Gìn giữ những hình ảnh chân thực nhất về Mẹ Việt Nam Anh hùng cho muôn đời sau
Kinhtedothi - 3.000 bức chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng của họa sĩ Đặng Ái Việt thực hiện từ năm 2010 đến nay được số hoá trên website “Chân dung mẹ Việt Nam Anh hùng”.
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), sáng 11/4, Ban Thường vụ Thành đoàn TP Hồ Chí Minh phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình giao lưu với họa sĩ Đặng Ái Việt và giới thiệu website “Chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng”.
Tham dự chương trình có Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng; Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn TP Hồ Chí Minh Trương Minh Tước Nguyên và đoàn viên, thanh niên, sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn TP.
Chương trình là dịp để thế hệ trẻ giao lưu, lắng nghe những câu chuyện xúc động từ những người đã và đang thực hiện hành trình tri ân các Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Tại chương trình, website “Chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng” (https://chandungme.vn/) chính thức được giới thiệu. Đây là dự án do Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh xây dựng từ tháng 1/2020, nhằm số hóa hơn 3.000 bức chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng do họa sĩ Đặng Ái Việt thực hiện từ năm 2010 đến nay. Website không chỉ là kho lưu trữ hình ảnh mà còn giới thiệu câu chuyện về từng Mẹ, hoàn cảnh ra đời các bức tranh, góp phần giáo dục truyền thống, lòng biết ơn và niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

Họa sĩ Đặng Ái Việt chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Long Hồ
Ngoài ảnh chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng, website còn giới thiệu về từng bức ảnh, câu chuyện về các Mẹ cũng như hoàn cảnh ra đời bức chân dung. Đây không chỉ đơn thuần là trang thông tin mà là kho lưu trữ tiện ích, góp phần tuyên truyền, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc đến các tầng lớp Nhân dân.
Tại buổi ra mắt website “Chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng” ngày 11/4, nữ họa sĩ Đặng Ái Việt chia sẻ, website này ra đời như là việc hiện thực hóa ước mơ của mình vì tranh vẽ trên giấy sẽ không thể giữ lâu. Việc số hóa và lưu giữ những bức chân dung này là dành cho các thế hệ trẻ, để họ có thể xem và ghi nhớ sự hy sinh của người đi trước cho tương lai tươi sáng của đất nước hôm nay và mai sau.
Trước đó, trên đường đi vẽ, cứ hoàn thành xong bức vẽ là bà gửi về bằng đường bưu điện về để các thành viên trang thông tin thực hiện việc số hoá. “Có những gia đình, họ hỏi cách thức liên hệ làm sao để thấy được hình, tôi cũng cho họ thông tin, thậm chí là trên trang website còn có cả số điện thoại của tôi. Tranh Mẹ Việt Nam Anh hùng tôi không bán cho ai cả. Chỉ cần được thế hệ này lan tỏa và chính các bạn đang làm điều đó" – họa sĩ Đặng Ái Việt nói.

Giới thiệu hơn 200 tác phẩm mỹ thuật của cố họa sĩ Lê Lam
Kinhtedothi – Chiều tối 14/3, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam diễn ra Lễ khai mạc triển lãm "Mùa Xuân bất diệt", giới thiệu tới công chúng hơn 200 tác phẩm đa dạng về thể loại và chất liệu của cố họa sĩ Lê Lam.

Những điểm nhấn hứa hẹn vẽ nên tương lai xanh tại EXPO 2025 Osaka
Kinhtedothi - Vào ngày 13/4, Osaka, thành phố cảng sôi động ở tỉnh Kansai phía nam Nhật Bản, đang dồn toàn lực chuẩn bị cho EXPO 2025 – một sự kiện không chỉ phô diễn sức mạnh công nghệ của đất nước Mặt Trời mọc, mà còn đặt nền móng cho một tương lai thân thiện với môi trường.

Tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường qua nét vẽ của họa sĩ Huỳnh Phương Đông
Kinhtedothi - Triển lãm chuyên đề “Hành trình Huỳnh Phương Đông” là triển lãm có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của chiến sĩ - họa sĩ Huỳnh Phương Đông, trưng bày 151 tác phẩm tiêu biểu của ông.