Theo đó, tất cả các công ty nước ngoài sở hữu tài sản ở Anh đều phải đăng ký công khai quyền sở hữu. Điều này đồng nghĩa với việc chi tiết của hàng chục ngàn ông chủ tài phiệt sẽ sớm được công bố. Tuy nhiên, đại diện các hãng bất động sản dự đoán, quy định này sẽ khiến các tỷ phú, tài phiệt “tháo chạy” khỏi thị trường. Trevor Abrahamson - ông chủ của Công ty bất động sản Glentree Estates cảnh báo, các tỷ phủ quốc tế đầu tư quốc tế ở London có khả năng bán một số lâu đài và biệt thự sau khi quy định chống tham nhũng mới phá vỡ tính bảo mật của họ.
Bên cạnh đó, các nhà tài phiệt, ông chủ truyền thông và tỷ phú công nghệ khắp nơi trên thế giới có thể sẽ từ bỏ dự định mua nhà ở Anh vì họ không thể giữ bí mật cá nhân bằng cách thông qua các công ty nước ngoài. Thực tế, một nửa số khách hàng của Glentree Estate mua tài sản qua các công ty nước ngoài đặt tại đảo Cayman và British Virgin, thuộc Anh.
Trong khoảng 100.000 tài sản được sở hữu bởi các công ty nước ngoài tại Anh, hơn 44.000 là ở London. Vì vậy, biện pháp này có khả năng kéo theo sự sụt giảm trong thị trường bất động sản ở London. Ông chủ của hãng bất động sản Glentree Estate than thở, công ty ông đã mất 75% khách hàng và giá đã giảm 10 - 15%/năm.
Quan trọng hơn, theo ông Abramham, không phải tất cả các cá nhân sở hữu tài sản qua công ty nước ngoài đều phạm pháp. Quan điểm này được Craig Hughes, giám đốc thuế của một công ty nước ngoài tại Menzies, Australia ủng hộ. Các nhà tài phiệt có lý do hợp pháp, ví dụ như bảo vệ gia đình, ông Hughes dẫn chứng. “Chính sách đã đánh đồng những người muốn bảo vệ sự riêng tư với tội phạm”, ông Hughes nói thêm.
Vì vậy, mặc dù biện pháp mới này được chào đón bởi những người ủng hộ sự minh bạch nhưng các nhà làm chính sách vẫn “đau đầu” để tìm cách cân bằng giữa sự minh bạch và lợi ích kinh tế.