Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Global Gateway: Cùng cách chơi

Bắc Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Global Gateway (tạm dịch là Cửa ngõ toàn cầu) là tên gọi của kế hoạch mới của EU về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước đối tác và đang phát triển trên thế giới.

Trụ sở EU tại Brussels (Bỉ). (Ảnh: L’epresse).
Trong kế hoạch này, EU dự định đầu tư 300 tỷ Euro với thời gian thực hiện là 5 năm. Quy mô vốn đầu tư lớn nhưng lại trong thời gian ngắn là sự khác biệt cơ bản giữa dự định này của EU với những kế hoạch tương tự của Trung Quốc trong khuôn khổ chương trình Một vành đai, một con đường và với Bộ tứ kim cương (Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia) trong chủ định cấu trúc khu vực lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Vậy là EU sử dụng cùng cách chơi trong cuộc chơi như các đối tác nói trên. Cùng là việc bỏ ra khối lượng vốn đầu tư lớn vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển, đặc biệt vào lĩnh vực năng lượng thân thiện với môi trường, công nghệ số, giao thông vận tải, cung ứng dịch vụ hậu cần... Các nước đang phát triển ở khắp nơi trên thế giới hiện có nhu cầu rất lớn trên những phương diện này. Ai bên ngoài đáp ứng được nhu cầu ấy đều có cơ hội và tiền đề thuận lợi để gây dựng và đề cao vai trò và ảnh hưởng, đều có thể tranh thủ được họ và tập hợp lực lượng mà liên kết, liên thủ hay liên minh được với họ cũng còn đồng thời có nghĩa là sẽ phân rẽ được họ với các bên khác.

Với kế hoạch này, EU tham gia cuộc chơi muộn so với các đối tác nói trên nhưng hiện tại vẫn không hề quá muộn bởi cuộc chơi trên thực tế mới chỉ bắt đầu và chưa thấy bên nào tạm thời thắng thế. EU còn kỳ vọng ở kế hoạch ấy sẽ có hiệu ứng kinh tế và thương mại thiết thực to lớn trong việc kết nối các nền kinh tế và khu vực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của các nền kinh tế trong EU. Đồng thời, điều này cũng khiến đa dạng hóa nguồn cung ứng nguyên vật liệu, đặc biệt những nguyên vật liệu có ý nghĩa chiến lược. Kế hoạch này của EU làm cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương càng được quan tâm đến.