Dường như cứ “đến hẹn lại lên”, những tháng cuối năm, nhiều tuyến đường trên địa bàn Hà Nội lại bước vào giai đoạn đào, lấp, thảm, sửa đường. Đây là việc được thực hiện hàng năm. Với năm 2019, từ tháng 5, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 1866/QĐ- UBND phê duyệt danh mục công trình cải tạo, sửa chữa bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn TP sử dụng nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ năm 2019. Theo đó, danh mục 47 công trình phê duyệt được chia thành 4 hạng mục. Ngoài ra, cũng có không ít công trình hạ ngầm cáp viễn thông của các đơn vị khác. Trong những tháng cận Tết, trước áp lực hoàn thành công việc để tất toán kinh phí nên rất nhiều công trình cùng được triển khai trên hàng loạt tuyến phố. Điều này phần nào tạo ra những khó khăn trong việc đi lại của người dân vào dịp cuối năm, khi nhu cầu đi lại tăng cao đột biến.
Tết Nguyên đán đang cận kề. Để tạo thuận lợi cho việc lưu thông cũng như xóa cảnh lòng đường, vỉa hè còn bừa bộn trong dịp năm mới, Sở GTVT Hà Nội đã có công văn yêu cầu các đơn vị thi công khẩn trương hoàn trả mặt đường, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội Xuân 2020. Một trong những công việc trước mắt là yêu cầu các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, các nhà thầu thi công trên các tuyến đường, phố thuộc địa bàn TP phải hoàn trả mặt đường trước ngày 10/1/2020 (15 tháng Chạp) đối với các công trình đào hè, đào đường trên địa bàn (cấp nước, thoát nước, hạ ngầm điện lực, viễn thông...); Các công trình đã thi công xong (còn trong thời gian bảo hành) phải thường xuyên rà soát kiểm tra, xử lý hiện tượng lún sụt trên bề mặt hoàn trả, các vệt rạn nứt tại vị trí mặt đường cũ tiếp giáp với phía hoàn trả, đồng thời, bù lún phần mặt đường đã hoàn trả theo quy định để đảm bảo an toàn giao thông. Và trong quá trình hoàn trả nếu có vi phạm lực lượng Thanh tra GTVT sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Dẫu biết, duy tu đường sá là việc làm thường xuyên; hoặc đào đường, vỉa hè để hoàn thiện thống hạ tầng viễn thông, điện, cấp, thoát nước… nhằm đáp ứng sự phát triển đô thị, song, để tránh dồn vào các tháng cuối năm, có lẽ cơ quan chức năng cần xây dựng kế hoạch tổng thể dài hạn, không theo từng năm một, thì việc thực hiện sẽ dàn đều từ đầu năm. Đó cũng là bài toán tránh lãng phí khi điệp khúc “lòng đường, vỉa hè” bị đào xới liên tục. Và để lập lại trật tự kỷ cương quản lý trật tự đô thị, bảo đảm an toàn giao thông, giữ gìn mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường bền vững, nhất là dịp Tết Nguyên đán, rất cần sự chung tay vào cuộc của cả xã hội bằng những việc làm cụ thể như không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán; thực hiện duy trì duy trì vệ sinh ngay tại nơi mình sinh sống; nhân rộng mô hình tự quản tại các khu phố, các tuyến đường trên địa bàn các phường…