Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Giữ mạch nguồn di sản Hội hát chèo tàu Tổng Gối

Kinhtedothi - Bộ VHTT&DL vừa ghi danh Hội hát chèo tàu Tổng Gối xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là cơ sở quan trọng để địa phương gìn giữ, phát huy và lan tỏa hơn nữa giá trị loại hình nghệ thuật đặc sắc có một không hai này.

Loại hình nghệ thuật độc đáo

Cùng với ca trù xã Thượng Mỗ, Hội diều Bá Dương Nội xã Hồng Hà, Hội hát chèo tàu Tổng Gối, xã Tân Hội là một trong ba địa chỉ văn hóa dân gian đặc sắc của huyện Đan Phượng. Hội hát chèo tàu Tổng Gối ra đời gắn với nghệ thuật diễn xướng nhằm ca ngợi ân đức của tướng Văn Dĩ Thành, người đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương.

Đoàn rước lễ trong Hội hát chèo tàu Tổng Gối, xã Tân Hội năm 2024.

Trong cuốn Ngọc phả của Tổng Gối xưa, nay là xã Tân Hội, huyện Đan Phượng vẫn còn in đậm ca ngợi ân đức lớn lao của tướng Văn Dĩ Thành. Sinh thời, cụ là người “anh hùng cái thế - thông minh đĩnh đạc – văn võ toàn tài”. Năm 1407 nhà Hồ bị nhà Minh đánh bại, đất nước bị xâm chiếm. Không chịu làm nô lệ cho phong kiến phương Bắc, ông đã cùng với ông Lê Ngộ, ngày đêm luyện tập, chiêu mộ nghĩa quân.

Với tài cao, uy đức, chỉ sau một thời gian ngắn, tiếng tăm của Ngài đã nổi khắp vùng, nghĩa quân các nơi như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Ninh Bình đã kéo về rất đông tại gò Đông Đãn (tức xứ Đồng dinh). Dưới sự chỉ huy “thông minh chính trực – thao tài võ lược”, Văn Dĩ Thành đã được nghĩa quân suy tôn là “Đại Nguyên soái Hoắc Y Nhất Bộ”.

Cảm kích trước khí tiết anh dũng “tận trung với nước – tận hiếu với dân”, khi Ngài hóa, Nhân dân Tổng Gối suy tôn là Thành hoàng làng và xây cung dinh miếu sở để thờ phụng. Trải qua hơn 600 năm, hàng năm cứ vào ngày Rằm tháng Giêng, Nhân dân Tổng Gối lại tưng bừng tổ chức tế lễ để thể hiện lòng tôn kính Thành hoàng làng và những năm phong đăng hòa cốc sẽ tổ chức Hội hát chèo tàu để ca ngợi công cao nghiệp cả của Ngài.

Chèo tàu Tân Hội là điệu hát chèo thuyền trên cạn độc đáo của xứ Đoài, một hình thức diễn xướng dân gian độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Nội dung của các bài hát trong diễn xướng chèo tàu là những bài hát riêng và những bài hát đối đáp của “tàu” và “tượng”, đều nhằm ca ngợi công đức của Thành hoàng Tổng Gối Văn Dĩ Thành. Hát chèo tàu Tân Hội gồm 20 làn điệu, được chia thành các hình thức như: hát trình, hát thuyền và hát bỏ bộ. Ngoài ra, đạo cụ không thể thiếu trong diễn xướng nghi lễ hát chèo tàu chính là tàu và tượng (voi gỗ).

Điều đặc biệt là tất cả bài hát của nghệ thuật chèo tàu cho đến nay vẫn được người dân Tân Hội giữ gìn nguyên vẹn lời ca cổ. Dù đã trải qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử nhưng lời ca, điệu hát vẫn giữ được vị thế của mình, vẫn làm say đắm lòng người.

Trình diễn nghệ thuật hát chèo tàu Tân Hội.

Theo lệ xưa, Hội hát chèo tàu Tổng Gối 25 năm mới tổ chức một lần, kéo dài suốt 7 ngày liên tục, từ Rằm đến ngày 21 tháng Giêng và chỉ diễn ra vào những năm mưa thuận gió hòa, không mở hội khi mất mùa, đói kém. Nói như nghệ nhân ưu tú Ngô Thị Thu - Chủ nhiệm Câu lạc bộ chèo tàu Tân Hội, mỗi người may mắn lắm trong đời mới được dự hai lần Hội chèo tàu.

Để di sản vươn xa

Hội chèo tàu được tổ chức lần đầu vào năm 1683. Tuy nhiên, sau đó, do ảnh hưởng của chiến tranh, tư liệu bị thất lạc, số người biết hát ngày càng ít. Năm 1922 là lần cuối cùng kỳ hội này được tổ chức, rồi tiếp tục bị gián đoạn do chiến tranh. Đến năm 2015, hội được khôi phục lại trong niềm hân hoan, phấn khởi của người dân địa phương. Hiện nay, Hội hát chèo tàu Tân Hội được tổ chức 5 năm/lần, thu hút đông đảo người dân trong vùng tham dự.

Theo lãnh đạo xã Tân Hội, việc tổ chức Hội hát chèo tàu nhằm gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của địa phương, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, thiết thực phục vụ nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần của Nhân dân trên địa bàn.

Điều đáng mừng là hát chèo tàu Tân Hội không chỉ còn giới hạn ở khu vực diễn xướng tại địa phương mà còn được đưa vào trường học, mang đi biểu diễn ở nhiều nơi khác. Như trong Ngày hội Văn hóa vì hòa bình kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), đoàn diễu hành biểu diễn chèo tàu Tân Hội, Đan Phượng cũng gây ấn tượng mạnh với người dân và du khách.

Ngày 14/5/2025, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL có Quyết định số 1351/QĐ-BVHTTDL đưa lễ hội truyền thống Hội hát chèo tàu Tổng Gối xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vui lớn với người dân và chính quyền địa phương. Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, nghệ nhân ưu tú Ngô Thị Thu - Chủ nhiệm Câu lạc bộ chèo tàu Tân Hội cho biết, bà con Nhân dân, đặc biệt là những người yêu mến, các thành viên câu lạc bộ đang thực hành truyền dạy hát chèo tàu vô cùng phấn khởi, xúc động khi loại hình nghệ thuật này được vinh danh, có cơ sở để bảo tồn, nhân rộng.

Hội hát chèo tàu Tổng Gối xã Tân Hội, huyện Đan Phượng được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hiện Câu lạc bộ chèo tàu Tân Hội có hơn 40 thành viên, trong đó có 20 em nhỏ, từ 13 - 18 tuổi, tham gia sinh hoạt thường xuyên. Những năm qua, được sự hỗ trợ của Sở VH&TT Hà Nội cũng như huyện Đan Phượng, xã Tân Hội, hoạt động của Câu lạc bộ chèo tàu Tân Hội có nhiều bước tiến đáng kể, sưu tầm, hồi sinh lại được nhiều làn điệu cổ. Rồi cùng với các thành viên trong câu lạc bộ, nghệ nhân Ngô Thị Thu đã đưa chèo tàu vươn ra nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước như: Ninh Bình, Phú Thọ, Nghệ An...

“Hát chèo tàu đặc biệt ở chỗ, trừ hai vị trí Cái tàu và Chiêu quân có thể do phụ nữ đã có gia đình diễn xướng, còn lại bắt buộc ca nương phải là các cô gái ở độ tuổi 13 – 18, chưa lập gia đình. Do đó, việc tuyển chọn, truyền dạy hát chèo tàu khó khăn, vất vả hơn các loại hình nghệ thuật khác. Dự kiến trong tháng 6 và tháng 7, chúng tôi sẽ mở lớp truyền dạy hát chèo tàu cho các bé gái ở độ tuổi cấp hai để có đội ngũ kế cận, tiếp nối mạch nguồn truyền thống của quê hương. Tới đây, khi đơn vị hành chính cơ sở mới đi vào hoạt động, chúng tôi mong tiếp tục được quan tâm, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này” – nghệ nhân Ngô Thị Thu chia sẻ.

Phát huy truyền thống vốn có từ lâu đời và tinh thần đoàn kết, trong những năm qua, Đảng bộ và Nhân dân xã Tân Hội đã thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn kiểu mẫu, an ninh chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng khá, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Đến nay xã không còn hộ nghèo, công tác văn hóa - giáo dục – y tế có bước tiến triển rõ rệt, vệ sinh môi trường được bảo đảm “sáng – xanh - sạch – đẹp”.

Đáng chú ý, các phong trào đội văn nghệ quần chúng được duy trì ở bốn thôn Thượng Hội, Thúy Hội, Vĩnh Kỳ và Phan Long. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hội Ngô Văn Mạnh chia sẻ, để phát huy giá trị nghệ thuật hát chèo tàu sau khi đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, địa phương mong muốn được TP, huyện và tới đây là đơn vị hành chính mới xã Ô Diên quan tâm đầu tư mở rộng khu di tích Lăng Văn Sơn. Từ đó mở rộng không gian diễn xướng chèo tàu, nhất là những khi diễn ra các kỳ lễ hội, để nghệ thuật hát chèo tàu lan tỏa sâu rộng hơn trong đời sống đương đại.

Dòng sự kiện:
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Ninh Bình tưng bừng khai hội du lịch 2025

Ninh Bình tưng bừng khai hội du lịch 2025

23 May, 10:08 PM

Kinhtedothi - Chiều 23/5, Tuần Du lịch Ninh Bình 2025 với chủ đề “Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An” đã chính thức khai mạc tại khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, thu hút đông đảo đại biểu, du khách trong và ngoài nước.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ