Giáp trong làng xưa

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làng xã cổ truyền có tổ chức hết sức phức tạp, chồng chéo lên nhau nhưng cũng rất chặt chẽ.

Giáp là một tổ chức, một môi trường đặc biệt dành cho nam giới mà trong đó họ sẽ “tiến thân” và khẳng định vị thế bằng chính tuổi tác của mình; là một biểu hiện của truyền thống "trọng xỉ " (trọng người già, người nhiều kinh nghiệm sống và lao động, sản xuất) của làng xưa.

Giáp trong cấu trúc làng xưa

Theo nhà nhân học nổi tiếng - GS Từ Chi/Trần Từ thì làng xã cổ truyền của người Việt có cấu trúc và vận hành hết sức phức tạp. Trong tác phẩm “Cơ cấu của tổ chức làng Việt cổ truyền ở Bắc bộ”, ông cho rằng, làng xã xưa có năm dạng tập hợp người: Theo địa vực (ngõ, xóm); theo huyết thống (họ); theo tinh thần tự nguyện (phe, hội phường…); theo bộ máy chính quyền cấp xã; theo lớp tuổi. Ông cho rằng giáp là tổ chức dành riêng cho nam giới và có vai trò quan trọng trong các sinh hoạt làng xã, nhất là tôn giáo, tín ngưỡng.

Tiến sĩ Pierre Gourou, trong Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ (1931) cho rằng: “Giáp là một tập hợp có tính cách tôn giáo việc gia nhập mang yếu tố gia đình và có trung tâm là một ngôi đền…”.

Còn học giả G. Dumontier (Chánh Sở Học chính Trung - Bắc Kỳ) thì cho rằng: “Trong một số làng, giáp là một hội lo việc tang ma, tương trợ; trong một số làng khác, giáp sinh hoạt như một hội có mục đích cùng làm một số nghi thức tôn giáo hay tập tục; giáp cũng có thể chính thức đảm nhiệm việc phân chia cho các gia đình trong giáp phần sưu thuế mà họ phải đóng, tiến hành thu thuế má”.

Tục khai lão tại làng Ngọc Tiên – Nam Định. Ảnh: Nguyễn Văn
Tục khai lão tại làng Ngọc Tiên – Nam Định. Ảnh: Nguyễn Văn

Ông cũng cho biết: “Trong các xã thôn theo thiên tước (sắp xếp ngôi thứ theo tuổi tác) không có giáp, các chức năng của nó được tổ chức theo địa vực (thôn, xóm, ngõ) đảm nhiệm. Loại làng này ít hơn rất nhiều so với các làng theo vương tước (ngôi thứ được sắp xếp theo tước vị vua ban)".

TS Nguyễn Tùng (tác giả sách Làng mạc ở châu thổ sông Hồng) lại cho rằng: “… trong các giáp hầu như không có các nghi thức thụ pháp, kết nạp tập thể và chung sống biệt lập cho các thành viên cùng ở vào lứa tuổi vị thành niên”.

Ông đồng thuận quan điểm của học giả Nguyễn Văn Huyên và cho rằng giáp có của cải riêng bằng tiền và bằng ruộng đất: “Tài sản đó là do các thành viên đóng góp, di tặng hay cho. Quỹ xã hội của giáp được dùng để cho các thành viên vay tiền hay thuê ruộng đất, thu nhập được dùng để tài trợ các cuộc vui chơi công cộng, tiệc tùng, lễ hiến sinh hay cầu xin”.

Cũng theo tác giả này, do tính chất của giáp thay đổi tùy theo làng nên tổ chức này tùy mỗi nơi lại có những chức năng và nhiệm vụ khác nhau. Một số làng, ngoài việc lo tổ chức việc thờ cúng Thành hoàng và các lễ hội, giáp còn đảm nhiệm việc bảo vệ an ninh trật tự trong làng. Ngày ghi tên vào sổ của giáp quy định ngôi thứ của mỗi thành viên, người ghi tên trước dù nhỏ tuổi vẫn có ngôi thứ cao hơn người ghi sau, điều này cho thấy tầm ảnh hưởng lớn như thế nào của giáp.

GS Trần Quốc Vượng lại có kiến giải khác khi ông cho rằng: “…trước thế kỷ XIX, giáp có lẽ còn là một tổ chức được xây dựng trên cơ sở địa vực. Tên cũ của một số làng còn gợi lên ý đó, ví như tám làng ven đô Hà Nội hiện mang tên Giáp Nhất, Giáp Nhị..., cho đến Giáp Bát”.

Các khảo sát khác cho biết làng xưa ở Bắc bộ, Bắc Trung bộ và về sau là Trung bộ có tổ chức giáp nhưng vào đến Nam bộ thì không có giáp. Mỗi làng xưa đều tự phân thành một số giáp, ít nhất là hai, thường là hai và có thể nhiều hơn. Cách đặt tên thường có hai cách là theo phương hướng và vị trí như: đông, tây, trung, nam, bắc; cách thứ hai là gọi theo số thứ tự nhất, nhị, tam, tứ…

Sự biến đổi của giáp trong lịch sử

Giáp có mặt trong cấu trúc tổ chức làng xã từ cuối thời Bắc thuộc, là một cấu trúc được chính quyền đương thời sử dụng làm công cụ để kiểm dân, thu thuế, tuyển quân. Tổ chức này đã có nhiều biến đổi trong lịch sử làng xã của người Việt. GS Trần Quốc Vượng cho biết: “Thực ra, tổ chức giáp đã xuất hiện ở Trung Hoa có muộn lắm cũng dưới triều Đường (thế kỷ VII - X), với tư cách là một đơn vị hành chính dưới cấp hương.

Bấy giờ, miền đất nay là Bắc Việt Nam bị đế chế Đường đô hộ, dưới tên gọi An Nam đô hộ phủ: Trong khuôn khổ của chế độ quận - huyện do người Trung Hoa áp đặt, tổ chức giáp đã có mặt ở đây. Cho nên không có gì đáng ngạc nhiên, nếu như vào khoảng Đường mạt (cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X), khi thủ lĩnh bản địa Khúc Hạo với danh nghĩa Tiết độ sứ (tức thống đốc quân sự) của chính quyền Đường ở Tỉnh hải quận (tên mới của An Nam đô hộ phủ), lợi dụng tình hình rối ren bên chính quốc để xây dựng cho mình một nhà nước quân chủ, thì giáp đã có mặt trong số thiết chế hành hính đương thời. Về các triều đại độc lập từ thế kỷ XI - XV (từ Lý đến Lê sơ), sử cũ, khi đã động đến các tổ chức xã hội - chính trị, thỉnh thoảng có nhắc đến giáp, nhưng chỉ nêu tên gọi, mà không tả rõ nội dung.

Phân tích văn bản, tôi giả thiết rằng đấy là một đơn vị hành chính dưới cấp huyện. Bi ký của thế kỷ XVII và XVIII (các thời Lê Trung hưng và Lê mạt), mỗi khi đề cập đến giáp, cũng không được gì rõ hơn, quá lắm chỉ cho phép đoán định rằng đây là một tổ chức xã hội - chính trị nằm trong lòng của làng (nếu ở nông thôn) và của phường (nếu ở thành thị)...”.

Gần đây, Bùi Xuân Đính, cũng cho rằng: “Giáp vốn là một đơn vị hành chính ở trên làng xã, đến đầu thế kỷ XV chuyển hóa thành một thiết chế nằm trong làng”. Ở một số làng, con gái cũng có thể vào giáp khi chưa có em trai. Như vậy, giáp trong làng xã cổ truyền Việt Nam đã biến đổi từ một tổ chức hành chính từ Lê sơ trở về trước thành một tổ chức xã hội - chính trị từ thế kỷ XVII - XVIII trở về sau.

Hành trình “trưởng thành” của nam giới trong làng

Giáp là môi trường đặc biệt mà trong đó nam giới tiến thân, trưởng thành và xác lập vị thế của mình theo nguyên tắc “trọng xỉ” của làng xã. Chu kỳ trưởng thành đó, theo nghiên cứu của GS Từ Chi, gồm: Vào giáp, lên đinh, lên lão.

Vào giáp: Khi đứa bé trai sinh ra, người cha phải biện một lễ mọn trình giáp để được ghi tên vào “sổ bộ” (sổ nhân danh) của giáp. Từ đó, cậu bé trở thành thành viên của giáp. Khi lớn lên, cậu bé được quyền theo cha, anh đến dự các cuộc họp của giáp. Thực ra vì còn nhỏ tuổi nên chủ yếu là cậu ta được ăn cỗ của giáp; nếu vắng mặt, cậu ta được giáp gửi phần.

Lên đinh: Sang tuổi 18, trở thành thanh niên, anh ta phải làm lễ trình làng một lần nữa để được “lên đinh”. Đây là cột mốc chứng tỏ sự trưởng thành và đánh dấu tư cách của anh ta trong giáp, trong làng. Với tư cách trai đinh, từ lúc này cho đến khi lên lão, anh ta phải gánh vác rất nhiều trách nhiệm với làng, với nước.

Trước hết, các trai đinh phải nộp thuế, đi phu và đi lính. Trong quãng thời gian này, mọi trai đinh trong giáp/làng phải thay nhau gánh vác công việc trong các "hội đồng niên” từ việc làm “ông lềnh” cho đến “câu đương”, “cai giáp”, cai đám”… ; từ lo sổ sách của giáp đến việc đóng góp tiền của, chuẩn bị cỗ bàn cho giáp, cho làng rất vất vả và tốn kém.

Tuy nhiên, trai đinh đồng thời cũng có những quyền lợi tinh thần và vật chất như được xác lập vị trí trong giáp, được quyền tham gia bàn bạc việc của giáp, được phân chia ruộng công của làng.

Lên lão: Thông thường, sang tuổi 49, có nơi là 60, các trai đinh được “lên lão”. Kể từ lúc này, người đàn ông được ngồi chiếu trên, không còn phải làm các công việc trực tiếp mà được tham gia “phán bảo” hoặc “tư vấn” việc làng, việc giáp cho đám trai đinh thực hiện. Đó là con đường trưởng thành của một công dân nam giới của làng xưa theo "xỉ tước" (tước phẩm nhờ tuổi tác).

Khác với sự thăng tiến quan tước - theo chức vụ chính quyền, hay trưởng thành theo nghĩa giàu có, sự tích lũy tài sản, trong môi trường này ai cũng có thể bình đẳng “trưởng thành”, miễn là sống thọ, sống trọn vẹn cho đến các thời điểm quan trọng của sự “thăng tiến”, của vòng đời.

 

Từ một tổ chức hành chính, giáp dần trở thành một tổ chức mang tính hai mặt, vừa tổ chức theo lớp tuổi, lại vừa tổ chức theo những người cùng làng/địa vực. Một mặt, giáp mang tính tôn ty, “sống lâu lên lão làng”; mặt khác, cũng có tính dân chủ khi tất cả mọi thành viên cùng lớp tuổi đều bình đẳng với nhau, cứ đến tuổi thì sẽ thành trai đinh hoặc lên lão. Đó là một sự biến đổi sáng tạo về cấu trúc và vai trò của giáp của tinh thần dân chủ công xã của làng Việt.

Kinh tế đô thị cuối tuần