Giáo sư Lê Thước - người không làm quan để làm thầy

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giáo sư Lê Thước (1891 - 1975), từng tốt nghiệp Quốc học Huế, thi đỗ Giải nguyên Hán học rồi lại chuyển sang học Cao đẳng Sư phạm Đông Dương để trở thành bậc trí giả uyên bác cổ kim Đông Tây, nhà biên khảo, nhà giáo dục lớn đầu thế kỷ XX.

Từ Nho học đến Tây học, không làm quan để làm thầy

Lê Thước, vốn gốc họ Trần, hiệu là Tĩnh Lạc, sinh ra trong một gia đình có truyền thống học hành, đỗ đạt ở thôn Lạc Thiện, tổng Văn Lâm, nay là xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Lúc nhỏ, là đứa trẻ miền quê nghèo, ông cũng phải đi chăn trâu, cắt cỏ, phụ giúp mẹ dệt vải mưu sinh.

Mãi đến khi đã 14 tuổi, năm 1905, ông mới theo cha vào Huế học chữ Hán, và đến năm 1908 bắt đầu học thêm tiếng Pháp. Năm 1910, ông thi đỗ bằng Tiểu học, rồi vào học trường Quốc học Huế. Học giỏi, một năm hai lớp, nên Lê Thước nhanh chóng lấy bằng Thành chung và được bổ làm Trợ giáo tại Nha học chính Trung Kỳ.

Giáo sư Lê Thước
Giáo sư Lê Thước

Tháng 8 năm 1917, ông xin đổi ra dạy học ở trường Pháp - Việt tại thị xã Vinh. Năm sau (1918), nhân ở Nghệ An có mở khoa thi Hương (khoa thi Hán học cuối cùng), ông xin thi và đỗ Giải nguyên.

Tuy nhiên, Lê Thước không ra làm quan mà xin học tiếp. Cùng năm này, ông được tuyển vào trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương ở Hà Nội. Tại trường này, bản luận văn tốt nghiệp của ông với nhan đề Việc dạy chữ Hán ở Việt Nam (L'Enseignement des caracteres chinois en Vietnam) đã đạt điểm cao nhất. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Giáo sư dạy Pháp văn, Việt văn và Việt sử ở trường Quốc học Vinh vừa mới thành lập.

Năm 1923, ông được cử làm Hiệu trưởng trường Cao đẳng Tiểu học Vinh kiêm Thanh tra các trường Sơ học, Tiểu học trong tỉnh Nghệ An. Thời gian này, ông được biết đến như một nhà giáo trẻ có uy tín, ham thích khảo cứu văn chương.

Ông cũng tham gia các hoạt động yêu nước lúc bấy giờ như phong trào truy điệu Phan Chu Trinh, rồi vận động thành lập đảng Tân Việt mà cậu ruột ông Giải nguyên Lê Văn Huân là một trong những nhà lãnh đạo… Cũng từ đây, trong môi trường giáo dục ông bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu lịch sử, văn hóa, văn học của mình.

Năm 1924, Lê Thước, với sự cộng tác của Phan Sĩ Bàng, đã viết cuốn sách đầu tiên của mình Truyện cụ Nguyễn Du. Tiếp đó, ông cho ra đời tập sách Sự nghiệp và thi văn của Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ (1928). Đây là công trình được coi là cuốn phê bình văn học đầu tiên của nền văn học Quốc ngữ. Năm 1930, ông cùng Nguyễn Hiệt Chi xuất bản cuốn Hán văn Tân giáo khoa thư (sách giáo khoa mới về Hán văn).

Cũng trong những năm 1924 - 1928, ông đã cùng Giáo sư H.Le Breton, Hiệu trưởng Quốc học Vinh, thành lập “Hội Hàn lâm Nghệ An” (Société académique du Nghe An). Không hoàn thành dự định cùng với Hippolyte Le Breton soạn bộ Địa chí Nghệ Tĩnh, nhưng ông đã kịp giúp thu thập tư liệu, dịch thuật văn bản để sau đó Le Breton hoàn thành cuốn Le Vieux An Tinh (An Tĩnh cổ lục) vào năm 1936.

Năm 1927, Nha học chính Đông Dương điều động Lê Thước ra Hà Nội dạy tiếng Việt cho con em người Pháp tại trường Trung học Albert Sarraut. Sau đó, ông đổi đến dạy tại trường Trung học Bảo hộ (trường Bưởi). Tháng 9/1938, ông được cử làm Đốc học các trường ở thị xã Lạng Sơn; cuối năm 1940 chuyển về dạy ở trường Trung học Đào Duy Từ (Thanh Hóa). Năm 1943, với những biểu hiện yêu nước, ông bị nhà nước bảo hộ Pháp cho thôi việc.
Không ra làm quan mà chọn con đường dạy học, và ông đã thành công. Nhiều thế hệ học trò của ông đã thành danh và đóng góp lớn cho đất nước như Hoàng Xuân Hãn, Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt…

Trong bài điếu văn đọc tại lễ tang ông, Giáo sư Đặng Thai Mai thay mặt lớp học trò cũ, đã nói: “...Từ những năm Thầy còn dạy ở trường tiểu học, anh em chúng tôi đã sung sướng có được một ông thầy không bao giờ khép nép, sợ hãi trong khi tiếp xúc với người Tây...

Tư thế của Thầy đã dạy cho các em tinh thần tự trọng. Cũng từ những năm ấy, nhờ sự dìu dắt của Thầy, chúng tôi đã bắt đầu hiểu rằng học muốn tiến bộ thì trước hết phải siêng năng, cần cù và có quy củ, phương pháp đúng đắn.

Bài giảng của Thầy bao giờ cũng cụ thể, sinh động. Ngay từ lúc bắt đầu vào dạy trường trung học Vinh, Thầy đã chỉ đạo anh em học sinh lập lấy thư viện Nhà trường, tổ chức hoạt động thể dục thể thao...

"Mấy năm ấy, hễ có dịp là Thầy tổ chức những cuộc đi thăm di tích lịch sử: lên núi Lam Thành để nhắc lại sự nghiệp vua Lê; vào Nghi Xuân thăm quê Nguyễn Du, tìm tòi sử liệu về Nguyễn Công Trứ. Thu hoạch quý hơn hết là những bài giảng của Thầy về tiếng Việt và tiếng Pháp, về lịch sử.

Tập luận án tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm của Thầy nhan đề Hán học ở Việt Nam lần đầu tiên nêu lên vấn đề “ý thức dân tộc” trong lịch sử nước ta từ thời đại Lý Cầm, Lý Tiến.

Giáo trình lịch sử nước nhà qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, tiểu sử các bậc anh hùng dân tộc... đối với Thầy... trước hết là những cơ hội tốt để bồi dưỡng lòng yêu nước và tự hào dân tộc trong tâm hồn thanh niên. Kết hợp với giáo trình sử học, Thầy phụ trách cả Việt văn hồi ấy, cũng luôn luôn dạy cho chúng tôi phải “yêu tiếng mẹ đẻ”. Thầy đã gây cho chúng tôi lòng tự hào đối với di sản văn học của nước nhà…”.

Học giả uyên bác

Sau Cách mạng tháng Tám (1945), Lê Thước tham gia Hội đồng Cố vấn Giáo dục Cách mạng. Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông tham gia nhiều công việc ở Ủy ban tản cư di cư, rồi được giao trách nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Tăng gia sản xuất tỉnh Thanh Hóa, một nhiệm vụ cấp thiết lúc bấy giờ.

Năm 1946, con trai cả của ông là Lê Thiệu Huy, người nổi danh “Thần đồng Đông Dương”, đang là Tham mưu trưởng Liên quân Việt - Lào, đã hy sinh trong khi phụ tá Hoàng thân Xuphanuvong vượt sông Mê Kông sang Thái Lan. Nén đau thương, ông tiếp tục công tác khuyến nông, trực tiếp tổ chức nhiều trại sản xuất để tiếp nhận và ổn định đời sống hàng vạn đồng bào từ khu III, Bình Trị Thiên tản cư đến, cùng với Ủy ban Kháng chiến Thanh Hóa xây dựng hậu phương lớn mạnh. Năm 1950, ông được bầu vào Ủy ban T.Ư Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam; đầu năm 1951, ông trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Ủy ban Mặt trận Liên Việt Toàn quốc.

Sau ngày hòa bình lập lại năm 1954, Lê Thước công tác ở Nha Giáo dục Phổ thông, sau chuyển sang Ban Tu thư Bộ Giáo dục. Từ tháng hai năm 1957, ông chuyển sang làm tại Ban Phụ trách ngành Bảo tồn Bảo tàng thuộc Bộ Văn hóa, góp phần quan trọng trong việc phát hiện, sưu tầm, nghiên cứu hiện vật… Ông là người có công xây dựng Thư viện Hán Nôm, Hồ sơ Di tích Lịch sử và Danh nhân Đất nước (như di tích Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Quang Trung…).

Tiếp tục con đường nghiên cứu đã khởi đầu từ những năm còn dạy học, ông trở thành một trong số những học giả uyên bác và hiếm hoi về thơ văn Hán Nôm của nước nhà. Trong khoảng 10 năm, từ 1955 - 1965, ông đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu như: Văn thơ Nguyễn Khuyến (soạn chung, 1957), Thơ văn Nguyễn Công Trứ (soạn chung, 1958); Bài ca người đàn hay ở Long Thành cũng là khúc ca đoạn trường của Nguyễn Du (phiên âm và dịch, 1958); Hồ sơ di tích Nguyễn Trãi (1960); Chính khí ca Việt Nam (1965); Niên biểu Việt Nam (soạn chung, 1963), Một số tài liệu nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều (1963), Thơ văn Nguyễn Thượng Hiền (soạn chung, 1959), Phượng hoàng Trung đô (1959); Thơ chữ Hán Nguyễn Du (soạn chung, 1965); Bản đối chiếu niên hiệu Trung Quốc với niên hiệu Việt Nam và năm Dương lịch (1967), Một sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ XX - Cụ Nghè Ngô Đức Kế (soạn chung, 1969); Hồ sơ di tích Tây Sơn và Quang Trung (1964); Làng Trung Lễ trong phong trào chống Pháp và nhiều công trình khác khác. Ngoài ra, ông còn sáng tác hai tập thơ Tĩnh Lạc thi tập (chưa xuất bản).

 

Từ một học trò “học hay cày giỏi”, Lê Thước đã chủ động kết hợp hài hòa kiến thức Hán học và Tây học để trở thành nhà giáo, học giả uyên bác với nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng và khoa học của đất nước.