Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giúp nông dân làm chủ khoa học kỹ thuật

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Với sứ mệnh là cầu nối chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Trung tâm) đã xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình nông nghiệp tiêu biểu, giúp người nông dân làm chủ khoa học kỹ thuật, vươn lên làm giàu.

Nuôi gà theo hướng an toàn sinh học tại xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ cho hiệu quả kimh tế cao. Ảnh: Ánh Ngọc
Nuôi gà theo hướng an toàn sinh học tại xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ cho hiệu quả kimh tế cao. Ảnh: Ánh Ngọc

Đưa tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng

Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho biết, các chương trình khuyến nông đã ăn sâu vào nếp sản xuất hằng ngày của người nông dân, từ tập huấn về khoa học kỹ thuật đến hỗ trợ các mô hình trình diễn, công nghệ mới mang lại hiệu quả kinh tế cao so với sản xuất truyền thống. Ngoài hỗ trợ về kỹ thuật, cây, con giống, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội còn hỗ trợ cho nông dân vốn mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế. Nhờ đó, xã Văn Đức đã hình thành được vùng chuyên canh rau an toàn, chăn nuôi lợn, bò rất phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp nông dân vươn lên làm giàu.

Với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, hộ ông Cao Xuân Trường (xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì) đã áp dụng mô hình chăn nuôi thủy sản an toàn theo hướng VietGAP trên diện tích 1ha, nuôi cá chép và cá rô phi. “Dưới sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ khuyến nông, gia đình tôi tuân thủ chặt chẽ quy trình VietGAP, từ chăm sóc, quản lý đến thu hoạch, hạn chế sử dụng kháng sinh và các chế phẩm sinh học trong việc xử lý môi trường ao nuôi. Sau kiểm nghiệm, mô hình được cấp chứng nhận an toàn VietGAP, tạo điều kiện cho sản phẩm thủy sản tiêu thụ qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, từ đó mang lại giá trị cao hơn so với chăn nuôi theo quy trình thông thường 10 - 20%” – ông Cao Xuân Trường chia sẻ.

Xác định nhiệm vụ trọng tâm là đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã nỗ lực tìm tòi, tiếp cận các mô hình mới, đánh giá, rút kinh nghiệm, làm cơ sở nhân rộng tại các địa phương. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho hay, Trung tâm đã xây dựng các mô hình khuyến nông trên cơ sở gắn ứng dụng khoa học kỹ thuật với việc lựa chọn các bộ giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, thực hiện nghiêm quy định từ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giống đến kiểm soát, giám sát quy trình kỹ thuật một cách hiệu quả.

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, chuỗi liên kết sản xuất

Thực tế hiện nay, việc tiếp nhận chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật của nông dân vẫn ở mức độ nhất định nên gặp nhiều khó khăn trong việc nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp mới. Do đó, Trung tâm thường xuyên mở lớp tập huấn, tổ chức cho nông dân tham quan mô hình áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.

Qua đó, trang bị cho người dân kiến thức về liên kết, hợp tác trong sản xuất; thay đổi nhận thức từ quy mô nhỏ lẻ, manh mún sang liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Cùng với đó, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các địa phương xây dựng các mô hình khuyến nông, nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cũng theo bà Vũ Thị Hương, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến gắn với hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, xây dựng tổ hợp tác, tổ liên kết. Ngoài ra, Trung tâm đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất hữu cơ, nhất là đối với sản xuất lúa, rau, quả và chăn nuôi. Nhân rộng mô hình mạ khay cấy máy, sử dụng máy bay không người lái; các mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây ăn quả; trồng rau, quả trong nhà lưới, nhà kính. Đặc biệt, xây dựng một số mô hình phát triển kinh tế trang trại nông nghiệp sinh thái, trải nghiệm gắn với phát triển du lịch…

 

Để người nông dân thực sự làm chủ khoa học kỹ thuật, khi xây dựng mô hình và tổ chức hướng dẫn chuyển giao, đơn vị cần xác định rõ lợi thế của mỗi địa phương, áp dụng kỹ thuật phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền. Quan trọng nhất, mỗi cán bộ khuyến nông phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, đa dạng hình thức chia sẻ thông tin.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại