Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giáo sư Carl Thayer: Việt-Trung thúc đẩy quan hệ song phương, củng cố niềm tin

Sơn Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng bí thư của hai đảng cộng sản đều thể hiện rõ cam kết xây dựng đảng vững mạnh và đấu tranh chống tham nhũng.

Giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc có một mối quan hệ đặc biệt giúp gắn kết lãnh đạo cấp cao của hai phía, theo ông Carl Thayer, nguyên giáo sư tại Đại học New South Wales, Canberra.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 1/2017. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 1/2017. Ảnh: TTXVN

Lãnh đạo của hai đảng đều thể hiện cam kết đối với việc xây dựng thể chế vững mạnh và đấu tranh chống tham nhũng, cũng như phát triển thể chế kinh tế xã hội chủ nghĩa, ông Carl Thayer – chuyên gia về Đông Nam Á và Biển Đông bình luận về chuyến thăm tại Trung Quốc của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30/10 đến ngày 1/11.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thăm Trung Quốc theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng khi Việt Nam đang cố duy trì sự tự chủ chiến lược trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa các cường quốc trên thế giới.

Theo giáo sư Carl Thayer, cả ông Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng đều tin vào hệ tư tưởng và xây dựng thể chế vững mạnh. Cả hai lãnh đạo đều lựa chọn việc chống tham nhũng, tùy thuộc vào tình hình của mỗi quốc gia. Vì thế, đây là cuộc gặp giữa hai tổng bí thư và giữa hai đảng cầm quyền.

Giáo sư Thayer cho rằng việc ông Trọng đến thăm Trung Quốc ngay sau khi ông Tập Cận Bình tái đắc cử chức vụ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc cho thấy rằng chuyến đi đã được hai bên thống nhất từ trước.

Ông Trọng tới thăm Trung Quốc với tư cách là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, do vậy, ông ấy đi cùng các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Ban thư ký, Ủy ban Đối ngoại của Đảng, các tổ chức trung ương khác, và có thể là cả ủy viên Bộ Chính trị.

Vấn đề chính được thảo luận trong chuyến thăm lần này là mối quan hệ giữa hai đảng trong tương lai và cam kết chung về xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngược lại, ông Tập Cận Bình sẽ đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ không tìm cách tác động đến thể chế chính trị của Việt Nam.

Vấn đề Biển Đông là vấn đề thứ yếu vì cả hai bên đều thống nhất sẽ không để căng thẳng trên biển hủy hoại quan hệ song phương.

Trung Quốc và Việt Nam đã thống nhất các điều khoản chính nhằm dàn xếp căng thẳng trên biển. Hiện tại, hai bên đã cử ba nhóm công tác đặc biệt nhằm thảo luận các vấn đề liên quan trên biển, và sẽ nhắc lại cam kết song phương về dàn xếp các căng thẳng một cách hòa bình cũng như giữ quan hệ của hai nước ổn định.

Việt Nam sẽ duy trì vị thế trung lập hiện tại và tiếp tục đàm phán thông qua ba nhóm công tác đặc biệt. 

Liên quan đến quan hệ song phương, giáo sư Thayer nói: “Quan hệ song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tồn tại từ rất lâu qua nhiều thời kỳ và thử thách.”

Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc sẽ tiếp tục được duy trì thông qua Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc và các cuộc họp hàng năm của ủy ban này. Lãnh đạo hai bên sẽ hỗ trợ thực hiện giao lưu cấp cao giữa hai đảng, chính phủ và các quan chức quốc phòng qua các hoạt đọng như giao lưu biên giới thường niên và cuộc họp cấp cao giữa các bộ trưởng quốc phòng. Thêm vào đó, hai bên sẽ thiết lập các đường dây nóng để liên lạc về các vụ việc phát sinh đột xuất.

Đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, giáo sư Thayer nhấn mạnh: “Ông Nguyễn Phú Trọng đã dành cả cuộc đời xây dựng thể chế đảng vững mạnh nhằm đảm bảo sự trong sạch, chất lượng của lớp Đảng viên kế cận để duy trì tính bền vững qua nhiều thế hệ.”