Thách thức lớn
Năm 2022 là giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong việc bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững. Đứng trước thách thức, cũng là cơ hội, TP Hà Nội với sự đồng hành của các tổ chức và người dân đã, đang và sẽ tiếp tục xây dựng, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, quyết tâm trở thành điểm đến xanh, "tọa độ xanh" trên bản đồ thế giới.
Một năm qua, dưới sự chỉ đạo của UBND TP, Sở TN&MT Hà Nội đã thí điểm chương trình đo kiểm khí thải cho 5.240 xe mô tô, xe gắn máy lưu hành từ 5 năm trở lên trên địa bàn TP. Qua đó làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí và kỳ vọng giảm đến 40% khí thải khi thực thi. Song song với đó, nỗ lực của các ban, ngành, đoàn thể, sự đồng thuận của Nhân dân đã giúp loại bỏ gần như hoàn toàn số bếp than tổ ong. Qua đó, kéo giảm 19.000 tấn lượng khí thải CO do sử dụng bếp than tổ ong so với năm 2017. Lượng bụi mịn (PM2.5) giảm 1,658 tấn/năm.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông đã kêu gọi các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, DN, tổ chức trong và ngoài nước trên địa bàn và mỗi người dân Thủ đô cần có những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường. Thời gian qua, Hà Nội cũng đã thực hiện Kế hoạch quản lý chất lượng không khí, Đề án phân loại rác tại nguồn…
Trong số những giải pháp bảo vệ môi trường, việc cải thiện và phục hồi sông, hồ được cho là cần sớm triển khai. Bởi không chỉ đóng góp cho cảnh quan đô thị của TP, hệ thống sông, hồ đan xen mang bản sắc của Hà Nội còn giữ vai trò quan trọng trong việc điều hòa không khí, tạo ra không gian sống trong lành, tươi mát cho người dân Thủ đô, đặc biệt là trong điều kiện khí hậu nắng nóng ngày càng kéo dài như hiện nay. Bên cạnh đó, tầng sinh thái xung quanh các con sông, hồ còn tạo cho Hà Nội thêm nhiều cây tự nhiên, bồi đắp thêm những mảng xanh tràn ngập oxy.
Mặt khác, đây còn là thách thức vì quá trình đô thị hóa, dân số tăng trưởng tỷ lệ thuận với khối lượng nước thải xả ra sông, hồ ngày càng lớn. Ở nhiều khu vực, rác thải sinh hoạt chất đầy ở cả hai bên bờ khiến cả mặt và lòng sông đều chịu nguy cơ ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cũng như nguy hại về sức khỏe. Đặc biệt, tại các quận nội đô có diện tích chật chội nhưng dân số đông đúc, thách thức càng lớn hơn.
Trong bối cảnh Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, đòi hỏi TP Hà Nội phải có nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất về cải thiện chất lượng môi trường.
Hồi sinh những bờ sông hoang hóa
Thời gian qua, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương đã thực sự nghiêm túc triển khai nhiều nhóm giải pháp, đổi mới tư duy. Qua đó làm sống lại màu xanh ở cả những nơi từng bị hoang hóa. Ví dụ như dự án kè cứng kênh La Khê - sông Nhuệ, từ chỗ sống khổ cạnh dòng sông vì tình trạng ô nhiễm rác thải, nước bẩn do dự án chậm tiến độ, đến nay người dân phường La Khê, quận Hà Đông đã có thể thong thả đi dạo, hít thở không khí trong lành vào mỗi buổi chiều trên những cây cầu bắc ngang sông.
Kết quả này một phần do sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo UBND TP, yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm nhanh chóng giải quyết những vướng mắc, đẩy nhanh quá trình thực hiện dự án cứng hóa kênh La Khê để ổn định đời sống của người dân. Ngay sau đó, Sở NN&PTNT TP Hà Nội với vai trò chủ đầu tư đã nhanh chóng thực hiện và hứa hẹn sẽ sớm tái lập cảnh quan đô thị xanh - sạch - đẹp trên tuyến.
Cũng hồi sinh từ bãi đất bỏ hoang, sình lầy ô nhiễm bởi rác thải, nước đen, Bờ Vở dọc tuyến sông Hồng qua các phường Phúc Tân, Chương Dương đã được cải tạo thành không gian cộng đồng thân thiện với môi trường. Trên diện tích 1.500m2, Phòng TN&MT quận Hoàn Kiếm, phối hợp với Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống đã chuyển bỏ 200 tấn rác thải, thực hiện cải tạo nền, bổ sung cây xanh. Đồng thời tạo nên nhiều hạng mục như khu vui chơi của trẻ em, vườn rừng cộng đồng, đường kết nối cộng đồng với không gian xanh khiến vị trí từng là điểm đen ô nhiễm này trở thành nơi tuyên truyền nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ về bảo vệ môi trường, điểm tập huấn về quản lý và giảm thải rác, xử lý nước thải.
Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, Điều phối viên Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống Lê Quang Bình cho biết, để đạt được những thành công bước đầu, nhóm làm dự án đã nhận được sự ủng hộ hết sức nhiệt tình của quận Hoàn Kiếm. Đối với người dân địa phương, nhờ có không gian cộng đồng thân thiện, đảm bảo vệ sinh môi trường nên ai ai cũng đều ủng hộ. “Với kết quả bước đầu, chúng tôi kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng dự án với diện tích khoảng 9.000m2” - Điều phối viên Lê Quang Bình chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) GS.TS Hoàng Xuân Cơ đánh giá cao những nỗ lực của UBND TP trong thời gian qua. Bảo vệ môi trường sông, hồ đang gặp rất nhiều thách thức, khi phải thực hiện song song với phát triển kinh tế, đô thị.
Thời gian qua, TP đã rất chú trọng công tác cải tạo bờ kè, giúp cho cảnh quan đô thị được đảm bảo, mặt khác, tạo ra một hàng rào bảo vệ, hạn chế những mối xâm hại liên quan đến ô nhiễm lòng sông. Ngoài ra, TP thường xuyên triển khai các chương trình tuyên truyền, kết hợp hoạt động thực tế thu gom, xử lý phân loại rác tại nguồn cũng gián tiếp làm giảm lượng rác thải thừa thãi bị vứt ra ven sông, hồ.
Cùng với đó, trong những năm qua, được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo TP, Sở TN&MT Hà Nội đã phối hợp nhiều tổ chức xã hội, DN cung cấp giải pháp kỹ thuật can thiệp giảm thiểu đốt rơm rạ, rác thải tại nhiều quận, huyện. Đặc biệt, chương trình “Xây dựng trường học xanh - Vì một Hà Nội xanh” đã tạo sự thay đổi tích cực trong ý thức bảo vệ môi trường của những công dân Thủ đô tương lai ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. “Có thể coi những chương trình này là giải pháp mang tính căn cơ toàn diện, bền vững của TP” - GS.TS Hoàng Xuân Cơ nói.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án cải tạo, cứng hóa kênh La Khê, các đơn vị của Sở NN&PTNT đã thay đổi tư duy, có mặt bằng tới đâu là thực hiện tới đó, không chờ đợi, tránh dẫn đến tình trạng đình trệ thi công, mặt khác cũng nhằm đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, đời sống cho người dân.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ