Giữ những lá thư thời chiến trở thành di sản

Bài, ảnh: Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội thảo bên lề cuộc triển lãm "Những lá thư thời chiến" kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ tại Trung tâm triển lãm văn hóa Việt Nam sáng 25/7 lấy chủ đề từ cuốn sách “Những lá thư thời chiến” của nhà văn Đặng Vương Hưng.

Nhưng những lời chia sẻ, câu chuyện kể của những người còn sống không dừng ở 113 lá thư trong cuốn sách, mà còn xúc động tính đến chuyện xa hơn, lưu giữ những lá thư viết trên vải áo, vỏ bao thuốc lá, vỏ đạn… thành di sản cho thế hệ mai sau.
Giao tiếp giữa “địa ngục” với “trần gian”
GS Hoàng Chương cho rằng: “Chiến tranh đã được nói nhiều qua các tác phẩm văn học, điện ảnh, nhiều tác phẩm đã trở thành vĩ đại. Đó là cách nhìn chiến tranh qua ngôn ngữ văn chương. Người viết thư thời chiến không phải là nhà văn, họ viết những lời chân thực, đời thường nhất về cuộc sống xung quanh, về nỗi nhớ thể hiện sự chân thành nhất trong thực tế cuộc chiến”.

Triển lãm những lá thư thời chiến kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ tại Trung tâm triển lãm văn hóa Việt Nam.

Dưới góc nhìn của cựu tù chiến sĩ Côn Đảo, bà Lê Tú Cẩm – Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP Hồ Chí Minh suy nghĩ thư thời chiến khi đó là phương tiện giao tiếp giữa “địa ngục” (Côn Đảo) với “trần gian” (cuộc sống tự do đời thường). Bà Lê Tú Cẩm nhớ lại, ngày ấy ở nhà lao Thủ Đức, Chí Hòa, Tân Hiệp (thuộc Côn Đảo), những người tù cách mạng tìm mọi cách ngụy trang để gửi được những lá thư đi. Thư được viết trên vải, gấp lại thành rìa áo gối thêu, hay chiếc túi xách nhỏ có thêu vài hình ảnh xinh xắn gửi về cho em, nhưng mặt trong là thư. Từ bên ngoài gia đình gửi thư vào cũng nhiều sáng tạo. Riêng với gia đình bà Lê Tú Cẩm, thư được mẹ bà cuộn thật nhỏ cho vào trong thân nắm lóc chưng thịt gửi vào. “Gia đình chị cùng phòng tôi thì để trong cà dồn thịt, người lại cho vào củ khoai trong tô cà ri…” – bà Cẩm nhớ lại. Những dòng thư ấy gửi đi mang theo cả nỗi nhớ thương, nhưng đôi khi lại là cuộc trao đổi thầm kín về nội tình cuộc chiến. Để cho dù có thịt nát, xương tan trong nhà tù Côn Đảo, mỗi chiến sĩ vẫn mỉm cười tin vào ngày đoàn tụ.
“Hơn 40 năm trước, tôi từng viết, từng đọc những lá thư của chính mình và của đồng đội. Lá thư thời chiến không của riêng ai, khi mỗi người có thư là cả tiểu đội, đại đội xúm vào đọc. Đến bây giờ, khi đọc lại tôi có cảm giác hàng vạn chiến sĩ đang cùng đọc lại những bức thư với tôi” – cựu tù cách mạng Trương Công Đạo chia sẻ.
Tìm cách tiếp cận mới
“Thông thường nói về chiến tranh, người ta hay nhắc đến di tích, đến các trận chiến cụ thể mà quên đi phần con người trong mỗi bức thư. Cảm nhận ở những lá thư thời chiến, với người trải qua thời kỳ đó là ký ức, với thế hệ trẻ là tuyên truyền, giáo dục. Chính vì vậy, khi chiến tranh đã lùi càng xa, bảo tồn các lá thư thời chiến là bảo tồn văn hóa dân tộc” - nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá.
Hàng nghìn tác giả của những lá thư thời chiến đã hy sinh, nhưng câu chuyện, chia sẻ của họ luôn khiến những người ở hậu phương nhớ tới. Như lời kể của mẹ của một chiến sĩ cách mạng, có những bức thư của con gửi trong mo cau, khi có bom, thứ bà ôm theo duy nhất xuống hầm là mo cau gói thư. Đến tận khi hòa bình lặp lại, bà mới yên tâm trang trọng đặt lá thư lên bàn thờ người chiến sĩ. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những người chiến sĩ năm xưa, cũng như rất nhiều người trẻ hôm nay đang mải miết săn tìm những kỷ vật của một thời rực màu hoa lửa từ các cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Những kỷ vật ấy luôn khiến người đọc hôm nay rơi lệ khâm phục.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần