70 năm giải phóng Thủ đô

Giết mổ gia súc, gia cầm: Tràn lan cơ sở không phép

Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) là khâu quan trọng trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP). Tuy nhiên hiện nay, việc quản lý hoạt động này còn nhiều bất cập, đa phần các cơ sở hoạt động tự phát, khó kiểm soát…

 Tiểu thương giết mổ gia cầm tại chợ Dương Nội, Hà Đông. Ảnh: Nga Phương 
Nhiều bất cập
Với dân số khoảng 10 triệu người, trung bình mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ hết khoảng 900 tấn thịt GSGC. Trong đó, lượng thịt GSGC được kiểm soát chỉ chiếm khoảng 60% nhu cầu tiêu thụ của người dân, phần còn lại được cung cấp bởi các điểm giết mổ thủ công nhỏ lẻ.

Theo thống kê của Chi cục Thú y Hà Nội, hiện trên địa bàn TP có tổng cộng 1.070 cơ sở giết mổ GSGC, tuy nhiên trong đó chỉ có 168 cơ sở được cấp giấy phép kinh doanh, còn lại là các cơ sở nhỏ lẻ hoạt động không phép. Hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, thủ công rất đa dạng, không có địa điểm cố định mà rải rác ở hầu hết các khu dân cư. Một số cơ sở chủ yếu hoạt động theo mùa vụ nên việc kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn, không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y, ATTP. Đa số các điểm, hộ giết mổ này đều không được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động, không được cơ quan thú y vào kiểm tra, kiểm soát theo quy định. Đây là nguồn lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường, mất VSATTP.

Có mặt tại chợ dân sinh phường Dương Nội, quận Hà Đông, chúng tôi ghi nhận có đến 4 hộ kinh doanh gia cầm tiến hành giết mổ ngay trên nền đất, trong quá trình giết mổ, phần thịt, nội tạng, phân, lông gà vịt, nước thải... lẫn với nhau, bên cạnh là nồi nước sôi nhúng gà, vịt cáu bẩn được đun từ sáng tới chiều. Chị Nguyễn Thị Hạnh, một tiểu thương bán gà kiêm giết mổ gà tại chợ thật thà cho biết: “Hiện nay hầu hết khách mua gà đều yêu cầu làm thịt ngay mới mua, vì thế để lôi kéo khách hàng tôi thường khuyến mại luôn thịt gà cho khách”.

Siết chặt quản lý

Có nhiều nguyên nhân để các cơ sở giết mổ hoạt động tràn lan, trong đó có sự thiếu quyết liệt của các cấp chính quyền cơ sở; các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động giết mổ, kinh doanh vận chuyển GSGC chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, một phần do ý thức của các cơ sở kinh doanh, phần còn lại là do sự dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng.

Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng: Muốn giải quyết vấn đề này lâu dài, hiệu quả, cần tăng cường kiểm tra và có biện pháp xử lý các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ hoạt động không phép. Tập trung khuyến khích triển khai các cơ sở hiện đang giết mổ với số lượng lớn, đề xuất chính quyền địa phương trong thời gian chờ quy hoạch cho phép cơ sở thực hiện việc giết mổ tạm thời (có thời hạn), khi đó cơ quan thú y sẽ thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát hàng ngày theo quy định.

Đồng thời phối hợp kiểm tra liên ngành hoạt động giết mổ, kinh doanh sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý. Tổ chức quản lý chặt chẽ các hộ kinh doanh tại các quận nội thành, kiên quyết xử lý sản phẩm động vật không có dấu kiểm soát giết mổ để chủ hộ vào mua sản phẩm động vật tại các cơ sở giết mổ đã được quản lý. Hướng dẫn các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào các khu giết mổ tập trung theo quy hoạch. Song song với đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm phổ biến pháp luật, các chế độ chính sách, các quy định đối với người sản xuất, kinh doanh có hoạt động giết mổ; định hướng người tiêu dùng thay đổi thói quen tiêu dùng chuyển sang lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có bao gói, tem nhãn.