Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giun đũa dài như con lươn trong dạ dày bệnh nhân

Nhật Uyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 4/4, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, bệnh nhân vừa tiếp nhận một bệnh nhân và phát hiện giun đũa dài 15 cm trong dạ dày bệnh nhân này.

Đó là, trường hợp bà Nguyễn Thị T., 65 tuổi, trú tại phường Đức Giang, Long Biên, Hà Nội đến khám Bệnh viện Đa khoa Đức Giang ngày 4/4 trong tình trạng da niêm mạc nhợt, đau bụng quanh rốn, đau từng cơn, đau tăng lúc đói, ăn uống khó tiêu. Bệnh nhân được chỉ định làm các xét nghiệm máu và nội soi kiểm tra dạ dày.
 Kí sinh trùng giun đũa đã được đưa ra khỏi người bệnh nhân. 
Qua hình ảnh nội soi, kíp nội soi do bác sĩ Trần Văn Tiến – khoa Thăm dò chức năng phát hiện bệnh nhân có kí sinh trùng giun đũa kích thước 0,4x15cm thân tròn ở phình vị (dài như con lươn). Ngay lập tức, kíp nội soi tiến hành gắp kí sinh trùng giun đũa ra khỏi dạ dày bệnh nhân. Chưa đến một phút, kí sinh trùng giun đũa đã được đưa ra khỏi người bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh nhân còn có 4 polyp dạ dày kích thước 0,5-0,8cm, bác sĩ hẹn bệnh nhân tẩy giun sau 6 tháng kiểm tra lại và cắt polyp. Sau khi ổn định sức khỏe, các bác sĩ đã cho bệnh nhân ra viện.
Bệnh nhân cho biết, đã 10 năm nay chưa uống thuốc tẩy giun vì chủ quan, dạo gần đây bệnh nhân thấy thi thoảng có cơn hoa mắt chóng mặt thoảng qua, đau bụng quanh rốn.
Bác sĩ Trần Văn Tiến cho biết: “Hiện nay, bệnh nhân bị nhiễm kí sinh trùng giun đũa là không nhiều. Thế nhưng, giun đũa có thể biến chứng chui và đường mật gây tắc mật với biểu hiện đau bụng dữ dội, hoặc chui vào phổi gây viêm phổi kéo dài, điều trị không đỡ. Giun đũa không chỉ cạnh tranh nguồn dinh dưỡng của con người mà còn gây nên những biến chứng khá nghiêm trọng”.
Bệnh giun đũa ký sinh ở người chủ yếu là do trứng có phôi gây nhiễm theo con đường tiêu hóa, qua thức ăn, nước uống, rau quả hoặc do tay bẩn chứa trứng giun rồi đưa vào miệng. Ở thức ăn, loại giun này lây lan chủ yếu qua rau cải hoặc hoa quả có chứa trứng giun. Khi ấu trùng giun lọt vào đường tiêu hóa của người, nhờ tác dụng co bóp của dạ dày, ruột và dịch vị, dịch ruột, dịch tiêu hóa làm vỡ trứng và phóng thích phôi khiến phôi có thể biến thành ấu trùng. Ấu trùng đi ngang qua thành ruột non, theo con đường máu đến gan, theo tĩnh mạch trên gan tìm đến phổi. Từ phổi, chúng đi lên cuống phổi sang hầu, sau đó được nuốt trở lại ống tiêu hóa, định vị ở ruột non rồi trưởng thành ở đó. Thời gian một chu kỳ từ trứng giun trở thành giun trưởng thành mất khoảng 2 tháng. Bản thân một con giun có thể sống trong cơ thể người đến 1 năm.
Bác sĩ Tiến khuyến cáo người dân nên thường xuyên tẩy giun định kỳ 6 tháng 1 lần, hạn chế ăn đồ ăn sống, thực hiện việc ăn chín uống sôi.