Giữ huyết mạch giao thông thông suốt

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơn bão Covid-19 đang hoành hành dữ dội tại nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành phía Nam. Riêng với lĩnh vực GTVT, từ khi dịch bệnh bùng phát vào đầu năm 2020 đã và đang gây ra những tác động tiêu cực rất lớn đối với cả người điều khiển phương tiện và phương tiện.

 Ảnh minh họa
Trong những đợt bùng phát trước, Covid-19 chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới vận tải hành khách, còn phân khúc vận tải hàng hóa vẫn được duy trì nhờ những phương án phòng, chống dịch bệnh hiệu quả của các DN. Thậm chí, không ít DN nhờ sự chuyển đổi phương thức sản xuất kinh doanh từ chở người sang chở hàng hóa đã thích ứng rất tốt với bối cảnh mới để tồn tại.
Tuy nhiên, trong đợt bùng phát mới nhất của Covid-19, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, chúng ta mới thấy hết được sức tàn phá ghê gớm của dịch bệnh này đối với hoạt động GTVT. Hàng loạt tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch. Những biện pháp phòng, chống dịch bệnh được siết chặt, đặc biệt trong công tác xét nghiệm Covid-19 cũng như thực hiện cách ly tập trung 14 ngày đối với đội ngũ lái xe được áp dụng tại hàng loạt địa phương.

Lần đầu tiên, vận tải hàng hóa đứng trước nguy cơ ngừng trệ bởi Covid-19, đội ngũ tài xế bắt đầu có dấu hiệu thiếu hụt, thậm chí thiếu hụt nghiêm trọng tại một số nơi bởi chủ trương cách ly phòng dịch. Có thể nói, những nguy cơ mà Covid-19 gây ra đối với ngành GTVT lần này là nghiêm trọng nhất. Bởi một khi đội ngũ lái xe không đủ, vận tải hàng hóa bị ngưng trệ thì nguy cơ thiếu hụt nguyên, nhiên liệu cho các nhà máy, xí nghiệp; thiếu hụt lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ là nhãn tiền. Kéo theo đó hàng loạt hệ lụy khác có thể phát sinh.

Đứng trước tình hình này, Bộ GTVT đã tổ chức hàng loạt cuộc họp với các địa phương phía Nam, với đại diện các hiệp hội, DN vận tải với sự chủ trì của lãnh đạo Bộ GTVT nhằm tìm ra những phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động vận tải, đặc biệt vận tải hàng hóa ở các tỉnh phía Nam. Và sau nhiều cuộc họp căng thẳng, cuối cùng Bộ GTVT và các địa phương cũng tìm ra những giải pháp tối ưu để tháo gỡ cho hoạt động vận tải. Một phương án tổ chức giao thông cho phương tiện lưu thông tại các tỉnh phía Nam với 7 phân luồng đã được thông qua. Dù mới được đưa vào triển khai và chưa rõ hiệu quả thực tế như thế nào, nhưng nhìn vào 7 phân luồng chi tiết này, nhiều tài xế đã phần nào yên tâm về lộ trình sắp tới. Không còn tình trạng “lần mò” tìm lối đi hay gặp tắc nghẽn tại những điểm chốt kiểm dịch nữa, 7 phân luồng sẽ là tấm bản đồ hữu hiệu giúp các tài xế tìm ra con đường thuận lợi nhất cho hành trình. Những lô hàng hóa, thực phẩm vì thế cũng có được đường đi thông thoáng, nhanh chóng hơn để sớm cung cấp cho các tỉnh phía Nam, đặc biệt là địa phương đang thực hiện cách ly xã hội để phòng dịch.

Không chỉ phía Nam, ở khu vực phía Bắc mà điển hình là Thủ đô Hà Nội, ngay khi tình hình dịch bệnh tại nhiều địa phương có dấu hiệu diễn biến phức tạp, TP đã triển khai 22 chốt kiểm dịch tại các tuyến đường cửa ngõ dẫn vào Thủ đô nhằm tạo ra những tấm lá chắn vững chắc và an toàn nhất, bảo vệ Hà Nội khỏi nguy cơ xâm nhập của dịch bệnh. Điều đặc biệt tại 22 chốt kiểm dịch này là, dù công tác kiểm dịch được siết chặt và thực hiện nghiêm ngặt, gắt gao nhưng giao thông vẫn được bảo đảm. Các chuyến hàng vẫn được thông suốt, những chuyến xe vẫn được chạy đều. Chỉ có những trường hợp tiềm ẩn nguy cơ cao về dịch bệnh mới phải giữ lại, được sàng lọc để bảo đảm cho các chuyến xe tiếp tục hành trình vào nội đô trong tình trạng an toàn nhất. Cách làm của Hà Nội chính là một điển hình trong công tác kiểm dịch trong lĩnh vực GTVT mà nhiều tỉnh, TP có thể nghiên cứu, áp dụng trong thời gian tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần