Giao thông Hà Nội năm 2019: Kỳ vọng từ phát triển hạ tầng

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các chuyên gia, năm 2019 giao thông Hà Nội sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Nhờ sự xuất hiện của đường sắt đô thị (ĐSĐT) cùng nhiều công trình hạ tầng cũng như các chính sách mang tầm chiến lược, tình trạng UTGT của Hà Nội có thể được kiềm chế hiệu quả, đảm bảo trật tự, ATGT, đặc biệt là khu vực nội đô.

 Tàu sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chạy thử nghiệm. Ảnh: Phạm Hùng
Sẽ giải quyết được nhiều điểm đen

Thạc sỹ Quản lý đô thị Phan Trường Thành đánh giá, sự xuất hiện của ĐSĐT trong thời điểm này là vô cùng có ý nghĩa đối với giao thông Hà Nội. Trước mắt tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông sẽ được đưa vào khai thác thương mại, đáp ứng thay thế hàng vạn lượt phương tiện di chuyển mỗi ngày trên trục đường Trần Phú - Nguyễn Trãi. “ĐSĐT là xương sống, có tầm ảnh hưởng chi phối đối với toàn mạng lưới giao thông vận tải, nên khi nó đi vào hoạt động sẽ đồng thời thay đổi cả thói quen đi lại của người dân và tăng cường hiệu quả cho công tác tổ chức giao thông” - ông Thành nhận định.

Cùng với tuyến ĐSĐT số 2A, nhiều công trình hạ tầng quan trọng khác của Thủ đô cũng đang được gấp rút hoàn thành. Ví dụ như Vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở; đường Vành đai 3 dưới thấp, đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long; đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ); … Theo Kế hoạch do UBND TP Hà Nội ban hành, thời gian tới, sẽ tiếp tục nghiên cứu các dự án: Xén mở rộng đường Láng, đoạn từ Cầu Giấy - Ngã Tư Sở; đường Lê Quang Đạo, đường gom Đại lộ Thăng Long; đường Vành đai 3 dưới thấp, đoạn từ cầu Dậu - cầu Mai Dịch… Các tuyến đường này sẽ mở rộng không gian, góp phần cải thiện mạnh mẽ khả năng lưu thông cho TP, đặc biệt là khu vực đô thị lõi. Ngoài ra, toàn bộ đoạn tuyến trên cao ĐSĐT số 3 Nhổn - Ga Hà Nội cũng đã hoàn thành thi công, gỡ bỏ rào chắn, chuẩn bị hoàn trả mặt đường và không gian lưu thông tối đa cho toàn tuyến Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy. Ông Thành cho rằng: “Chắc chắn Hà Nội sẽ giải quyết được nhiều điểm đen có nguy cơ UTGT trong năm 2019, cải thiện đáng kể tình trạng giao thông của TP”.

Nhiều chính sách chiến lược cần thực thi

Năm 2018, nhiều đề án quan trọng đã được Hà Nội trình lên HĐND TP thông qua như: Đề án “Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; Đề án thành lập Trung tâm Quản lý điều hành giao thông công cộng (PTA); Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông; Quy chế quản lý taxi... Đây là bước đi vô cùng quan trọng để TP có đủ căn cứ, cơ sở nhằm thực hiện các giải pháp đồng bộ trong quản lý giao thông, giảm UTGT một cách hiệu quả. UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Sở GTVT và các đơn vị, địa phương, từng bước ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, điều hành giao thông; xây dựng nền tảng cho mạng lưới giao thông thông minh (ITS). Trên thực tế, một số hợp phần của ITS như: Ứng dụng tìm kiếm điểm đỗ xe iParking; thẻ vé điện tử liên thông; Trung tâm giám sát xe buýt… đã được hiện thực hóa và đem lại hiệu quả cao cho công tác tổ chức, quản lý, điều hành giao thông của TP.

Bên cạnh đó, kế hoạch di dời trụ sở một số bộ, sở, ban ngành ra khỏi khu vực đô thị trung tâm cũng đang có những chuyển biến tích cực. Dự kiến trong năm 2019 sẽ đưa 8 sở, ngành của Hà Nội về khu vực đường Võ Chí Công (Tây Hồ), kéo giãn mật độ giao thông cho đô thị lõi.

Các chuyên gia cho rằng, Hà Nội có thể có một năm 2019 với nhiều thành quả trong công tác kéo giảm UTGT, đảm bảo trật tự, ATGT. Nhưng trước mắt, vấn đề lớn nhất của Hà Nội vẫn là huy động nguồn lực xã hội để thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là những dự án chiến lược như: ĐSĐT; xây dựng, khép kín các tuyến Vành đai: 1, 2, 4…; hệ thống bến xe liên tỉnh, bãi đỗ xe ngầm và cao tầng trong trung tâm TP… Muốn giải quyết vấn đề này, Hà Nội cần được tạo điều kiện hơn nữa với những cơ chế đặc thù để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn xã hội.