Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gìn giữ nét văn minh, thanh lịch của người Hà Nội

Cẩm Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc phát huy những giá trị tốt đẹp của người Hà Nội, đồng thời khắc phục những mặt hạn chế là yếu tố then chốt để xây dựng một Thủ đô văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.

Nhiều thách thức

Hà Nội không chỉ là trung tâm đầu não chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao mà còn là nơi gửi gắm niềm tin và kỳ vọng lớn lao từ Nhân dân cả nước. Việc xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh vì thế vừa là nhiệm vụ trọng tâm, vừa là thách thức không nhỏ đối với Thủ đô trong thời đại mới. Đây cũng chính là sứ mệnh khẳng định bản sắc, vị thế, sức lan tỏa của Hà Nội trên cả nước và quốc tế.  

Yêu thương, san sẻ là nền tảng gắn kết các thành viên trong gia đình. Ảnh: Duy Khánh
Yêu thương, san sẻ là nền tảng gắn kết các thành viên trong gia đình. Ảnh: Duy Khánh

Tuy nhiên, theo GS Bùi Xuân Đính - Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, trước sự tác động của quá trình đô thị hóa và phát triển nhanh chóng trong những thập kỷ qua, những phẩm chất tốt đẹp của người Hà Nội dường như đang dần bị mai một. Điều này thể hiện rõ nhất qua văn hóa giao tiếp và ứng xử trong đời sống hàng ngày.

Người Hà Nội xưa vốn nổi tiếng với lối nói chuyện nhẹ nhàng, tao nhã, phong thái lịch thiệp và cử chỉ tinh tế. Những lời “thưa”, “dạ”, “vâng” mang tính tôn trọng trong giao tiếp từng là nét đẹp tạo nên sự thanh lịch của người Hà Nội. Thế nhưng ngày nay, trong nhiều hoàn cảnh, những lời nói đó lại dần vắng bóng, thay vào đó là lối giao tiếp cộc lốc, suồng sã, thậm chí là trịch thượng.

Hiện tượng này không chỉ diễn ra trong giao tiếp đời thường mà còn phổ biến tại nhiều nơi công cộng như cơ quan hành chính, bến xe buýt hay các điểm dịch vụ. Giọng điệu lạnh nhạt, sự thiếu hòa nhã khiến hình ảnh người Hà Nội dần trở nên xa cách, không còn giữ được vẻ thân thiện, tế nhị từ bao đời nay.

Song song với đó, ý thức chấp hành các quy định chung về vệ sinh công cộng và trật tự an toàn xã hội cũng đang là vấn đề nhức nhối. Sự tùy tiện, chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân mà không quan tâm đến cộng đồng dường như đã ăn sâu vào lối sống của một bộ phận người dân.

Hình ảnh vứt rác bừa bãi, xả thải tùy tiện nơi công cộng, phóng xe vượt đèn đỏ hay đi ngược chiều trên đường phố Hà Nội không còn là hiện tượng hiếm gặp. Điều này không chỉ làm mất đi nét đẹp đô thị mà còn tạo nên một diện mạo “nhếch nhác” và “xô bồ” cho Thủ đô văn hiến.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, song song với những giá trị văn hóa truyền thống tiếp tục được bảo tồn, duy trì và phát triển thì mô hình gia đình nông thôn trong xu thế hội nhập mở cửa vẫn còn những hạn chế. Đó là một số hủ tục vẫn còn tồn tại, tục trọng nam khinh nữ hay việc du nhập những nét văn hóa ngoại lai không có kế thừa chọn lọc cũng ít nhiều làm ảnh hưởng đến quan hệ, tinh thần lối sống…

Cần giải pháp tổng thể, đồng bộ

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, Hà Nội đứng trước nhiều thời cơ nhưng cũng đối diện với không ít thách thức. Sự giao thoa giữa các giá trị truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và ảnh hưởng quốc tế đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc xây dựng một hệ giá trị con người phù hợp với thời đại, đồng thời khẳng định tính đại diện của Thủ đô đối với cả nước.

Gia đình cũng đóng vai trò nền tảng trong việc hình thành nhân cách con người. Ảnh: Duy Khánh
Gia đình cũng đóng vai trò nền tảng trong việc hình thành nhân cách con người. Ảnh: Duy Khánh

GS Bùi Xuân Đính - Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam nhận định, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được đặt ra từ lâu và Hà Nội chúng ta đã, đang nỗ lực phấn đấu cho mục tiêu đó. Theo ông, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ trên nhiều phương diện. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là xây dựng được ý thức, tác phong sống và làm việc theo pháp luật cho mỗi công dân, bởi đây là tiêu chí đầu tiên, cốt yếu của con người trong một xã hội văn minh.

Ý thức pháp luật chính là nền tảng để con người vươn tới những điều lớn lao hơn, góp phần xây dựng một xã hội văn minh và tiến bộ. Một khi con người luôn có ý thức sống theo các quy định của pháp luật, coi đó là một thói quen bất di bất dịch, một nhu cầu thiết thân sẽ loại bỏ được thói quen xấu hay cách hành xử chưa đúng mực trong đời sống thường nhật.

Bên cạnh đó, giáo dục gia đình cũng đóng vai trò nền tảng trong việc hình thành nhân cách con người. Gia đình được xem là tế bào của xã hội, nơi khởi nguồn các giá trị sống và là môi trường đầu tiên để mỗi người học cách tu dưỡng, phát triển. Một gia đình tốt, nề nếp sẽ nuôi dưỡng nên những con người có ích cho cộng đồng và xã hội. Ngược lại, khi gia đình buông lỏng trách nhiệm giáo dục, hệ quả là thế hệ trẻ dễ sa vào lối sống lệch lạc, thiếu định hướng và có thể để lại những ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. 

Ngoài ra, công tác tuyên truyền về hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh cũng cần được đẩy mạnh, giúp công dân Thủ đô hiểu rõ, tự hào và có ý thức gìn giữ, phát huy những giá trị ấy.

Điều này càng quan trọng hơn khi Hà Nội thu hút ngày càng nhiều cư dân từ các vùng miền khác đến sinh sống, học tập và làm việc. Việc xây dựng ý thức cộng đồng, thích ứng với lối sống đô thị và hạn chế xung đột văn hóa giữa các nhóm cư dân là yêu cầu cấp thiết để thúc đẩy sự đoàn kết, đồng thuận xã hội.

Theo TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, để xây dựng tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh cần phải đặt trong những tính cách chung của người Việt Nam. “Với riêng người Hà Nội, cần nhấn mạnh yếu tố bao dung bởi người Hà Nội hiện nay là sự hội tụ, chắt lọc tinh hoa của người tứ xứ đến Hà Nội” - TS Nguyễn Viết Chức gợi ý.

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh không chỉ là công việc của chính quyền mà còn là trách nhiệm mỗi công dân Thủ đô. Đây là một hành trình dài hơi, cần sự quyết tâm, lòng kiên trì, bền bỉ và phối hợp chặt chẽ của cả cộng đồng.