Giáo viên miền núi ngậm ngùi tâm sự chuyện thưởng Tết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cứ mỗi dịp đến Tết, nhiều ngành, công ty và các doanh nghiệp rục rịch chuyện thưởng Tết, nơi nhiều, nơi ít, nơi thưởng tiền, nơi bằng hiện vật... Cũng đã có đơn vị công bố thưởng Tết lên đến hàng trăm triệu đồng.

Nói đến chuyện thưởng Tết với giáo viên miền núi thật “xa xỉ”, điều kiện công tác khó khăn thì khỏi phải bàn, nhưng họ vẫn miệt mài công tác, mỗi năm Tết đến, nhắc tới chuyện thưởng Tết với họ là điều gì đó thật xa lạ.

Cứ mỗi dịp đến Tết, nhiều ngành, công ty và các doanh nghiệp rục rịch chuyện thưởng Tết, nơi nhiều, nơi ít, nơi thưởng tiền, nơi bằng hiện vật... Cũng đã có đơn vị công bố thưởng Tết lên đến hàng trăm triệu đồng.
Bếp ăn của giáo viên ở bản Cha Khót, xã Na Mèo (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa).
Bếp ăn của giáo viên ở bản Cha Khót, xã Na Mèo (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa).
Trong chuyến công tác lên huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa), chúng tôi đem câu chuyện thưởng Tết hỏi các giáo viên công tác tại một số đơn vị trường học ở khu vực miền núi, khi nghe nhắc đến chuyện thưởng Tết, nhiều giáo viên nơi đây chỉ cười, thậm chí có người còn tỏ ra ngạc nhiên khi được hỏi về chuyện thưởng Tết. Bởi với họ, khái niệm thưởng Tết nghe có vẻ rất “xa xỉ”.

Có chăng, hàng năm cứ mỗi dịp cuối năm, nhà trường in tặng mỗi giáo viên một cuốn lịch hay có chai rượu nếp tặng thầy cô về quê làm quà. Do điều kiện địa lý khó khăn, quà chưa đưa được về đến nhà gặp mưa lịch ướt nhàu, rượu thì vỡ giữa đường coi như là không có.

Với các trường ở miền núi hầu như không có quỹ. Vì đồng bào dân tộc nơi đây còn nhiều khó khăn, học sinh hầu như không phải đóng góp khoản gì.

Tại Trường tiểu học Na Mèo (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) có 35 giáo viên, trong đó có 14 giáo viên miền xuôi lên đây công tác. Chia sẻ về chuyện thưởng Tết, với nhiều giáo viên nơi đây, không có cụm từ thưởng Tết. Theo các giáo viên, nói thưởng Tết là phải có mốc nhất định, trong đó quản lý mức nào, giáo viên mức nào. Chứ món quà dăm chục, một trăm chỉ là động viên, an ủi chứ không phải là thưởng Tết.

“Ở đây làm sao vận động cho học sinh đi học được là tốt lắm rồi. Nếu tiến hành thu khoản gì đó, học sinh bỏ học, nhà trường vi phạm” - thầy Lương Xuân Khánh, hiệu trưởng Trường tiểu học Na Mèo chia sẻ.

Theo kế hoạch, học sinh học 5 buổi/tuần, trong đó biên chế môn đặc thù mất một buổi, còn lại 4 buổi, thời gian rất ít, các em về nhà ít học, nhà trường muốn bồi dưỡng thêm thì lại liên quan đến chế độ cho giáo viên, nếu bắt giáo viên dạy thì khó.

Nhưng với tấm lòng yêu trẻ, tâm huyết với nghề nên các thầy cô không quản ngại khó khăn đứng lớp bồi dưỡng thêm cho các em hai buổi/tuần. Tuy nhiên đã hết học kỳ một rồi mà chưa có phụ huynh nào đóng tiền hỗ trợ cho giáo viên cả, nói gì đến thưởng Tết.

Công tác ở Trường tiểu học Na Mèo đã hơn 20 năm, nhưng khi nhắc đến chuyện thưởng Tết, cô Mai Thị Loan chỉ cười: “Thưởng Tết thì không mong, chỉ mong sao có chế độ, chính sách cho đảm bảo với giáo viên miền xuôi cống hiến cho giáo dục vùng cao thôi”.

Đến khu lẻ của Trường tiểu học Na Mèo, ở bản Cha Khót nằm cách trung tâm xã gần 20km, khi được hỏi về thưởng Tết, hai thầy giáo công tác ở đây tỏ ra rất ngạc nhiên. Bởi với họ, cống hiến đã nhiều năm nơi vùng biên, nhưng chưa bao giờ họ biết đến chuyện thưởng Tết cho giáo viên là gì. Thầy Hơ Văn Pó (công tác tại bản Cha Khót đã 10 năm) đáp lại câu hỏi chỉ là một nụ cười trừ...