tôi nhớ và xúc động nhất khi anh em đã không quản ngại đường xa, giữa trời giá rét trợ giúp chúng tôi.

Câu hỏi dành cho phụ huynh của em Huỳnh Triệu Điên: Thưa chị Lê Thị Hoa - mẹ của em Huỳnh Triệu Điền, bên cạnh việc học kiến thức thì giáo dục lối sống, kỹ năng mềm cho con em hiện nay được rất nhiều bậc phụ huynh chú trọng. Với gia đình đã có những định hướng như thế nào trong việc giáo dục các cháu trở thành những người sống nhân ái, biết yêu thương, sẻ chia và giúp đỡ mọi người?

Phụ huynh của em Huỳnh Triệu Điền: Theo quan điểm của gia đình, việc học kiến thức không phải là việc học duy nhất, việc học lý thuyết phải đi đôi với thực hành. Để con có tấm lòng nhân ái, biết yêu thương, biết chia sẻ và giúp đỡ mọi người thì gia đình bảo ban con hãy học từ những cử chỉ đơn giản hàng ngày.

Phụ huynh của em Huỳnh Triệu Điền trả lời câu hỏi tại buổi tọa đàm. Ảnh: Khánh Huy
Phụ huynh của em Huỳnh Triệu Điền trả lời câu hỏi tại buổi tọa đàm. Ảnh: Khánh Huy

Học ăn, học nói, học cách ứng xử lễ phép với ông bà, cha mẹ, thầy cô và những người xung quanh. Chúng tôi thường khuyên con hãy sống hòa đồng với mọi người. Khi con giúp đỡ, chia sẻ với người khác thì gia đình thường tuyên dương, khen ngợi để con phát huy. Khi con có hành động chưa đúng mực, gia đình sẽ nhắc nhở, giảng giải để con rút kinh nghiệm.

Trong cuộc sống hàng ngày, có rất nhiều tấm gương người tốt việc tốt, bố mẹ và thầy cô thường kể để con học tập và noi theo. Hiện nay, các con không thiếu thốn về nhu cầu ăn mặc nhưng thời đại công nghệ, các con thiếu sự kết nối. Trẻ nhỏ thường học từ môi trường xung quanh rất nhanh nên tôi nghĩ rằng các bậc phụ huynh chúng ta nên thường xuyên trò chuyện, sát sao, đồng hành với các con, cùng với nhà trường và xã hội giáo dục, cổ vũ các con. Từ đó các con sẽ có sự hòa nhập, sẻ chia, yêu thương, phát triển lành mạnh và có nhiều kỹ năng mềm phù hợp với cuộc sống 4.0 như hiện nay.

Câu hỏi dành cho anh Vũ Văn Bình: Đúng là xung quanh chúng ta còn có rất nhiều con người giản dị với bao việc làm ý nghĩa, góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống, nhưng những việc làm của anh Bình đã tiếp thêm động lực, sự ấm áp với những người yếu thế. Anh muốn chia sẻ điều gì với cộng đồng, những người đã và đang tích cực làm nhiều điều tốt đẹp như anh, để hướng tới xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn?

Anh Vũ Văn Bình: Thông qua cuộc giao lưu Người tốt việc tốt này, tôi mong mọi người sẽ có nhiều sức khỏe, có một tấm lòng tinh thần để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân nghèo để họ thấy được đồng cảm và chia sẻ của cộng đồng. Với vai trò của một công dân Thủ đô, tôi mong muốn các gương điển hình Người tốt việc tốt ngày càng được nhân rộng, lan tỏa nhiều hơn nữa để tích cực làm nhiều điều tốt đẹp cho cộng đồng, hướng tới xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Câu hỏi dành cho bà Đào Thị Thạc: Mỗi việc làm tốt, ý nghĩa đều góp phần làm cho xã hội đẹp hơn, cùng với công tác của hội, được biết, bà đã có nhiều hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, giúp những người trẻ thoát khỏi tệ nạn xã hội. Cơ duyên nào đưa bà đến với những hoạt động thiện nguyện, hoạt động xã hội này và bà có thể chia sẻ với bạn đọc của Báo về dự định tiếp theo của mình?

Bà Đào Thị Thạc: Xuất phát từ lòng nhiệt tình, tâm huyết, tôi luôn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, hoạt động xã hội trên địa bàn. Bản thân chồng tôi là thương binh nặng, hạng ¾, bị nhiễm chất độc da cam, nên tôi luôn thấu hiếu, từ đó mong muốn tham gia các hoạt động thiện nguyện, hoạt động xã hội.

Tham gia công tác ở cơ sở, tôi luôn tích cực đóng góp, vận động các nhà hảo tâm ủng hộ công tác nhân đạo từ thiện; phối hợp với Chi ủy, Ban Công tác mặt trận giúp đỡ 1 cháu mắc tệ nạn xã hội trở thành người tốt, được kết nạp vào Đảng.

Khi về hưu, tôi luôn mong muốn đóng góp sức mình để cống hiến cho xã hội, địa phương, và luôn tâm niệm mình còn sức khoẻ thì nên cống hiến cho xã hội.

Các khách mời tham gia buổi tọa đàm chụp ảnh kỷ niệm cùng e-kip làm chương trình. Ảnh: Khánh Huy.
Các khách mời tham gia buổi tọa đàm chụp ảnh kỷ niệm cùng e-kip làm chương trình. Ảnh: Khánh Huy.

Qua tọa đàm, độc giả của Báo Kinh tế & Đô thị đã được nghe các nhân vật chia sẻ nhiều câu chuyện ý nghĩa, sâu sắc về những công việc mình đang làm, để thấy rằng, xung quanh chúng ta, ngay trên địa bàn TP, có rất nhiều người tốt, việc tốt, hành động đẹp, câu chuyện tử tế… Việc làm của các cá nhân đều xuất phát từ sự nỗ lực, thực tâm, mang đậm tính nhân văn, giàu lòng nhân ái và thể hiện trách nhiệm cao với sự phát triển của thành phố, đời sống xã hội, cộng đồng.

Báo Kinh tế & Đô thị hy vọng qua tọa đàm, những hành động đẹp, việc làm tốt được chia sẻ sẽ tiếp tục lan tỏa rộng rãi, tạo cảm hứng cho nhiều người khác làm theo - cũng là một mục tiêu hướng tới trong công tác tuyên truyền về điển hình tiên tiến, phong trào thi đua người tốt, việc tốt của thành phố, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, xây dựng hình ảnh người Hà Nội “thanh lịch, văn minh”.

10:59 13/09/2024