Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Giữ lửa cho đấu vật cổ truyền Việt Nam

Kinhtedothi – Đấu vật cổ truyền Việt Nam không chỉ là một môn thể thao mà còn là nét đẹp văn hóa, thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc. Tuy nhiên, việc phát triển các phong trào tập luyện và thi đấu vật ở nhiều địa phương còn gặp những khó khăn nhất định.

Nét đẹp văn hóa ngày hội

Lễ hội vật cổ truyền làng Vân, xã Vân Hà, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã khép lại nhưng bầu không khí tưng bừng, rộn rã của ngày hội vẫn còn đọng lại trong nhiều người dân địa phương. Ngay từ sáng sớm, dòng người đã đổ về sân đình, nơi những trận đấu vật gay cấn diễn ra. Tiếng trống thúc dồn dập hòa cùng tiếng reo hò cổ vũ tạo nên một không gian đầy hào hứng, sôi động.

Không khí náo nhiệt tại sới vật làng Vân, xã Vân Hà, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Không chỉ là một cuộc thi tranh tài giữa những đô vật dũng mãnh, lễ hội còn mang ý nghĩa sâu sắc về việc gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa dân gian. Ông Đỗ Dân Vinh - đại diện Ban Tổ chức Lễ hội vật cổ truyền làng Vân bày tỏ: "Thông qua các hoạt động đặc sắc như đấu vật và các trò chơi dân gian, lễ hội không chỉ giữ gìn nét văn hóa truyền thống mà còn thu hút đông đảo du khách thập phương. Không khí sôi động, sự linh thiêng của các đền chùa và tinh thần đoàn kết của người dân góp phần tạo nên hình ảnh đẹp trong mắt du khách thập phương".

Đấu vật là một trong những môn thể thao cổ truyền có lịch sử lâu đời tại Việt Nam và xuất hiện ở nhiều làng xã. Theo quan niệm xưa, đấu vật không chỉ là một trò chơi dân gian mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, thể hiện mong ước về một mùa màng bội thu, cuộc sống sung túc và sức mạnh dẻo dai của con người trước thiên nhiên.

Những thế vật được phát triển không chỉ để tranh tài mà còn phục vụ chiến đấu, góp phần hun đúc tinh thần thượng võ của dân tộc. Qua thời gian, bộ môn này dần trở thành một nét văn hóa đặc trưng, được duy trì và phát triển qua các lễ hội làng quê.

Một số địa phương có truyền thống đấu vật lâu đời được duy trì đến ngày nay như Hà Nội có hội vật phường Mai Động (quận Hoàng Mai), sới vật làng Bùng (huyện Thạch Thất), sới vật Hồng Hà (huyện Đan Phượng)…; Bắc Giang có hội vật làng Vân, thị xã Việt Yên; Phú Thọ có các hội vật gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương…

Đô vật Ngô Thành Tân.

Kiện tướng Ngô Thành Tân – Huy chương Vàng Giải vật dân tộc quốc gia năm 2023 chia sẻ, anh cảm thấy vinh dự, tự hào khi được góp phần duy trì và phát triển môn thể thao truyền thống lâu đời của quê hương. “Các lễ hội vật không chỉ là cuộc tranh tài mà còn góp phần tôn vinh, gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc” – đô vật Ngô Thành Tân chia sẻ.

Tạo cơ chế thúc đẩy phong trào tập luyện

Những năm qua, nhiều địa phương đã quan tâm bảo tồn và phát triển môn đấu vật, điển hình là các hội vật được tổ chức hàng năm. Theo ông Đỗ Vinh Dân - thành viên Ban Tổ chức Lễ hội vật cổ truyền làng Vân, xã Vân Hà, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, với sự quan tâm của chính quyền địa phương, hội vật được duy trì và ngày càng thu hút đông đảo du khách.

Những sới vật sôi động, náo nhiệt không chỉ thắp lên niềm đam mê với môn thể thao truyền thống mà từ đó còn tuyển chọn ra nhiều vận động viên chất lượng cho đội tuyển vật của các địa phương cũng như quốc gia, hướng đến đấu trường quốc tế.

Các vận động viên thi đấu tại tại Giải vô địch vật tự do, dân tộc truyền thống mừng Xuân Ất Tỵ TP Hà Nội năm 2025.

Đáng chú ý, trong những năm qua, các vận động viên đội tuyển vật Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, khẳng định vị thế trên đấu trường quốc tế. Ở hai kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) gần nhất, đội tuyển vật Việt Nam đều giành chiến thắng áp đảo với 17/18 Huy chương Vàng tại SEA Games 31; 13/18 Huy chương Vàng tại SEA Games 32. Hướng tới SEA Games 33 tổ chức tại Thái Lan vào cuối năm nay, đội tuyển vật Việt Nam đặt ra chỉ tiêu giành 6 Huy chương Vàng.

Mặc dù có giá trị văn hóa sâu sắc, tuy nhiên để bảo tồn, phát triển thể thao vật dân tộc hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Mức thu nhập thấp, áp lực cuộc sống mưu sinh khiến cho nhiều vận động viên khó giữa được lửa nghề. Bên cạnh vấn đề thu nhập của các vận động viên, nguồn tài chính đầu tư và duy trì các hoạt động luyện tập, ăn ở và ngủ nghỉ của các vận động viên còn eo hẹp…

Để môn vật phát triển bền vững, có được những đô vật đủ sức cạnh tranh trên đấu trường quốc tế, phải chú trọng đầu tư căn cơ, bài bản từ khâu phát hiện, tuyển chọn, đào tạo vận động viên.

"Cùng với đó, chú trọng thúc đẩy phong trào tập luyện môn vật thông qua việc hỗ trợ tổ chức, tuyên truyền các giải vật truyền thống, hội vật làng trên mạng xã hội... Cũng từ đây, phong trào vật ở địa phương được gìn giữ, phát triển và thu hút đông đảo người tham gia tập luyện, đặc biệt là trẻ em” - Trưởng phòng Quản lý thể dục - thể thao (Sở VH&TT Hà Nội) Đào Quốc Thắng nhấn mạnh.

Luật Thủ đô: tạo cơ chế phát triển thể thao nâng tầm quốc tế

Luật Thủ đô: tạo cơ chế phát triển thể thao nâng tầm quốc tế

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tổ chức hiệu quả các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam

Tổ chức hiệu quả các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam

25 Apr, 01:19 PM

Kinhtedothi – Bộ VHTT&DL yêu cầu các đơn vị, địa phương rà soát, kiểm tra và quản lý chặt chẽ về nội dung, hình thức tuyên truyền phục vụ các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch trong dịp kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Bảo tồn Di tích bến Vàm Lũng - điểm cuối Đường Hồ Chí Minh trên biển

Bảo tồn Di tích bến Vàm Lũng - điểm cuối Đường Hồ Chí Minh trên biển

25 Apr, 12:02 PM

Kinhtedothi – Trong kháng chiến chống Mỹ, chỉ riêng điểm cuối Đường Hồ Chí Minh trên biển tại bến Vàm Lũng (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) đã đón nhận 4.400 tấn vũ khí các loại từ miền Bắc chi viện. Số vũ khí quý báu trên đã làm các lực lượng vũ trang của quân dân miền Nam ngày càng lớn mạnh, góp phần quan trọng làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ