70 năm giải phóng Thủ đô

Giáo viên vi phạm đạo đức, lối sống: Cần thiết xử lý kỷ luật nghiêm khắc

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật sư nhận định, nếu xác minh cho thấy giáo viên có hành vi ngoại tình, vi phạm đạo đức, lối sống thì cần phải có mức xử lý kỷ luật nghiêm khắc.

Vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh đoạn chat nói chuyện qua Zalo giữa một người là cô giáo mầm non đã có gia đình với một người đàn ông có vợ.

Sau khi nắm được thông tin, chính quyền địa phương nơi có trường mầm non đã yêu cầu Ban giám hiệu nhà trường báo cáo vụ việc về nữ giáo viên. Bước đầu, Ban giám hiệu nhà trường đã yêu cầu nữ giáo viên tên L. làm giải trình vụ việc, đồng thời tạm dừng công tác giảng dạy đối với giáo viên này.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho hay, quan hệ tình cảm giữa các con người được điều chỉnh bởi hai loại quy phạm là quy phạm đạo đức và quy phạm pháp luật. Bởi vậy, ngoài việc tuân thủ các quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, công dân còn phải tuân thủ các chuẩn mực đạo đức xã hội. Đặc biệt là với những ngành nghề, nghề nghiệp đòi hỏi phải có đạo đức như nghề giáo.

Luật Hôn nhân & Gia đình quy định, vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy với nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Điều 19 Luật Hôn nhân & Gia đình quy định: "Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình".

Pháp luật nghiêm cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ. Nếu hành vi này xảy ra thì tùy vào tính chất mức độ, hậu quả mà người vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, trong xã hội có nhiều nghề nghiệp, mỗi nghề lại có những đặc thù khác nhau. Trong đó, nghề sư phạm đòi hỏi người mang danh phận "người thầy" phải có chuẩn mực đạo đức, phải có lối sống trong sạch lành mạnh; phải thực sự là những tấm gương sáng để các thế hệ học trò noi theo. Có như vậy công tác giáo dục mới đạt hiệu quả, đạo đức xã hội mới không bị suy thoái, mới có được sự tôn kính của cả xã hội. Do đó, cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ cô giáo này có hành vi vi phạm về đạo đức lối sống hay không.

Luật sư Đặng Văn Cường
Luật sư Đặng Văn Cường

Cơ quan chức năng sẽ làm rõ những tin nhắn qua lại, những hình ảnh và sẽ lấy lời khai của những người có liên quan để xác định tính trung thực của những tin nhắn nêu trên, đồng thời làm rõ mối quan hệ giữa cô giáo này với người đàn ông trong câu chuyện. Trường hợp có căn cứ cho thấy cô giáo này đã có chồng nhưng có hành vi ngoại tình thì đây là hành vi vi phạm đạo đức lối sống, làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình người khác, cần phải xem xét xử lý kỷ luật theo quy định.

Luật Hôn nhân & Gia đình quy định: "Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng". Hành vi chung sống "như vợ chồng" là chung sống công khai, ngang nhiên khi đang có vợ có chồng khiến người ngoài nhìn vào tưởng đó là mối quan hệ vợ chồng thì mới bị xử lý bằng các chế tài của pháp luật.

Nếu hành vi ngoại tình là lén lút, không công khai, không chung sống như vợ chồng mà sau đó bị phát hiện thì hành vi này không bị xử lý bằng chế tài của pháp luật. Tuy nhiên, hành vi này vi phạm đạo đức lối sống, bị xã hội cười chê, lên án và nếu người ngoại tình là cán bộ, là công chức, viên chức, giáo viên, đảng viên thì sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của tổ chức.

Với các tin nhắn đang lan truyền trên mạng xã hội cho thấy hai người gọi nhau là vợ, là chồng và có nhắc đến tên của chồng cô giáo, có nhiều thông tin về mối quan hệ và nhân thân của hai bên. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ những thông tin này có thật hay không, có hành vi chung sống như vợ chồng hay không hay chỉ gọi nhau như vậy thôi nhằm xác định mức độ của hành vi ngoại tình làm căn cứ để giải quyết theo quy định pháp luật.

Cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ cô giáo này có hành vi vi phạm về đạo đức lối sống hay không. Nếu có vi phạm về đạo đức lối sống thì sẽ đánh giá hậu quả của hành vi vi phạm là ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng. Hậu quả của hành vi này tác động xấu đến dư luận xã hội như thế nào, tác động trực tiếp đến đời sống, hạnh phúc gia đình của hai bên ra sao, ảnh hưởng đến uy tín của cơ sở giáo dục như thế nào. Trên cơ sở đó sẽ đánh giá tính chất mức độ của hành vi vi phạm và sẽ áp dụng mức xử lý kỷ luật phù hợp với quy định của pháp luật.

“Trường hợp cả hai bên đều không có hạnh phúc, đã sống ly thân, hành vi ngoại tình này là lần đầu, chưa gây ra hậu quả gì nghiêm trọng thì mức xử lý kỷ luật có thể ít nghiêm khắc. Nếu kết quả xác minh cho thấy cô giáo này vi phạm nghiêm trọng về đạo đức lối sống, với ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của ngành và cơ sở giáo dục, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình mình và hạnh phúc gia đình người khác thì sự việc là đặc biệt nghiêm trọng, không còn xứng đáng làm việc trong ngành giáo dục thì có thể áp dụng hình thức kỷ luật nghiêm khắc nhất quy định tại Điều 19 (Nghị định 112/2020/NĐ-CP) là buộc thôi việc" - luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.