Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giữ gìn văn hóa gia đình: Bắt đầu từ sự gắn kết

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình” là chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm nay. Bởi thực tế, bức tranh gia đình hiện nay không chỉ là sự “thất thoát” không nhỏ của những lối sống truyền thống, mà cuộc sống hiện đại cũng khiến cách ứng xử trong gia đình thay đổi, khiến sự bền vững của hạnh phúc bấp bênh hơn.

 Ảnh minh họa.

Thiếu quan tâm, sẻ chia

Guồng quay của xã hội hiện đại đã làm ảnh hưởng phần nào đến các giá trị tốt đẹp trong văn hóa ứng xử gia đình. Việc các thành viên trong gia đình quá chú tâm vào tạo dựng giá trị vật chất, xem nhẹ giá trị tinh thần, truyền thống dẫn đến tình trạng bố mẹ mải mê kiếm tiền, thiếu quan tâm đến con cái. Sự lệch lạc trong cách ứng xử tạo thành bạo lực… Sợi dây gắn kết trong gia đình ngày càng lỏng lẻo, lối sống cá nhân được đề cao quá mức, một số giá trị đạo đức như hiếu nghĩa, thủy chung... có lúc bị coi nhẹ. Tình trạng này làm cho nhiều tổ ấm có nguy cơ tan vỡ, kể cả những gia đình tưởng như lý tưởng, có học thức, kinh tế ổn định, có sự hậu thuẫn từ nhiều phía.
Không dành thời gian cho nhau mỗi ngày sẽ làm mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái trở nên lỏng lẻo và có thể dẫn đến tình trạng xa cách, ít quan tâm đến nhau, trách nhiệm của mỗi người dần dần nhạt phai. Lâu dần, mọi thành viên sẽ thấy không còn cần lẫn nhau, thậm chí gia đình cũng chỉ là nơi trú ngụ.

TS tâm lý Đinh Phương Duy 

Nhiều khảo sát trong những gia đình sống ở đô thị đã cho thấy, tác động rõ ràng nhất của sự “lỏng lẻo và bất ổn” ấy chính là giờ phút bên nhau của các thành viên gia đình bị xén bớt, ít ỏi đến lạ lùng. Ngôi nhà nhiều khi đơn thuần chỉ là nơi tạm trú hoặc sự gắn kết chỉ dừng ở mức dùng chung một đường truyền internet, một chiếc ti vi hay vật dụng nào đó. Mối quan hệ thương yêu, gần gũi, sẻ chia giữa từng thành viên nhiều khi lại trở thành một điều rất xa xỉ.

Rất nhiều gia đình chỉ có vài người nhưng cả ngày cũng không đủ thời gian để cùng ăn với nhau một bữa cơm. Con cái đi học, bố mẹ đi làm, người về sớm, người về muộn, mạnh ai nấy sống theo sở thích cá nhân. Bên cạnh đó, không gian riêng ngày càng phát triển khiến mỗi người lại bận rộn hơn với những vấn đề cá nhân. Dần dà, tất cả điều này làm cho thời gian dành cho nhau ngày càng ít đi. Từ đó, sự giao lưu, trao đổi, sẻ chia giữa bố mẹ và con cái cũng nhạt nhòa dần.

Đây là một thực tế đáng buồn và người chịu tác động nhiều nhất là những đứa trẻ, đơn độc trong chính gia đình mình. Ngày càng có nhiều đứa trẻ bước vào tuổi vị thành niên phàn nàn về việc bố mẹ mình quá mải mê công việc, bỏ mặc con cái. Như một người con đã tâm sự: Bố mẹ chỉ biết đi làm từ sáng đến tối, kiếm thật nhiều tiền. Sự im lặng lâu ngày biến em thành một con người khác. Ở trường em ít bạn. Rồi em đến với những người bạn học kém, mải chơi, bởi họ làm cho cuộc sống trầm lặng bấy lâu của em khuấy động. Em bắt đầu lao vào những cuộc ăn chơi, yêu đương bạt mạng mà bố mẹ cũng không hay biết.

Kết nối vòng tròn bố - mẹ - con cái

Trong các hoạt động hướng về Ngày Gia đình Việt Nam năm nay cũng như trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020 đang được đẩy mạnh thực hiện, một vấn đề liên tục được nhắc đến như mục tiêu là các gia đình dành thời gian chăm sóc, quan tâm đến nhau. Có lẽ khó có thể quan tâm đến nhau thực sự, nếu những khoảng lặng trong gia đình hiện đại không được xóa bỏ bởi chính người trong cuộc. Chỉ khi các thành viên trong gia đình dành thời gian nhiều hơn cho việc giáo dục con cái và khi mối quan hệ ứng xử giữa các thành viên trong gia đình chặt chẽ, tốt đẹp thì mới giảm thiểu được những lối sống lệch chuẩn.

Đứng trước thực trạng lỏng lẻo của gia đình hiện nay, nhiều người cũng nhận thấy cần phải thực hiện ngay những giải pháp để gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gia đình, "cứu vãn" lối sống trong gia đình hiện đại đang bị lệch lạc dần. Ông Nguyễn Ninh (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng) - một gia đình văn hóa nhiều năm cho biết: Để lối ứng xử truyền thống trong gia đình không bị xem nhẹ, ông đã tạo ra những “ngày hội” gia đình để con cháu sum họp. Ngày nghỉ, lễ, Tết hoặc bất cứ khi nào có điều kiện, các thành viên gia đình ông lại tập hợp đông đủ, vừa ăn với nhau một bữa cơm, vừa gắn kết tình cảm gia đình, trao đổi chuyện chung, chuyện riêng. Quan trọng hơn, những “ngày hội” ấy là dịp ông bà vun đắt cho con cháu sự ứng xử đúng mực và các thành viên trẻ cũng trân trọng hơn những khoảng khắc hạnh phúc của gia đình.

Một người đàn ông còn trẻ khác có mẹ ở cùng nên anh rất chú trọng dạy con cái về cách ứng xử trong gia đình. Đứa con của anh mỗi buổi tối trước khi đi ngủ luôn vào phòng tắt điện cho bà, chúc bà ngủ ngon. Những cử chỉ tuy nhỏ nhưng đó đã gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau hơn mỗi ngày. Thực tế cũng cho thấy, không ít gia đình dù hiện đại vẫn giữ được một lối sống bền chặt, gắn kết. Họ đã cùng nhau xây dựng nên gia đình hạnh phúc và bền vững đúng nghĩa, có sự liên quan mật thiết với nhau trong một vòng tròn bố - mẹ - con cái. Họ đã tạo nên một tổ ấm thực sự.