Giữa tác dụng và phản tác dụng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật ân xá cho tất cả những ai bị truy tố liên quan đến diễn biến tình hình chính trị an ninh xã hội Thái Lan từ sau cuộc đảo chính của giới quân sự năm 2006 vừa được Hạ viện thông qua là một trong những bộ luật gây tranh cãi nội bộ nhiều nhất ở nước này.

Lý do đơn giản ở chỗ ranh giới giữa tác dụng và phản tác dụng của nó rất mong manh.

Khắc phục hậu quả và tác động của thời kỳ hỗn loạn và bạo lực từ sau năm 2006 là việc rất cần thiết đối với Thái Lan bởi nếu không thì chính trường tiếp tục phân cực và nội bộ xã hội tiếp tục bị phân rẽ. Chỉ có điều là với bộ luật này, Chính phủ hiện tại ở Thái Lan không thể tránh khỏi bị coi là "tình ngay, lý gian" hoặc thậm chí tình dẫu ngay, lý vẫn gian. Phe cầm quyền hiện tại ở Thái Lan vốn là phe cánh của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và đương kim Thủ tướng Thái Lan Yungluck là em gái của ông Thaksin.

Chính phủ Thái Lan lại còn đưa cựu thủ tướng và thủ lĩnh phe đối lập hiện tại trong quốc hội Abhisit Vejjajiva ra toà. Luật này sẽ giúp ông Abhisit Vejjajeva không bị ra toà hoặc có bị ra toà thì cũng sẽ được ân xá và nếu thế thì ông Thaksin cũng sẽ được ân xá. Luật này giúp cho tất cả những ai ở cả hai phía đã gây ra chuyện nọ chuyện kia từ sau cuộc đảo chính đó, kể cả những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Như thế có nghĩa là để ngỏ khả năng nếu sau này tái phạm hay ai đó mắc phải cũng không sao. Chính tác dụng "hoà cả làng" đó ẩn chứa nguy cơ là mâu thuẫn không được giải quyết triệt để mà còn có khả năng trở nên sâu sắc hơn, sự đối kháng và phân hoá trên chính trường và trong xã hội không được khắc phục mà thậm chí có thể còn quyết liệt hơn. Phải qua thời gian mới thấy được tác dụng, trong khi cái phản tác dụng của luật này hiện đã nhãn tiền.