Theo báo cáo của Bộ Y tế, nhiều địa phương đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt. Trong 2 tuần qua, số ca mắc trong cộng đồng giảm 44,7% so với 2 tuần trước, giảm 47,3% so với 1 tuần trước đó.
Trong khi dịch bệnh đang có dấu hiệu lắng xuống, các vấn đề về an sinh xã hội lại đang đặt ra nhiều thách thức. Hàng trăm nghìn lao động phải nghỉ việc tạm thời; người dân tại các đô thị, khu công nghiệp lớn phải chật vật tìm cách trở về quê nhà do không thể bám trụ lại trong hoàn cảnh thiếu thốn. Việc các tuyến vận tải liên tỉnh cả đường bộ, hàng không, đường sắt ngừng hoạt động đã góp phần đẩy người dân vào tình thế khó khăn hơn. Không ít người phải di chuyển bằng xe máy hoặc đi bộ cả nghìn cây số để về nhà.
Vừa qua, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch tái tổ chức và kiểm soát vận tải trong tình hình mới. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn tỏ ra khá dè dặt với kế hoạch này. Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng, nếu tiếp tục kìm hãm hoạt động giao thông vận tải, sẽ có thể khiến người dân hiểu sai về chính sách, thậm chí là sợ trách nhiệm, sợ không quản lý được nên cho tạm dừng. Đặc biệt, việc không kịp thời chuẩn bị, đưa đón tập trung để người dân phải đi một hành trình dài vất vả về quê đã gây nên nhiều hệ lụy nhãn tiền. Thế nhưng, khi Bộ GTVT đề xuất cho mở lại đường sắt quốc gia để “giải cứu” người dân thì không ít địa phương lại chậm trễ, dè dặt.
Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Anh Tuấn phân tích, việc người dân tự phát trở về quê trên những hành trình dài thiếu thốn, nhọc nhằn vừa là nỗi khổ của họ, vừa là mối nguy tiềm tàng cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Mặt khác, vận tải hàng hóa giữa các địa phương cũng gặp không ít khó khăn do thủ tục, giấy tờ không thống nhất, mới ban hành, áp dụng chưa hoàn chỉnh, thuận tiện. “Việc lưu thông hàng hóa khó khăn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho cả người dân, DN và các địa phương. Bởi thế quyết sách điều tiết giao thông chung từ một đầu mối, không chia cắt, không thêm giấy phép con là cực kỳ cần thiết và có ý nghĩa sống còn với nền kinh tế vào thời điểm này” - ông Nguyễn Anh Tuấn nhận định.
Không để phát sinh giấy phép conNhận định rõ những khó khăn hiện tại, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành T.Ư cùng các địa phương tập trung tháo gỡ, quy về một đầu mối chỉ đạo trong lĩnh vực GTVT để thực hiện xuyên suốt. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành quyết liệt chỉ đạo để việc lưu thông và GTVT được thực hiện thống nhất trên toàn quốc, cả hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ. Các địa phương theo điều tiết chung, không ban hành giấy phép con, không cát cứ, không chia cắt. Thủ tướng nhấn mạnh: “Thận trọng, không chủ quan nhưng phải làm, có bước đi, có lộ trình”.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng đề nghị các địa phương bám sát chủ trương chuyển hướng chiến lược sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Các địa phương phối hợp với các bộ để mở lại giao thông liên tỉnh, không để GTVT là điểm nghẽn, không “ngăn sông cấm chợ” để mở cửa nền kinh tế, phục hồi và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Đỗ Anh Bằng chia sẻ: “Chỉ đạo của Thủ tướng có thể coi là chiếc phao cứu sinh cho DN vận tải. Hiện nay nhiều DN còn đang đắn đo việc tỉnh này cho chạy nhưng tỉnh khác cấm vào thì hành khách không ai đi. Mỗi địa phương một kiểu, DN thà nằm im chịu trận còn hơn chạy mà thua lỗ”.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn: “Việc cho dừng các hoạt động vận tải liên tỉnh cũng giống như bóp nghẹt mạch máu, thì cơ thể của nền kinh tế tất yếu phải đối diện với nguy cơ suy sụp. Kinh tế đi xuống thì an sinh xã hội không được đảm bảo, chúng ta sẽ thua trên toàn trận tuyến chống dịch”. Ngược lại, cho vận tải hoạt động lại thì các cơ sở sản xuất, DN mới thuê được người lao động, hàng hóa mới lưu thông. Người dân có việc làm, có thu nhập mới yên tâm “ở đâu yên đó” đồng thời tiêu thụ hàng hóa, góp phần khôi phục nền kinh tế.
Tuy nhiên, đúng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không thể chủ quan, lơ là với dịch bệnh. Song hành với việc vận hành lại mạng lưới GTVT, Bộ GTVT và các địa phương cũng cần tăng cường các biện pháp giám sát, xây dựng những kịch bản ứng phó hữu hiệu với mọi rủi ro. Nhiều chuyên gia cho rằng, trước mắt cần bằng mọi biện pháp, “giải cứu” người dân khỏi những cuộc thiên di đầy trắc trở, hiểm nguy, vừa để đảm bảo an toàn cho Nhân dân, vừa giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm ngấm ngầm trong cộng đồng, phòng ngừa dịch bệnh lan từ tỉnh này sang tỉnh khác.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Công điện số 1322/CĐ-TTg ngày 10/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Công điện nêu rõ: Yêu cầu các địa phương cần rà soát, điều chỉnh và thực hiện nghiêm các chỉ đạo về khôi phục vận tải hành khách bằng đường hàng không đã được Chính phủ chỉ đạo tại Thông báo số 263/TB-VPCP ngày 8/10/2021; Bộ GTVT và Bộ Y tế giám sát, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện của các địa phương; kịp thời chấn chỉnh và xử lý theo thẩm quyền các trường hợp thực hiện chưa đúng quy định; báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý đối với trường hợp vượt thẩm quyền. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chậm nhất 3 ngày kể từ ngày ban hành công điện này, phải ban hành quy định, hướng dẫn và triển khai hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt, đường bộ trên toàn quốc bảo đảm an toàn phòng chống dịch. |